Không chờ vận động
Kiểm tra lại lượng thịt, cá, rau, củ trong tủ lạnh đặt dưới tầng trệt, ông Nguyễn Quang Quảng (phường Tân Thuận Đông, quận 7) ghi lại những món gần hết rồi dặn vợ đặt mua thêm. Từ đầu tháng 7, gia đình ông Quảng đã đặt tủ lạnh tại đây để phục vụ nhu yếu phẩm cho những người ở trọ, hoàn toàn miễn phí.
Ở phường Tân Thuận Đông, ông Quảng là một trong những người đầu tiên giảm giá tiền phòng cho người thuê trọ, từ khi địa phương chưa vận động ông đã thực hiện công việc này. Từ giảm 1 triệu đồng/tháng/phòng, đến nay ông giảm gần 2 triệu đồng/tháng/phòng và lo luôn chuyện ăn uống cho người ở trọ.
Thời trẻ từng trải qua giai đoạn khó khăn, cũng phải đi làm thuê, ở trọ nên ông Quảng thấu hiểu nỗi vất vả của đời sống công nhân, người lao động xa quê tìm hướng mưu sinh ở thành phố này. Cùng với đó là tinh thần trách nhiệm của người đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng đã luôn thôi thúc vợ chồng ông Quảng hướng về những công việc giúp ích cho xã hội, cho cộng đồng, địa phương mà không chút toan tính.
“Nhìn hình ảnh khó khăn của người ở trọ hôm nay, tôi cứ nhớ về hình ảnh của mình ngày trước, rồi muốn giúp họ bằng tất cả khả năng của mình”, ông Quảng trải lòng. Ông tận dụng mọi mối quen biết để xin rau, củ, gạo tặng người dân khó khăn bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm của người đảng viên mà bao năm nay vợ chồng ông tu dưỡng, rèn luyện.
Thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, việc chăm lo nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa có nơi, có chỗ còn lúng túng. Vì vậy, khi thấy các khu vực xung quanh nhà bị phong tỏa, đảng viên Lê Văn Lộc (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ngụ phường 14, quận 11) nghĩ ngay đến bữa ăn hàng ngày của người dân nghèo. Ban đầu, ông bỏ tiền túi mua nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân, mua thuốc hỗ trợ F0... Dần dần, việc làm tự nguyện của ông đã lan tỏa và được bạn bè, người quen chung tay tham gia, hoạt động được duy trì đến nay.
Hàng ngày, ông Lộc tìm kiếm nguồn thực phẩm từ các tỉnh miền Tây, Đắk Nông, Đà Lạt, mua thêm nhu yếu phẩm khác rồi chia thành từng phần để tặng bà con. Với mỗi phần quà, ông luôn tính toán để người dân có thể dùng trong 2 tuần. Từ một giảng viên cả ngày chỉ biết lên giảng đường, rồi dịch bệnh xảy ra đã hướng ông thành một “thương nhân phi lợi nhuận”. Dù tất bật cả ngày với rau, củ, gạo, mắm muối nhưng ông Lộc lại cảm nhận cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa hơn.
Gửi con để có thời gian chăm lo dân
Phải đến lần thứ 4 kết nối qua điện thoại, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện trọn vẹn với ông Trần Văn Hân, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 6, phường Linh Trung (TP Thủ Đức). Những lần trước, chúng tôi chỉ kịp hỏi vài ba câu là lại có người dân gọi điện thoại cho ông hỏi chuyện này, nhờ chuyện khác. “Việc của người dân cần hơn nên tôi ưu tiên họ trước. Lúc nào xong việc tôi sẽ gọi lại, cô thông cảm nhé”, ông Hân nói rồi cúp máy sau khi có cuộc gọi đến.
Qua nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi phần nào thấm được sự nhọc nhằn, vất vả trước những việc không tên của những cán bộ cơ sở ở giai đoạn này. Thế nhưng, khi nói đến từ vất vả, ông Hân gạt đi: “Đảng viên mà cô. Mình không tiên phong, không gương mẫu thì khó vận động mọi người lắm”. Có lẽ, bằng lý tưởng ấy nên dù lớn tuổi, ông Hân không nề hà bất cứ chuyện gì, khó mấy cũng hoàn thành, miễn là chăm lo được cho người dân.
Khu phố 6 ôm trọn khu Đại học Quốc gia TPHCM, phần lớn người dân sinh sống là công nhân và sinh viên đang rất cần được chăm lo. Vì vậy, khi nhận được các chính sách địa phương triển khai, ông Hân lập tức đưa xuống tổ dân phố để thực hiện ngay. Tiêu biểu như các đợt lập danh sách để chi hỗ trợ, chỉ trong vòng 2 ngày, khu phố 6 đã hoàn tất danh sách, không sót lọt ai. Hay các đợt hỗ trợ nhu yếu phẩm, ông Hân cũng triển khai ngay, khi có quà là trao đến tận tay gần 2.000 hộ dân.
Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 cam go như hiện nay, những người tuyến giữa như ông Hân đã bộn bề đủ thứ việc, còn tuyến đầu là sự hy sinh vô cùng to lớn của lực lượng nhân viên y tế. Từ ngày làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, đến nay đã hơn 3 tháng, đảng viên, y sĩ Phan Hoàng Sơn, Phó trưởng Trạm Y tế phụ trách điều hành phường 4 (quận 11) “cắm trại” tại cơ quan để chăm lo sức khỏe cho người dân. Cũng từng ấy thời gian, anh và vợ phải gửi con nhờ người thân chăm sóc.
Anh Sơn là thành viên trong đội phản ứng nhanh ứng cứu F0 của Trạm Y tế phường 4. Với công việc của một người luôn phải căng mình trực chiến, có những ngày anh đi xuống nhà dân chăm sóc các F0 từ 6 giờ sáng đến 23 giờ, quên cả ăn cơm trưa. Còn bữa cơm tối có khi diễn ra khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Vừa chợp mắt, có cuộc gọi, anh và đồng nghiệp lại tất tả lên đường.
Những đóng góp chủ động, kịp thời và cả sự hy sinh của các đảng viên thời gian qua đã góp phần tạo được niềm tin trong nhân dân. Mỗi người mỗi phần việc, song họ đã cùng dệt nên một bức tranh toàn cảnh về sự chung tay, đồng lòng cùng TPHCM phòng chống dịch. Với tinh thần ấy, chắc chắn một ngày không xa, thành phố sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Trong quá trình làm việc, không may anh Phan Hoàng Sơn mắc Covid-19. Với kinh nghiệm của một y sĩ tham gia chăm sóc cho các F0 tại nhà đã giúp anh chiến thắng Covid-19. Vừa khỏi bệnh, anh Sơn đã nhanh chóng trở lại công việc. Lúc nào anh cũng tâm niệm phải nỗ lực hơn nữa, phải vượt qua khó khăn của bản thân để hoàn thành trách nhiệm của một đảng viên tiên phong, một nhân viên y tế đối với người bệnh, với nhân dân. |