Kinh tế học thời khó nhọc của hai tác giả từng được trao giải Nobel Kinh tế năm 2019 là Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo. Trước đó, NXB Trẻ từng phát hành tác phẩm của hai người là Hiểu nghèo và Thoát nghèo. Với Kinh tế học thời khó nhọc lần này, hai tác giả đã trình bày những nghiên cứu kinh tế mới nhất để gợi mở giải pháp cho những vấn đề kinh tế trọng yếu: Nhập cư, thương mại, tăng trưởng, bất bình đẳng, môi trường, ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Kinh tế học thời khó nhọc là ấn phẩm chung của hai tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo, từng được trao giải Nobel Kinh tế năm 2019 |
Kinh tế học thời khó nhọc được xem là tựa sách tham khảo quan trọng dành cho nhà quản trị và người làm chính sách, khi đặt ra hàng loạt câu hỏi cấp thiết hiện nay như: Trước khủng hoảng, có thể làm gì để thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ ở các nước nghèo mà cả với phương Tây giàu có? Thương mại quốc tế có tác động gì đến tình trạng bất bình đẳng đang bùng nổ khắp nơi? Chúng ta nên lo lắng về AI hay ăn mừng vì công nghệ phát triển? Và cấp bách nhất, xã hội có thể làm gì để giúp tất cả những người mà thị trường đã bỏ lại phía sau?
Trong cuốn sách Bứt phá thời số hóa, tác giả Nitin Seth giải đáp những câu hỏi then chốt: Tại sao các công ty thất bại trong quá trình chuyển đổi số?; Các quy tắc kinh doanh thay đổi như thế nào trong thời đại số?; Số hóa đem đến những cơ hội đột phá nào trong các ngành công nghiệp khác nhau?; Làm sao để tận dụng tốt nhất tiềm năng của các công nghệ số như AI và Đám mây?; Cấu trúc và văn hóa tổ chức cần thay đổi như thế nào?; Các nhà lãnh đạo và chuyên gia trẻ cần xây dựng những kỹ năng mới nào?
Ấn phẩm "Bứt phá thời số hóa" của tác giả Nitin Seth, giúp bạn đọc làm rõ cách thức làm chủ quá trình chuyển đổi số |
Sau Cơn lốc quản trị, mang đến ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp (ra mắt vào tháng 9 năm nay), GS Phan Văn Trường cùng 30 người khởi nghiệp thuộc đủ mọi ngành nghề tiếp tục mang đến ấn phẩm Không có sông quá dài - Cẩm nang dành cho những người khởi nghiệp. Thông qua ấn phẩm này, bạn đọc sẽ nhận được những câu chuyện cay đắng hoặc ngọt ngào, thành công hoặc thất bại, từ đó đúc rút ra một loạt những điều phải làm và nên tránh khi khởi nghiệp. Một cuốn cẩm nang thiết thực và đầy cảm xúc cho người bắt đầu con đường kinh doanh.
"Không có sông quá dài" là ấn phẩm chung của GS Phan Văn Trường cùng hơn 30 người khởi nghiệp |
Lãnh đạo vượt qua lạm phát là ấn phẩm rất thời sự và thiết thực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn chưa từng thấy sau đại dịch Covid-19. Từ nửa năm 2022, mọi người đã vất vả với lạm phát cao và đứng trước nguy cơ suy thoái và lạm phát. Ai cũng biết phải hành động nhanh, nhưng không có nhiều nhà quản trị có kinh nghiệm dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua lạm phát. Và đây chính là cuốn cẩm nang dành cho họ.
"Lãnh đạo vượt qua lạm phát" là ấn phẩm rất thời sự và thiết thực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn chưa từng thấy sau đại dịch Covid-19 |
Bất cứ ai có kiến thức kinh tế cơ bản cũng đều nghe về thuật ngữ lạm phát và những nguyên nhân chung nhất dẫn tới lạm phát, nhưng để hiểu thấu đáo các khía cạnh lạm phát và sức tác động thì không nhiều. Cuốn sách này sẽ giúp nhà quản trị có cái nhìn rõ ràng về lạm phát, những chỉ số thị trường cần theo dõi, những dấu hiệu cảnh báo sớm. Từ đó, tác giả gợi ý cách chủ động để đón đầu: Quản lý tiền mặt, đảm bảo thanh khoản, linh hoạt trong định giá, xem lạm phát như cơ hội để thiết lập lại mô hình kinh doanh và là cơ hội vượt qua đối thủ cạnh tranh. Sách cũng có những hướng dẫn cho từng phòng ban, bộ phận về những điều cần lưu ý để vượt qua lạm phát.