“Sau chuyến lưu diễn tốn khá nhiều công sức, tôi xuống vùng quê yên bình ở miền Nam nước Pháp nghỉ ngơi. Một buổi chiều oi ả, thấy cảnh đồng quê bao la tuyệt đẹp, nhưng trong lòng muốn khóc, tim tôi cảm thấy thiếu một điều gì đó… không hiểu tại sao. Lúc sau, tôi mới hiểu rằng: mình cũng có một quê nhà đẹp như thế, đẹp hơn cả thế”, nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn nhắn tin với chúng tôi.
Gắn liền từng hơi thở, từng cảm xúc
Nghệ sĩ Trí Nguyễn nói rằng, trong khoảnh khắc ấy, anh chợt nhận ra trong hành trình gần 35 năm xa Việt Nam, anh vẫn thiếu một album nhạc thuần Việt mà tất cả nghệ sĩ cộng tác, thu âm đều là người Việt - chỉ người Việt. “Mình ra album, single, làm việc với các đồng nghiệp quốc tế khắp nơi nhưng chưa từng làm việc với người Việt Nam máu mủ của mình. Rồi những bài dân ca Việt Nam đã nghe từ thuở nhỏ là linh hồn của dân tộc Việt vẫn đang ăm ắp ở đó. Tôi gọi cho bạn đồng nghiệp bên Việt Nam là nghệ sĩ Sơn Mạch, đưa ý tưởng thực hiện album 100% Việt Nam này”, anh chia sẻ.
Album tựa đề Winds of home (Làn gió quê nhà), ra đời vào đầu năm 2020 từ mạch nguồn cảm xúc như thế. Trong album, nghệ sĩ Trí Nguyễn trình bày nhiều bài dân ca Việt Nam của ba miền như Trống cơm, Bắc kim thang, Lý chiều chiều, Lý quạ kêu, Lý mười thương, Qua cầu gió bay, Lý cây bông, Lý ngựa ô với góc nhìn mới, nhưng không quên cái gốc của các bài này. Anh nói: “Tôi muốn đưa muôn ngàn cái hay của nhạc Việt Nam nói chung, nhạc dân gian nói riêng với cái nhìn đương đại hơn, quốc tế hơn để người nghe nước ngoài tiếp nhận dễ hơn. Và để thế giới thấy rằng, nghệ sĩ trẻ người Việt sống trong nước cũng có rất nhiều người tài giỏi. Đằng sau âm nhạc là nền văn hóa, là lịch sử một dân tộc. Đặc biệt, đối với tôi, âm nhạc Việt Nam gắn liền với từng hơi thở, từng cảm xúc, từng kỷ niệm của mình”.
Cũng như nghệ sĩ Trí Nguyễn với ngón đàn tranh điêu luyện, Nguyễn Phan Quế Mai là cái tên quen thuộc với độc giả trong nước hơn 10 năm nay. Sinh ra tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu, Nguyễn Phan Quế Mai tốt nghiệp chương trình thạc sĩ viết văn tại Trường Đại học Lancaster (Anh). Hiện tại, chị và gia đình đang sống ở Jakarta (Indonesia). Mặc dù thường phải di chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau do chồng làm công tác ngoại giao, tuy nhiên, trong các hoạt động văn học nghệ thuật của Nguyễn Phan Quế Mai, từ sáng tác cho đến dịch thuật, có thể thấy trong tâm thức chị vẫn luôn có Việt Nam. “Việt Nam là ngôi nhà của trái tim tôi, ở đó tôi luôn ao ước được trở về - trong tâm tưởng và qua ngòi bút. Tôi viết về Việt Nam để được về nhà, và để hiểu nhiều hơn về nguồn cội, xuất xứ của mình. Thông qua những tác phẩm, tôi muốn đóng góp một tiếng nói vào văn đàn thế giới - tiếng nói về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc, một đất nước Việt Nam đã trải qua quá nhiều đau thương, mất mát để hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình”, Nguyễn Phan Quế Mai bày tỏ.
Đầu năm 2020, NXB Tổng hợp ấn hành tác phẩm Những người thầm lặng của một tác giả người Mỹ gốc Việt. Đó là Angie Chau, thuộc thế hệ nhà văn Việt Nam thứ hai tại Mỹ. Trước khi đến với độc giả Việt Nam, tác phẩm này từng được IG Publishing xuất bản vào năm 2010 với tên tiếng Anh Quiet as they come. Các tác phẩm của Angie Chau đã xuất hiện trên các báo, tạp chí uy tín của nước ngoài. Vào năm 2009, chị đoạt giải UC Davis Maurice về tiểu thuyết. “Tôi rất vui vì bây giờ gia đình và bạn bè ở Việt Nam có thể đọc được tác phẩm của tôi. Giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật”, Angie Chau tâm sự khi Những người thầm lặng của chị được ra mắt ở Việt Nam qua bản dịch của Hải Thanh và Viết Hổ.
Dệt niềm tự hào qua cổ phục
Theo hành trình làm việc, học tập của người trẻ nơi đất khách, văn hóa truyền thống, cổ phục Việt Nam bắt đầu được bạn trẻ chú trọng và giới thiệu đến bạn bè quốc tế nhiều hơn qua các chương trình dự án. Những dáng xưa hay cổ phục của các triều đại Việt Nam bắt đầu gây chú ý qua các triển lãm, tọa đàm được người trẻ Việt Nam tổ chức ở nước ngoài.
Hoạt động từ năm 2017, nhóm Vietnam Centre thật sự gây tiếng vang vào giữa năm 2020 với chuỗi dự án “Dệt nên triều đại”, tái hiện và quảng bá trang phục Việt Nam thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 15). Nổi bật và trọng tâm của dự án là cuốn sách Dệt nên triều đại - cuốn sách song ngữ đầu tiên về trang phục cổ Việt Nam.
Cuốn sách mở đầu bằng những lời giới thiệu tự hào về văn minh, bản sắc văn hóa ngàn năm của cha ông qua những dáng áo chứa đựng ở đó một cốt cách, tinh thần Việt: “Không ngoa khi nói rằng áo quần là thước đo văn minh của một nền văn hóa Á Đông như Việt Nam, bởi nó đại diện cho tư tưởng, thẩm mỹ và cả nền tảng công nghiệp, kỹ nghệ của đất nước... Các triều đại của Việt Nam khi kiến tạo thể chế quốc gia thường đặt phục trang là một trong những yếu tố ưu tiên. Chúng tôi muốn kể câu chuyện xây dựng hình ảnh “nhận dạng” của quốc gia dân tộc thông qua câu chuyện bề nổi là dệt và may.
Mất hai năm để nhóm bạn trẻ 8X, 9X Vietnam Centre nghiên cứu, soạn thảo và hiệu chỉnh Dệt nên triều đại, khái lược về cổ phục Việt Nam trong cung đình thời Lê Sơ (1428-1527). Nội dung sách đưa người đọc đi từ những dáng áo cơ bản nhất như áo Giao Lĩnh (cổ chéo), Viên Lĩnh (cổ tròn), Đối Khâm (vạt thẳng)… đến phục sức của một số tầng lớp nhất định trong triều đình, chẳng hạn như Hoàng bào của Hoàng đế, Địch Y của Hoàng hậu,… “Đây không chỉ là sự cố gắng của riêng Vietnam Centre, cuốn sách được ra mắt nhờ vào sự quan tâm lớn lao của những người yêu mến văn hóa Việt Nam, thể hiện qua chiến dịch gây quỹ cộng đồng vượt mức 200 triệu đồng”, Ngọc Linh (thành viên sáng lập nhóm Vietnam Centre) chia sẻ.
Vietnam Centre là tổ chức phi lợi nhuận thành lập tại Australia vào tháng 3-2017. “Những người sáng lập nên Vietnam Centre đã nêu lên một câu hỏi chung - Tại sao rất ít người biết đến văn hóa Việt Nam dù nền văn hóa ấy mang tầm giá trị và vẻ đẹp không thể phủ nhận? Chúng tôi nhận thấy câu trả lời nằm ở việc thiếu vắng các kênh dành riêng cho việc truyền bá văn hóa Việt Nam thông qua việc cung cấp thông tin chính xác và tổ chức các hoạt động hấp dẫn. Với tinh thần ấy, chúng tôi đã thành lập Vietnam Centre, kỳ vọng rằng có thể làm cho nền văn hóa Việt Nam được phổ biến rộng rãi hơn, cũng như được đánh giá cao về sự phong phú và nét đẹp rực rỡ của nó”, Ngọc Linh bày tỏ.
Trước khi sách Dệt nên triều đại ra mắt, nhóm Vietnam Centre đã thực hiện các triển lãm trong và ngoài nước, cụ thể tại Sydney (Australia), nơi ba thành viên sáng lập nhóm đang làm việc và học tập. Tháng 8-2019, nhóm tổ chức triển lãm “Present from the past” mang đến cho công chúng đa sắc tộc ở Sydney những tác phẩm và thiết kế hiện đại, trẻ trung, nhưng đều được truyền cảm hứng bởi văn hóa thời nhà Nguyễn.
Năm 1988, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân sang định cư tại Pháp và tại đây, chị đứng ra thành lập Hội Cải lương về nguồn, với hơn 10 thành viên, diễn hàng tháng phục vụ kiều bào Việt Nam. Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân cho hay: “Xuất thân từ cái nôi sân khấu cải lương, thì dù có ở đâu, niềm đam mê sàn diễn và ánh đèn sân khấu vẫn cứ thôi thúc, cháy bỏng trong tim mình. |