Thách thức với người về
Giai đoạn đầu về Việt Nam, theo đạo diễn Charlie Nguyễn có rất nhiều khó khăn: “Thời điểm đó thị trường nhỏ, chưa có nhiều rạp chiếu phim. Lĩnh vực điện ảnh cũng chưa có quá nhiều người tham gia nên rất thiếu thốn về nhân sự. Bản thân tôi mới về nước cũng chưa rành tiếng Việt, chưa thật sự thích nghi cách làm việc với mọi người. Chưa kể, bài toán kinh doanh, cân đối giữa nghệ thuật và thương mại cũng rất nhiều thách thức”.
Sau gần 15 năm làm phim ở Việt Nam, anh cảm thấy rất vui vì sự chuyên nghiệp có nhiều biến chuyển, đội ngũ nhân sự đang ngày càng tốt hơn, máy móc hiện đại cùng với hệ thống phát hành rộng rãi.
Mất 10 năm chuẩn bị kịch bản cho Dòng máu anh hùng và vẫn phải hoàn thiện trong quá trình thực hiện, vét sạch tiền bạc gia đình (phim đầu tư kinh phí hơn 1,5 triệu USD); cái giá ấy quá đắt cho bộ phim đầu tay làm tại quê nhà, nhưng đổi lại, nó mang đến cho anh rất nhiều. Không thành công lớn về doanh thu, cho đến giờ Dòng máu anh hùng vẫn được xem là những thước phim mẫu mực ở thể loại hành động Việt. Và nó đã mở cánh cửa để anh bước vào thị trường điện ảnh Việt khi mang đến những làn gió tươi mới từ cách kể chuyện, mỗi khung hình đều đậm chất điện ảnh.
Một thách thức khác trong quá trình làm phim ở Việt Nam của đạo diễn Charlie Nguyễn liên quan đến góc độ văn hóa. Theo anh, điện ảnh luôn bắt buộc phải kể những câu chuyện mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, giai đoạn mới về nước, để có thể lột tả được các nhân vật, câu chuyện, ngôn ngữ, hay thế giới trong phim, anh luôn nhờ tư vấn của các thành viên trong đoàn. Mỗi một góp ý giúp anh đưa ra những lựa chọn phù hợp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng vì phải vừa làm vừa kiểm chứng, tức là thêm một công đoạn rườm rà. Nhưng hiện nay, khi đã sống và trải nghiệm đủ lâu ở Việt Nam khiến anh tự tin hơn.
Chọn văn hóa truyền thống không phải là một hướng đi dễ, Phương Đông và Ngọc Linh của nhóm Vietnam Centre nhìn nhận: “Một trong những khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp là việc thiếu hụt hiện vật, tư liệu và sự thất truyền của các kỹ nghệ dệt may cổ xưa”.
Nhưng với sự nhanh nhạy và sáng tạo của sức trẻ, mong muốn mang văn hóa truyền thống, bản sắc Việt vươn mình ra châu lục và thế giới được Vietnam Centre thực hiện một cách nghiêm túc và bài bản qua từng dự án.
“Dù ở nơi đâu trên khắp thế giới, bất kỳ thành viên nào của Vietnam Centre cũng đều tin rằng, văn hóa truyền thống là nền tảng vững chắc để khẳng định bản sắc dân tộc trên trường quốc tế. Khi quảng bá đúng cách, văn hóa truyền thống có sức thu hút rất mạnh”, Ngọc Linh chia sẻ thêm.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cho rằng, việc những tác phẩm lẫn dịch phẩm của chị được xuất bản ở Việt Nam là một vinh dự lớn lao cho chị, bởi chị luôn mong muốn được trở về trong các sáng tác của mình.
“Nếu có khó khăn thì đó là khó khăn của cá nhân khi thiếu thời gian: thời gian để đọc và bắt kịp với văn học quốc tế và văn học trong nước, để mình có thể viết với tâm thế của một công dân toàn cầu, nhưng giữ gìn được bản sắc Việt Nam”, Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ.
“Cách làm việc trong nước khác cách làm việc trên thị trường quốc tế. Với tôi, chuyện khó nhất trong các chuyến trở về là những thủ tục để làm show cho các nghệ sĩ Việt Nam từ nước ngoài về, bởi việc xin giấy phép khá công phu. Ngoài ra phải có người lo phần tài trợ. Những năm đầu, khi về làm show, tôi chưa quen cách làm việc ở Việt Nam, có vài lần bị lừa gạt. Giờ thì quen dần rồi, nên mong rằng khi về làm tiếp các dự án âm nhạc sẽ được hỗ trợ chu đáo hơn, đáng tin cậy hơn”, nghệ sĩ đàn tranh quốc tế Trí Nguyễn tâm sự.
Theo Trí Nguyễn, âm nhạc là ngôn ngữ thuận lợi nhất để trao đổi, vì thế trong tất cả album của anh luôn cố gắng bắc chiếc cầu giữa âm nhạc truyền thống Việt và âm nhạc các nước. Trong tất cả các tour diễn trên thế giới, anh luôn được đón nhận nồng hậu. Đôi lúc, khán giả hay quản lý rạp chưa biết nhiều đến anh, nên ban đầu khá dè dặt. Nhưng khi anh bắt đầu chơi nhạc, nói chuyện về âm nhạc Việt Nam và cây đàn tranh thì ai cũng hứng thú. Trong thời điểm âm nhạc mang quá nhiều màu sắc ngoại lai như hiện nay, tâm nguyện đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới của Trí Nguyễn càng mãnh liệt.
Theo anh, muốn có cái mới thì phải thật vững cái cũ, phải nắm chắc phần dân tộc của mình. Anh nói: “Quan trọng hơn nữa, khi nắm chắc âm nhạc của mình, hãnh diện văn hóa của mình, thì sẽ không là lai căng mà là giao thoa”.
Trong khi đó, Ngô Hồng Quang chia sẻ: “Thật lòng thì các chương trình đến giờ chủ yếu là nghệ sĩ tự làm, có sự hỗ trợ một phần của người quan tâm đến âm nhạc. Còn các cơ quan chức năng hầu như chưa có sự hỗ trợ đáng kể. Sự ủng hộ, hỗ trợ nhiều nhất cho nghệ sĩ vẫn là từ khán giả. Âm nhạc làm ra là để đến với công chúng, hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ sáng tạo đó là sản phẩm của mình được đón nhận”.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là có thêm nhiều chất liệu để thêm nhiều tác phẩm đương đại hơn dựa trên nền tảng, chất liệu âm nhạc dân tộc. Và đương nhiên cần có sự quan tâm của nhà nước với các dự án nghệ thuật, những người đang làm về nghệ thuật, văn hóa… Khi mối quan tâm của cộng đồng, của những người làm nghề cộng hưởng nhiều hơn, sẽ giúp âm nhạc dân tộc tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, anh nói thêm.
Theo PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, trước đây, khi các phương tiện truyền thông chưa mở rộng việc giới thiệu văn học hải ngoại thì rõ ràng những nhà văn hải ngoại không có liên kết gì với độc giả trong nước, hoặc rất ít. Nhưng hiện nay, sự gắn kết này rất mật thiết, mở rộng rất nhiều. “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải xem văn học hải ngoại như là một bộ phận của văn học Việt Nam. Có như vậy mới thúc đẩy công việc nghiên cứu, thúc đẩy việc dịch, giới thiệu và xuất bản được”, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh nêu quan điểm.
* Đạo diễn Victor Vũ: Tôi luôn muốn được làm phim trên quê hương mình |