Những cuộc hành trình từ trái tim

Tôi là một người lính viết văn trưởng thành từ những mâm pháo, những con đường ra trận và nhất là ở mặt trận Cánh đồng Chum, nơi tôi chiến đấu ở đây chỉ 5 năm, nhưng suốt 50 năm qua, tôi như thể vẫn là một người lính của Binh trạm 13 - Cánh đồng Chum, vẫn viết bằng cây bút mà Chính ủy binh trạm Dư Cao, rộng ra là Quân đội, giao tôi ngày nào. Và chỉ viết về những người lính, những đồng đội thân yêu của mình.

1. Năm 2019, những người cựu chiến binh chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa. Trước đó, tôi đã dành nhiều ngày tháng để hoàn thành tiểu thuyết Lửa sáng phía chân trời, viết về Binh trạm 13 và chiến trường xưa Đường 7 - Cánh đồng Chum. Ngay khi viết xong bản thảo, tôi in làm hai bản, một bản gửi “Chương trình đầu tư sáng tác văn học nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014-2019 của Bộ Quốc phòng”. Tác phẩm sau đó được lựa chọn đưa vào chương trình và in thành sách xuất bản. Bản thảo còn lại, tôi cất kỹ trong ba lô với mong ước một ngày nào đó được cùng đồng đội ghé thăm chiến trường xưa. Khi đó, tôi sẽ chọn một đỉnh núi cao (tôi dự định sẽ là đỉnh Phu Nốc Cốc (đèo Phỉ), nơi gắn với nhiều kỷ niệm), còn nếu không thì một đỉnh đèo trọng điểm nào đó mà mình đã chiến đấu năm xưa, đọc to lên 300 trang tiểu thuyết để gửi tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao…

CN4e.jpg
Bộ đội Việt Nam tại Mặt trận Cánh đồng Chum năm 1972. Ảnh: QUANG HƯỜNG

Sung sướng và xúc động thay, điều tâm niệm ấy đã được thực hiện trong chuyến đi trở lại chiến trường xưa. Trên đỉnh đèo Đất, một trọng điểm cũng ác liệt không kém Phu Nốc Cốc, tôi đã gửi vào không gian những trang bản thảo Lửa sáng phía chân trời, tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao, cho những đồng đội cùng tôi sát cánh bên nhau chiến đấu những ngày ấy. Trong đó, có cả những người bạn chiến sĩ Pathet Lào nay không biết nơi đâu.

Xuân 2024, tôi cùng với những đồng đội, những người bạn vô cùng thân thiết Nguyễn Hiệp, Bùi Lê Huyên, Trương Quốc Dũng, Trần Minh Văn, Trần Phương… lại hành quân lên Tây Bắc giữa mùa hoa ban nở. Đây cũng là lúc tôi mới in xong tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam, một tiểu thuyết hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, do Nhà xuất bản QĐND ấn hành. Và một buổi sáng, trên đỉnh núi Khâu Phạ mù sương, tôi lại thêm một lần gửi cho gió, cho mây, cho núi, cho rừng, cho những người chiến sĩ năm xưa hành quân lên Điện Biên và rồi vĩnh viễn nằm lại nơi này, xin gửi lại Tây Bắc và các anh tác phẩm văn học mới nhất của một người nguyên là chiến sĩ viết về Điện Biên, viết về Tây Bắc và các anh.

2. Đến với Tây Bắc hôm nay, chúng tôi, những người lính thế hệ sau, không còn cảm nhận được những gian lao vất vả của cái ngày “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát…” (thơ Tố Hữu). Dưới xe chúng tôi giờ là những con đường trải nhựa hiện đại, chỉ mất vài tiếng để đến được Điện Biên hôm nay. Nhưng không phải mọi thứ đã mất đi, vẫn còn đó những con đường xuyên qua các cánh rừng xanh thẳm, vượt qua những dốc núi cao, những con đường như ngập trong mây trắng và sương mù. Để khi đó, lại hoài niệm về những người lính 70 năm trước đã vượt qua đây rồi làm nên: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/…” (thơ Tố Hữu).

Văn học nghệ thuật luôn phải làm sống lại, luôn phải như tấm gương lưu giữ mãi những sự tích anh hùng, những chiến công huy hoàng, mà như nhà văn Đỗ Chu từng nói: “Dù là những trang viết thô mộc, thậm chí còn vụng về, nhưng qua nó ta bỗng như gặp lại tiếng vang xào xạc của những cánh rừng xa, tiếng vọng nghiêm trang của những tháng năm xa”.

Với tôi, sứ mạng của một người viết tiểu thuyết đã phần nào hoàn tất và thật vui khi ngay sau đó, tác phẩm của mình đã thuộc về một loại hình văn học nghệ thuật mới, được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chuyển thể sang hình thức nhạc kịch opera cũng với nhan đề Vầng trăng Him Lam. Đây là vở opera đầu tiên về Điện Biên Phủ, về chiến thắng huyền thoại của quân, dân ta. Và một điều rất trùng hợp, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng là con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tác giả vở opera đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, vở Cô Sao, sáng tác khoảng đầu thập niên 1960, công diễn lần đầu vào năm 1965.

Trên hành trình về lại những chiến trường xưa, có nơi ghi dấu ấn của chúng tôi, có nơi là chiến công của các thế hệ đi trước, chúng tôi đã gặp rất nhiều người cũng đang tìm về quá khứ, ôn lại những kỷ niệm của một thời gian lao mà anh dũng. Trong số đó, có rất nhiều người trẻ, đầy tài năng. Chuyến về Tây Bắc, chúng tôi gặp một đoàn nghệ sĩ trẻ của TP Huế, họ đều xinh đẹp, trẻ trung và hát rất hay những bài ca về Tây Bắc, về Điện Biên. Hôm ấy, trong cái giá rét căm căm nơi Tà Xùa mây mù, sương trắng như quấn chặt lấy người, nhưng có tiếng hát thấy thật ấm lòng làm sao. “Đường lên Tây Bắc vút xa mờ/ Đường lên Tây Bắc mây trắng bồng bềnh như mơ/ Vượt sông Lô ngược sông Hồng/ Đường lên Tây Bắc đi trong mênh mông đất trời yêu thương…” (Hành quân lên Tây Bắc - An Thuyên).

Chúng tôi đi qua Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Tú Lệ, Mù Cang Chải, Khâu Phạ… Những nơi từng một thời rền vang khói súng nhưng giờ thật thanh bình, thật đẹp. Dừng chân trên đỉnh đồi Khâu Phạ, tất cả chúng tôi, những cựu binh của một thời đã xa như muốn hít căng lồng ngực cái không khí thanh mát của đất trời để cùng hát vang, thật tuyệt vời Tây Bắc ơi, đất nước ơi đẹp tuyệt vời.

Tin cùng chuyên mục