Những cung đường chưa hết hiểm nguy

Vào tháng 10-2023, Báo SGGP đã thực hiện loạt phóng sự ghi nhận “Thực địa những cung đường nguy hiểm từ Bắc vào Nam”, trong đó phản ánh và cảnh báo những điểm đen giao thông, phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cũng trên những cung đường này, nhất là những quốc lộ kết nối duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ với Tây Nguyên, vẫn liên tiếp xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong những ngày qua.

Nhiều tai nạn nghiêm trọng

Khoảng 8 giờ ngày 31-3, xe ô tô khách mang biển kiểm soát 43F-003.97 do ông Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1958, ngụ TP Đà Nẵng) điều khiển theo hướng TP Đà Lạt đi TP Nha Trang, trên xe chở 25 người đi hành hương. Khi đến Km59 trên quốc lộ 27C qua địa bàn xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) thì xe bị lật, văng sang bên đường.

Vụ tai nạn làm 6 người bị thương, được người dân đưa đi cấp cứu. Thời điểm xảy ra tai nạn đang có mưa phùn, mặt đường trơn trượt và xe đang di chuyển qua cung đường có khúc cua gắt.

A1h.jpg
Hiện trường xe khách bị lật khi lưu thông trên quốc lộ 27C qua đèo Khánh Lê thuộc huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) sáng 31-3 làm 6 người bị thương

Trước đó, chiều tối 30-3, tại Km102+100 trên quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), xe ô tô khách mang biển kiểm soát 50H-323.65 do ông Nguyễn Văn Lan (ngụ tỉnh Bình Phước) điều khiển chở theo 36 người lưu thông hướng từ TP Đà Lạt đi TPHCM đã va chạm vào đuôi xe ô tô tải lưu thông cùng chiều phía trước. Sau va chạm, xe ô tô khách lao xuống vực đèo Bảo Lộc ở độ sâu khoảng 20m. Hậu quả, vụ tai nạn làm 1 người tử vong, nhiều người khác bị thương.

Còn tại Bình Thuận, từ đầu năm 2025 đến nay, tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (qua tỉnh Bình Thuận) tiếp tục trở thành “điểm nóng” về các vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ tai nạn liên hoàn gây thiệt hại nặng về tài sản và gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Điển hình, rạng sáng 25-1, vụ tai nạn liên hoàn giữa 2 xe khách giường nằm và xe ô tô con xảy ra trên đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến các phương tiện bị hư hỏng nặng, gây kẹt xe nghiêm trọng kéo dài trên 5km.

Tăng cường tuyên truyền, xử lý

Ông Phan Mười, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum, cho biết, vài tháng gần đây, trên quốc lộ 24 thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum đã yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là khu vực hay xảy ra tai nạn; tiến hành lắp đặt bổ sung thêm các biển cảnh báo…

Trong khi đó, ông Chu Văn An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa kiêm Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa, thông tin, hiện trên đèo Khánh Lê (quốc lộ 27C), cơ quan chức năng đã trang bị đầy đủ các biển cảnh báo qua khu vực hay có sương mù, các gương lồi ở khúc cua, cảnh báo khu vực thường xảy ra tai nạn…

Qua theo dõi các vụ tai nạn gần đây cho thấy, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đa số tài xế không quen đường, không kiểm soát được tốc độ khi vào các vị trí cong ngoặt, hoặc rà phanh quá nhiều làm mất hiệu lực của hệ thống phanh dẫn đến tự gây tai nạn. Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo, người tham gia giao thông trên đèo phải hết sức cẩn thận, nâng cao cảnh giác, nhất là đề phòng sạt lở khi đi trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

A7a.jpg
Lực lượng chức năng cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ tai nạn trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng vào tối 30-3

Còn tại Lâm Đồng, nơi có đặc điểm nhiều đèo dốc quanh co, nguy hiểm qua các tuyến quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 28B, các đèo ra vào cửa ngõ TP Đà Lạt như D’ran, Mimosa, Prenn, Tà Nung…, lực lượng cảnh sát giao thông đã xây dựng phương án thường xuyên tuyên truyền về an toàn giao thông, xử lý vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết, trong những ngày nghỉ lễ sắp tới, lượng khách đến với TP Đà Lạt, Lâm Đồng dự báo tăng cao, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ có các kế hoạch phân luồng phương tiện, tuần tra, xử lý xe phóng nhanh, vượt ẩu trên các tuyến đèo.

“Riêng đèo Bảo Lộc, chúng tôi sẽ tiến hành ghi hình thông qua hệ thống camera cố định và di động để xử lý ở khu vực hai đầu của đèo; đồng thời tuyên truyền các quy định để người dân tuân thủ, đảm bảo an toàn khi lưu thông qua đèo”, Thượng tá Nguyễn Văn Tiếp nói.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là do ý thức, kỹ năng lái xe của người tham gia giao thông còn hạn chế. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do lái xe thiếu quan sát trong khi chuyển làn dẫn đến không xử lý kịp thời những tình huống nguy hiểm xảy ra.

Bên cạnh đó, hiện cơ sở hạ tầng trên đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn còn những bất cập. Trong đó, tuyến cao tốc này có làn đường hẹp, lại chưa có làn dừng khẩn cấp trên toàn tuyến, dẫn đến khi có sự cố xảy ra, các phương tiện buộc phải dừng trên đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

“Đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần sớm xây dựng, hoàn thiện làn dừng khẩn cấp xuyên suốt toàn tuyến, chứ không phải chỉ bố trí các đoạn cách nhau 5km như hiện nay”, ông Huỳnh Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục