Cụ thể, với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chủ trì các cuộc họp và trong quý 4 vừa qua đã xem xét tháo gỡ khó khăn cho 5 dự án, giúp tăng nguồn thu ngân sách trên 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thành phố tập trung hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý về xây dựng, nghĩa vụ tài chính để sớm đưa dự án về đích và phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh lãng phí đất đai.
Kết quả nói trên chính là hiện thực hóa việc vận dụng Chỉ thị 12 của UBND TPHCM về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025. Và đó là một trong những “cú nước rút” ngoạn mục, thay đổi cục diện về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đến hết ngày 24-12 “nhảy vọt” lên tới 63,5% (tương ứng với 50.326/79.000 tỷ đồng), trong khi tỷ lệ này vào 2 tháng trước đó mới là gần 22%. Riêng việc tăng tốc tiến độ giải phóng mặt bằng 3 dự án lớn là rạch Xuyên Tâm, Kênh Đôi và đường Vành đai 2 TPHCM đã giúp thành phố gia tăng mạnh tỷ lệ giải ngân. Như vậy, cùng với các dự án trọng điểm đang được đốc thúc, từ đây đến hết tháng 12-2024 và trong biên độ cho phép được mở qua tháng 1-2025, con số giải ngân vốn đầu tư công trên 80% là hoàn toàn khả thi!
Không chỉ dừng lại ở những con số, tín hiệu khởi sắc còn đến từ việc tăng cường bảo vệ môi trường, mở rộng quỹ đất phát triển sản xuất, công nghiệp và dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án an sinh xã hội... Nhiều công trình xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, giúp giảm quá tải cho các bệnh viện. Các dự án xây dựng cơ sở mới của các bệnh viện thành phố, đặc biệt là 3 dự án bệnh viện cửa ngõ (Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi và Thủ Đức) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Đó cũng là cú tiếp đích ngọt ngào của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; là những bước chạy mạnh mẽ của dự án đường Vành đai 3 TPHCM và tiếp tục với đường Vành đai 2, Vành đai 4, metro số 2 cùng với “bản vẽ” Trung tâm Tài chính Quốc tế TPHCM đang sẵn sàng cho bước khởi công lịch sử…
Trên cơ sở xác lập rõ các mục tiêu phấn đấu, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp đi kèm cùng 16 nhiệm vụ cụ thể, sau 4 tháng thực hiện Chỉ thị 12 của UBND TPHCM, GRDP của thành phố tăng trưởng vượt dự ước, đạt 7,17% (tăng 0,21%), tiệm cận với mục tiêu đề ra. Trong đó phải kể đến cú bật tăng giải ngân đầu tư công khá ngoạn mục đã nói ở trên và tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư mạnh mẽ; chi tiêu công hiệu quả; kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường... Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 567.982 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023 (cùng kỳ tăng 9,6%); thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế.
Cùng với đó, sự đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoàn thiện chuỗi sự kiện, lễ hội… đã giúp gia tăng lượng khách quốc tế lẫn nội địa; tổng thu du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu, ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được đẩy mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2024 ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 10,4% so năm 2023 (cùng kỳ giảm 8,64%)… Tỷ lệ trên đóng góp cho con số thu vượt ngân sách (trên 500.000 tỷ đồng) trong năm 2024 và đã chứng thực rõ nét hơn vai trò liên kết vùng. Đó là cơ sở thực tiễn để TPHCM tiếp tục thắt chặt hợp tác liên kết với 5 vùng (Bắc và Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, ĐBSCL) nhằm tạo môi trường và động lực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của thành phố và các địa phương trong vùng chủ động liên kết, hợp tác giao thương.
Không thể phủ nhận các bước chuẩn bị trước đó, song những “cú nước rút” của quý cuối cùng trong năm 2024 đã tạo nhiều thành quả cụ thể, được lượng hóa ra thị trường - xã hội để phục vụ người dân, doanh nghiệp và TPHCM đã có một năm thành tựu. Qua đó để thêm khẳng định, việc vận dụng hiệu quả Chỉ thị 12 của UBND TPHCM đã thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, khai thác các dư địa và tiềm năng phát triển của kinh tế thành phố theo hướng bền vững, ổn định và hài hòa.