Đáng chú ý nhất là công trình cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM theo tiêu chuẩn quốc tế như một “luồng gió mới” của ngành y tế thành phố kể từ năm 1975. Công trình này được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang như “khách sạn 5 sao” khiến nhiều người trầm trồ.
Với quy mô 1.000 giường bệnh và các trang thiết bị hiện đại, tổng mức đầu tư trên 5.800 tỷ đồng, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM được kỳ vọng sẽ “xóa sổ” tình trạng “2-3 người bệnh cùng chen chúc trên một giường bệnh” tồn tại nhiều năm qua tại bệnh viện chuyên khoa ung bướu tuyến cuối khu vực phía Nam.
Đó còn là các dự án được xây mới khác gồm: khối nhà Khu chẩn đoán kỹ thuật cao, Bệnh viện Nhân dân 115 và khối nhà Ngoại khoa, Bệnh viện Nguyễn Trãi (tổng mức đầu tư của 2 dự án này là 600 tỷ đồng); Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM (354 tỷ đồng); Trung tâm Pháp y TPHCM (gần 200 tỷ đồng); khối Trung tâm sơ sinh, các chuyên khoa khác và khối điều trị ngoại khoa, Bệnh viện Nhi đồng 1…
Bên cạnh đó, dự án xây mới các bệnh viện cửa ngõ thành phố như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực TP Thủ Đức; hay các bệnh viện khu vực nội thành như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Tai Mũi Họng… cũng đang lên vóc lên hình. Chính sự “thay da đổi thịt” cơ sở hạ tầng cũng như phong cách phục vụ người bệnh, coi người bệnh là khách hàng, chính là chìa khóa để các bệnh viện “chuyển mình” góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành y tế thành phố.