Trên mảnh đất “kinh đô gió Lào” Quảng Trị ngày nay cũng đang hiện hữu nhiều công trình dân sinh mang dấu ấn về mối quan hệ hữu nghị, thủy chung giữa Việt Nam - Cuba, góp phần đưa Quảng Trị vươn tầm cùng đất nước.
Tượng đài Chủ tịch Fidel Castro trong khuôn viên Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: MINH PHONG |
1. Tháng 9-1973, khi vùng đất lửa Quảng Trị vẫn còn ngổn ngang đạn bom, Chủ tịch Cuba Fidel Castro là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tới Quảng Trị - vùng giải phóng Nam Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (1973). Chuyến thăm này có ý nghĩa chính trị hết sức sâu sắc, là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm ý chí, sức mạnh, lòng quả cảm cho quân và dân Quảng Trị cùng cả nước trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, sau chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Chính phủ Cuba gửi tặng bộ đội Trường Sơn một dàn xe và máy móc làm đường hiện đại, đồng bộ với tổng trị giá 6 triệu USD. Không dừng lại ở đó, Cuba cử một lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao sang giúp, phối hợp với Trung đoàn Công binh 515 - đơn vị trực tiếp thi công đường 42 từ Bến Tắt đi Cam Lộ (Quảng Trị) và nâng cấp đường 14, đoạn từ cầu Đakrông đi A Lưới (Thừa Thiên Huế) từ cuối năm 1974.
“Đây là những tuyến đường quân sự do hoàn cảnh chiến tranh nên trước kia phải làm gấp, nay làm đường cơ bản đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Yêu cầu này là một thách thức lớn, nhưng nhờ được trang bị nhiều xe, máy hiện đại mà Chính phủ Cuba tặng và các chuyên gia Cuba trực tiếp hướng dẫn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 515 dần dần sử dụng thành thạo các trang thiết bị và làm quen với kỹ thuật làm đường tiên tiến”, ông Dương Tú Anh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1972-1976, cũng là người may mắn tháp tùng trọn vẹn chuyến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị vào năm 1973 của lãnh tụ Fidel Castro, nhớ lại.
2. Sông Đakrông dài 85km, bắt nguồn từ động A Pong, Côcava thuộc vùng thượng La Bút, phía Đông Trường Sơn gần biên giới Việt Nam - Lào. Trên hành trình về với biển cả, dòng sông ấy chảy qua địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị như đẹp hơn, ấm áp thêm bởi chiếc cầu treo duyên dáng bắc ngang, ngày đêm đưa đón những dòng người, xe cộ ngược xuôi đi về.
Cầu treo Đakrông do Chính phủ Cuba hỗ trợ xây dựng |
Ông Dương Tú Anh cho biết, đó là cầu Đakrông nối đường 14 với đường 9, khơi thông tuyến vận tải quan trọng từ Quảng Trị đi A Lưới (Thừa Thiên Huế) vào tiếp các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước trong những năm tháng kháng chiến cam go. Đây cũng là tuyến đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
“Cầu Đakrông ban đầu làm bằng sắt. Sau năm 1975, với sự giúp đỡ của Chính phủ Cuba, chiếc cầu treo dài 100m, rộng 6m được xây dựng để thay thế cầu sắt cũ. Tuy nhiên, đến năm 1999, thời gian sử dụng lâu và sự tàn phá của trận mưa lũ lịch sử khiến cây cầu ấy bị sập. Năm 2000, một lần nữa được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ Cuba và các bộ, ngành Trung ương, cầu treo Đakrông mới được xây dựng lại khá quy mô, trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng của huyện miền núi Đakrông hôm nay”, ông Dương Tú Anh bộc bạch.
Ở trung tâm TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) có một công viên mang tên lãnh tụ Fidel Castro, rộng 16,5ha với điểm nhấn là bức tượng bán thân của cố Chủ tịch Fidel Castro được đặt ở trung tâm, cao 1,45m, rộng 0,8m. Dưới bức tượng ghi câu nói nổi tiếng của ông: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Ông Nguyễn Đức Chính, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, công viên Fidel Castro là công trình xây dựng theo hình thức xã hội hóa và được khánh thành năm 2018. Công trình này không chỉ mang ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, thể hiện tình cảm của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Trị nói riêng với lãnh tụ Fidel Castro mà còn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, hoàn thiện không gian đô thị cho TP Đông Hà.
Chuyến thăm của lãnh tụ Cuba Fidel Castro ở vùng đất “kinh đô gió Lào” Quảng Trị đã 50 năm vẫn còn lưu dấu, thấm đẫm tinh thần hữu nghị, tình cảm của nhân dân Cuba dành cho Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Hôm nay, vùng đất một thời đạn bom cày xới nay đã tươi xanh.
3. Ông Lại Văn Hải (67 tuổi, ở phường Đồng Phú, TP Đồng Hới), một trong những bệnh nhân thường xuyên của Bệnh viện Việt Nam - Cuba, chia sẻ: “Nếu không có bệnh viện này, tôi khó có thể sống đến bây giờ, bởi tôi mắc bệnh thận mãn tính. Có bệnh viện này, mỗi lần nhập viện tôi đều được cứu chữa kịp thời. Bệnh viện này không chỉ là biểu tượng tình cảm anh em giữa hai nước Việt Nam - Cuba mà còn là nơi chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây. Trước đây, người dân bị trúng bom mìn phải vào Thừa Thiên Huế hoặc ra Hà Nội chữa trị, đường sá đi lại khó khăn, nhiều nạn nhân tử vong dọc đường. Năm 1981, bệnh viện khánh thành, bạn tôi làm rẫy trúng mìn, cụt hai chân, may có bệnh viện cứu chữa kịp thời mà giữ lại mạng sống”.
Bác sĩ Phan Xuân Khôi, nguyên Trưởng khoa Sản - Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, chia sẻ, năm 1981 bệnh viện đưa vào sử dụng, ông được phân công về công tác ở khoa Sản - Nhi, rồi làm trưởng khoa năm 2002 cho đến khi về hưu năm 2020. Đó là giai đoạn ông chứng kiến hàng vạn đứa trẻ của đất lửa Quảng Bình ra đời “mẹ tròn con vuông” mà không gặp bất cứ tai biến nào. Những đứa trẻ ấy lớn lên, trở thành nhân lực lao động cho địa phương, và đến nay, khoa Sản - Nhi mỗi ngày vẫn làm bà đỡ cho nhiều em bé ra đời an toàn.
Nói về Bệnh viện Việt Nam - Cuba, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc bệnh viện, xúc động: “Đi qua chiến tranh, vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị hy sinh rất nhiều, cơ sở chữa bệnh rất xa, vì thế nhiều người không qua khỏi do đường đến bệnh viện quá xa. Khi Chủ tịch Fidel tặng công trình bệnh viện này, người dân trong khu vực thấu hiểu sẽ có nhiều người được cứu sống. Công trình được khởi công vào năm 1974, khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 8-1981, trở thành một trong những biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Cuba”.
Để bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của người dân Quảng Bình và tập thể cán bộ y tế bệnh viện đối với Đảng, Chính phủ, nhân dân Cuba và lãnh tụ Fidel Castro, tháng 8-2018, Bệnh viện Việt Nam - Cuba đã tổ chức khánh thành khu tượng đài Fidel Castro, diện tích 90m2 trong khuôn viên bệnh viện. Để giữ tình cảm quan hệ tốt đẹp, mỗi năm, bệnh viện đều mời chuyên gia, bác sĩ Cuba đến khám chữa bệnh tại các chuyên khoa Tim mạch, Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Ngoại Thần kinh, Ung bướu, Nhi, Nội tiêu hóa. Tất cả các chuyên gia đều thể hiện tài năng làm việc phi thường, tạo thêm niềm tin của người dân Quảng Bình với đất nước Cuba thân thương.
Năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro sau khi thăm Quảng Trị đã nghỉ lại tại nhà khách Giao Tế (xã Đức Ninh, TP Đồng Hới). Tại đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã bố trí một căn phòng rộng 30m2, đầy đủ bàn làm việc, tủ đựng đồ, bàn tiếp khách. Khác biệt lớn nhất là chiếc giường cho Chủ tịch Fidel Castro phải được đóng lớn hơn so với bình thường để phục riêng Chủ tịch Cuba. Khu Giao Tế đã đón hơn 450 đoàn khách quan trọng và có phòng lưu niệm Chủ tịch Fidel Castro. Ngày nay, căn phòng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Năm 1998, Khu Giao Tế Quảng Bình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.