6,6 tỷ USD: Là tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2018, đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số dự án nổi bật như siêu dự án đô thị thông minh tại Đông Anh của Sumitomo Nhật Bản và dự án của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Tính cả vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần, năm 2018 lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
7.100 doanh nghiệp: Là số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm 2018, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017. Tính trên các lĩnh vực, năm qua cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478.000 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14% về số vốn đăng ký so với năm 2017.
16.675 là tổng số căn nhà đưa ra thị trường năm 2018 trên địa bàn TPHCM, tỷ lệ giảm đến 34% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA). Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 2.485 căn, tỷ lệ giảm 22,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 6.676 căn, tỷ lệ giảm đến 34%; phân khúc căn hộ bình dân giảm 6.362 căn, tỷ lệ giảm mạnh nhất đến 44%
24,7%: Là tỷ lệ căn hộ bình dân trong tổng nguồn cung căn hộ trên địa bàn thành phố, theo HoREA. Theo hiệp hội, đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng, thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.
22.976 tỷ đồng là tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản tính đến hết tháng 11-2018, theo thống kê của Bộ Xây dựng. So với tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản được thống kê vào đầu năm 2013 là 128.548 tỷ đồng thì đã giảm được 105.572 tỷ đồng, giảm đến 82%. Cần lưu ý là tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản được thống kê vào đầu năm 2013 trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng, chưa bao gồm hàng tồn kho bất động sản phát sinh từ năm 2013 đến nay.
15 triệu: Là số lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. Đây là lần đầu tiên du lịch Việt Nam đạt được con số này. Sau 3 năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi (tăng 3 triệu lượt so với năm 2017 và 5 triệu lượt so với năm 2016), duy trì mức tăng xấp xỉ 22% so với năm 2017. Cùng với dấu mốc đón 15,5 triệu lượt khách, năm 2018, ngành du lịch cũng phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (26 tỷ USD). Đây được xem là cơ hội lớn cho lĩnh vực bất động sản, nhất là với các phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng…
Cháy tại Carina: Sự kiện này đã có tác động không nhỏ lên thị trường căn hộ, khiến nhiều người mua nhà cẩn thận và kỹ lưỡng hơn khi mua nhà. Các chủ đầu tư cũng cần chú trọng hơn và công tác đảm bảo an toàn cho cư dân thì mới thuyết phục được khách hàng mua nhà.