Kinh tế tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực
Tại phiên khai mạc kỳ họp 20 HĐND TPHCM khóa X, sáng 9-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải đã báo cáo kết quả thực hiện chủ đề công tác năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
UBND TPHCM đánh giá việc thực hiện chủ đề công tác năm 2024 tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong 21 chỉ tiêu thành phần (của 18 nhóm chỉ tiêu) kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024, có 17 chỉ tiêu dự kiến đạt, vượt; 1 chỉ tiêu chưa công bố, phấn đấu đạt; 3 chỉ tiêu dự kiến không đạt.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 502.753 tỷ đồng, đạt 104,12% dự toán, tăng 12,01% so cùng kỳ. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh khoa học công nghệ vào phát triển công nghiệp, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực tăng trưởng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 6,8% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp giữ mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển của ngành công nghiệp thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 10,4%.
Hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thúc đẩy dịch vụ vận tải tăng trưởng mạnh mẽ; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 21,5%. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao, tổng doanh thu tăng 18,8%, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20%.
Tình hình lao động, việc làm có nhiều khởi sắc, các hoạt động kết nối cung - cầu lao động được triển khai thực hiện có hiệu quả, đa dạng; tỷ lệ lao động nộp hồ sơ đề nghị thất nghiệp giảm 11,62% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.
Hoạt động chuyển đổi số thực hiện đồng bộ trên 4 trụ cột. Trong đó, chú trọng cụ thể hóa và đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng tâm.
TPHCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước thông qua các hệ thống. Thành phố đã triển khai Bản đồ thực thi thể chế TPHCM nhằm theo dõi đánh giá chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến.
TPHCM đã đạt được một số chỉ tiêu kinh tế số, như tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 12,88% (33.453 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin); tỷ lệ doanh nghiệp nền tảng số là 11,63% (30.190 doanh nghiệp nền tảng số trên địa bàn thành phố); tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 16,7%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 82%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 71,18%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử 95.21%.
Tỷ lệ người dân có danh tính số, tài khoản định danh điện tử đạt 100%. Đã triển khai cấp 2.048.702 chữ ký số cho người dân (đạt 34,7% tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số).
Theo đánh giá của Bộ TT-TT, kinh tế số TPHCM tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%, năm 2024 ước đạt 22%.
11.287 tỷ đồng chi thu nhập tăng thêm
Việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 bước đầu tạo động lực giúp thành phố thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; từng bước khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quản lý Nhà nước và chủ động triển khai một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đặc biệt các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học công nghệ và tổ chức bộ máy chính quyền.
Cụ thể, thành phố đã bố trí 3.794 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, đường Vành đai 3; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028, bố trí 50 tỷ đồng vốn trung hạn 2021-2025 để chuẩn bị dự án.
TPHCM đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng; về dự toán chi ngân sách của UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4%, đã bố trí dự toán năm 2024 với mức tối đa 4% là 688,6 tỷ đồng.
UBND TPHCM đánh giá, qua thực hiện Nghị quyết 98, về cơ bản, mô hình chính quyền đô thị TP Thủ Đức đang đi vào hoạt động ổn định với tổ chức bộ máy phù hợp, chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, cơ chế phân cấp, ủy quyền đã được triển khai kịp thời, đồng bộ và thiết thực, giúp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, góp phần quan trọng để TP Thủ Đức đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 98%, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phát huy vai trò, thế mạnh, giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp…
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết 98
Thời gian tới, TPHCM định hướng phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tri thức. Chuyển đổi số đồng hành với chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp xanh gắn liền với công nghiệp số. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số nhằm tạo không gian phát triển mới.
Từ đó, UBND TPHCM đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xây dựng và ban hành các quy định, quy chế, chính sách phục vụ triển khai chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ trên môi trường số.
Tiếp tục triển khai chiến lược quản trị dữ liệu thành phố; phát triển, cải tiến hệ thống thông tin giải quyết TTHC, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ hành chính công của người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Thành phố triển khai hiệu quả hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số. Tập trung nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng AI, khai thác và sử dụng có hiệu quả dữ liệu dân cư, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm. Bên cạnh đó, đưa vào vận hành các nền tảng số như hỗ trợ công tác điều hành khu phố, ấp; hệ thống thông tin Quản lý cán bộ công chức, viên chức; Quản lý đất đai; Quản lý cấp phép xây dựng.
Thành phố tiếp tục nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết 98 nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” của các ngành, lĩnh vực, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tỷ lệ giải quyết các vụ án đã nâng lên
Báo cáo tại kỳ họp, đồng chí Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM cho biết, năm 2024, TAND TPHCM triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc thụ lý, giải quyết tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm về ma túy.
TAND hai cấp thụ lý 7.823 vụ án hình sự, đã giải quyết 7.798 vụ (đạt tỷ lệ 99,7% ) và đang giải quyết 25 vụ. Qua công tác xét xử các vụ án hình sự cho thấy, các tội phạm về ma túy vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Viện KSND Thành phố phối hợp đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ/418 bị cáo.
TAND TPHCM đã đưa ra xét xử nghiêm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 1, 2; vụ án Đặng Việt Hà và đồng phạm tại Trung tâm Đăng kiểm…
Theo báo cáo của Viện KSND TPHCM, năm 2024, tội phạm về ma túy có sự gia tăng về số vụ và số bị can. Cơ quan điều tra hai cấp khởi tố mới 2.643 vụ/5.229 bị can (tăng 925 vụ, 2.557 bị can), chủ yếu về các tội: "Tàng trữ trái phép chất ma túy" 1.115 vụ/1.522 bị can (tăng 223 vụ); "Mua bán trái phép chất ma túy" 1.002 vụ/2.208 bị can (tăng 380 vụ); "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" 460 vụ/1.407 bị can (tăng 3 vụ)…
Theo Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong, năm 2024, TAND hai cấp thụ lý 57.969 vụ việc về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (tăng 6.966 vụ việc so với 2023); đã giải quyết 48.287 vụ việc (đạt tỷ lệ 83,3%). Việc giải quyết vụ việc dân sự gặp nhiều khó khăn do phải chờ kết quả ủy thác tư pháp tại nước ngoài, chờ các cơ quan cung cấp tài liệu, chứng cứ; kết quả đo vẽ, giám định…
Mặc dù số lượng án thụ lý tăng, tòa án hai cấp đã giải quyết tăng 4.084 vụ (đạt 3,46%) so với cùng kỳ. Tòa án cũng chú trọng công tác hòa giải trong giải quyết án dân sự (có 14.675/48.287 vụ việc giải quyết sơ thẩm được hòa giải thành, chiếm 30,4%).
Về án hành chính, TAND hai cấp thụ lý 879 vụ, đã giải quyết 60 vụ, tỷ lệ 75,1%, hiện đang giải quyết 219 vụ. So với năm 2023, lượng án hành chính thụ lý giảm 260 vụ việc.
Tuy nhiên, Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong cho biết, vẫn còn nhiều trường hợp người bị kiện là UBND và chủ tịch UBND vắng mặt, có trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên UBND, chủ tịch UBND cũng vắng hoặc có mặt nhưng chỉ ghi nhận sự việc, không thực hiện được việc đối thoại, không cung cấp tài liệu thể hiện việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính là đúng quy định pháp luật.
Do đó, việc đối thoại các vụ án hành chính phần lớn không tổ chức được hoặc không đạt được kết quả.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Viện trưởng Viện KSND TPHCM Nguyễn Đức Thái cho biết, Viện KSND TPHCM phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của thành phố, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp.
Sau sắp xếp, 41 phường được bố trí 2.732 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách
Tại kỳ họp, UBND TPHCM có tờ trình về dự thảo nghị quyết của HĐND TPHCM về giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc tại 41 phường hình thành sau sắp xếp theo Nghị quyết 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025.
Theo đó, UBND TPHCM đề xuất giao tổng số lượng cán bộ làm việc tại 41 phường hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là 269 người (giảm 211 người so với số giao năm 2024 tại Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM về giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc TPHCM giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2026).
Đối với 4 phường mới (phường 1 và 2 của quận 6; phường 7 của quận 11; phường 1 của quận Gò Vấp), hình thành trên cơ sở sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp xã bố trí tối đa 8 cán bộ (3 phó bí thư phụ trách công tác Đảng).
Đối với 16 phường (2 phường của quận 3; 4 phường của quận 5; 3 phường của quận 10; 5 phường của quận 11 và 2 phường của quận Gò Vấp) được bố trí 7 cán bộ (3 phó bí thư phụ trách công tác Đảng). Đối với 21 phường còn lại được bố trí 6 cán bộ.
UBND TPHCM cũng đề xuất giao số lượng công chức làm việc tại 41 phường sau sắp xếp là 1.046 người (giảm 154 người). Số công chức làm việc tại phường đã bao gồm chức danh chủ tịch và phó chủ tịch UBND, 6 chức danh công chức (Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - Đô thị và môi trường; Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội).
Đối với 4 phường (phường 10, 13 của quận 6; phường 13, 11 của quận Bình Thạnh) thực hiện giao số lượng công chức làm việc tại phường theo Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM do đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí về quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn .
Đối 37 phường còn lại hình thành sau sắp xếp cho áp dụng phương pháp cộng gộp số công chức có mặt tính đến thời điểm ngày 1-12- 2024 của mỗi phường theo từng phương án sắp xếp tại Nghị quyết 1278.
Về giao số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại 41 phường, UBND TPHCM đề xuất giao 982 người (giảm 70 người so với số giao năm 2024 tại Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM). Đối với 8 phường (phường 12 của quận 3; phường 9, 10, 13 của quận 6; phường 11, 13 của quận Bình Thạnh và phường 14, 15 của quận Gò Vấp) thực hiện giao số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM do đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí về quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn .
Đối 33 phường còn lại hình thành sau sắp xếp cho áp dụng phương pháp cộng gộp số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có mặt tính đến thời điểm ngày 1-12-2024 của mỗi phường theo từng phương án sắp xếp theo từng phương án sắp xếp tại Nghị quyết 1278.
Như vậy, tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã làm việc tại 41 phường hình thành sau sắp xếp năm 2025 là 2.732 người. Trong đó: 269 cán bộ, 1.046 công chức và 982 người hoạt động không chuyên trách; giảm 435 người.
Thực hiện Nghị quyết 1278, sau sắp xếp, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện và 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn (giảm 39 phường).