Tôi về thăm quê đúng mùa nước cạn, con đường dẫn ra bãi sông như dài rộng hơn. Bà tôi kể, trước kia ở làng toàn đường đất, chỉ có mỗi con đường lớn dẫn ra đình là được lát đá xanh. Giờ đây, đường lớn ngõ nhỏ đều khang trang cả rồi. Không đổ nhựa, cũng đổ bê tông nhẵn thín. Trước kia, người lớn vẫn thường bảo nhau rằng không biết tới bao giờ ở làng mới có đường nhựa như trên phố huyện. Ai cũng lấy một cái mốc “sau này” nào đó rất xa xăm.
Cái “sau này” ấy không được đo bằng năm, bằng tháng mà đo bằng cái lớn cái khôn của lũ trẻ trong làng. Người lớn bảo rằng đến lúc chúng tôi học cấp hai, cấp ba, lên đại học, rồi quay về làng, kiểu gì cũng có đường nhựa để đi. Giờ đây, đường nhựa đã nhẵn dấu chân của người làng, nhưng lũ trẻ đã đi là đi mãi. Làng chỉ là chốn để về, chứ không còn là nơi nương náu nữa.
Mỗi dịp về làng, tôi lại men theo con đường nhỏ nối làng mình với làng bên. Con đường ấy với tôi thân thuộc lắm. Bởi đó là đường tới trường.
Bao kỷ niệm của một thời thơ bé vô ưu đều ghi dấu trên con đường ấy. Mỗi buổi sáng, trẻ con trong xóm lại í ới gọi nhau đi học. Đầu xóm, chỉ có vài đứa, đến cuối xóm người ta đã thấy cả một bầy lít nhít rồng rắn nối đuôi nhau tới lớp. Nhớ nhất là những hôm mải chơi, nghe thấy trống đánh “tùng, tùng…”, cả lũ mới ù té chạy. Đám hoa dại vừa mới hái đều bị bỏ lại sau lưng. Chúng tôi vẫn còn nghe tiếng người lớn dặn với theo: “Mấy đứa trẻ này, chạy chậm thôi kẻo ngã bây giờ!”.
Vào những ngày mưa phùn giữa mùa xuân, bên vệ đường, đoạn dẫn ra ruộng sẽ mọc đầy lá khúc nếp. Mấy chị em tôi sẽ cắp rổ đi theo mẹ, hái đầy lá khúc về làm bánh.
Ngọn khúc nếp mập mạp, mơn mởn trong làn mưa xuân. Trong đám cỏ, kiểu gì cũng lẫn mấy cây diếp dại, cỏ mực, có khi còn cả hương nhu nữa. Hai chị em bảo nhau hái về cho bà đun nước uống. Nhìn hai đứa cháu với đôi bàn tay lấm lem cùng mấy cây diếp dại con con, bà chỉ móm mém cười.
Đám trẻ con rồi cũng thành người lớn. Những con đường đất mộc mạc ấy dẫn chúng ra khỏi làng. Ở nơi phồn hoa, đường nhựa nhẵn bóng, thi thoảng chúng tôi lại nhớ về con đường làng bình yên, nơi những ngọn cỏ non vô tư chào sương sớm. Con đường ấy bao năm vẫn kiên nhẫn đợi đám trẻ ngày nào quay về.