Hôm nay, tên của các mẹ đã trở thành tên của những con đường trên mảnh đất quê hương, như một bảo chứng cho Củ Chi đổi thay, phát triển từng ngày.
Dáng hình của Mẹ
Qua cánh đồng xanh mướt trên con đường Phan Thị So (ấp 1, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi), chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Minh Dũng (tên thường gọi Út Dũng, sinh năm 1952) - con của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Gia đình ông Út Dũng có hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Lê Thị Truyền và mẹ Phan Thị So. Bà nội của ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Truyền, mẹ Truyền có 2 người con lần lượt hy sinh vào năm 1947 và năm 1954. Hiện nay, tên của mẹ Truyền và mẹ So đều đã được huyện Củ Chi đặt thành tên đường.
Kể với chúng tôi về những hồi ức với mẹ So - mẹ ruột của mình, ông Út Dũng nhớ lại: “Mẹ sinh 5 người con, trừ một người anh bệnh mất hồi nhỏ thì giặc Mỹ đã cướp đi của mẹ 3 người con, chỉ còn mỗi mình tôi”.
Các anh chị ruột của ông Út Dũng lần lượt hy sinh vào 3 năm liên tiếp: 1966, 1967, 1968. Ba năm trời, mẹ So hứng chịu nỗi đau mất con, và mẹ cũng chỉ còn lại đơn độc một mình - do lúc này ba của ông Út Dũng hoạt động cách mạng bị địch giam cầm ở nhà tù Chí Hòa.
“Sau khi người anh cuối cùng hy sinh, mẹ gọi tôi về. Mẹ bảo các anh chị con hy sinh hết rồi, con về đi bộ đội”, ông Út Dũng nhớ lại.
Chính ông cũng không ngờ, mẹ So của mình lại kiên cường đến vậy: “Thời điểm chiến tranh ác liệt, ai cũng sẵn tâm lý đi hoạt động cách mạng là sẵn sàng hy sinh. Nhưng mẹ nói rằng nếu còn ở lại Sài Gòn học sẽ bị bắt đi lính, là tự cầm súng chĩa vào bà con của mình. Câu nói của mẹ, tôi nhớ suốt đời”.
Những năm tháng hoạt động cách mạng, để đảm bảo bí mật, ông Út Dũng không về nhà thăm mẹ. “Có lần, tôi nhớ mẹ quá nên khuya đến, tôi mò về thăm. Tôi trườn vào góc nhà, thấy mẹ đang ngồi ngoáy trầu mà hai hàng nước mắt cứ rơi. Tôi cũng khóc, núp ở ngoài nhìn vô vậy thôi chứ không dám vô. Bóng dáng quen thuộc của mẹ ngồi một mình làm tim tôi quặn lại”, ông Út Dũng kể.
Mỗi ngày, ông Út Dũng đều đi bộ, tập thể dục trên con đường được đặt tên bà nội và tên của mẹ. Để có tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng hôm nay là sự đánh đổi bao đau thương của các Mẹ.
Nhưng cũng từ đau thương đó, ông Út Dũng càng răn dạy con cháu luôn sống có quê hương, nguồn cội, tri ân và biết ơn các Mẹ, các anh hùng, liệt sĩ… đã hy sinh cho độc lập, tự do.
Tự hào những con đường
Mỗi lần đi trên con đường mang tên của bà nội - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hồng Thị Thao, anh Trần Hải Quý (sinh năm 1980, ngụ ấp 5, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) đều tự hào.
Lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ, anh Quý đã được nghe ông bà nội kể về 3 người bác là liệt sĩ, về lòng yêu quê hương và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Mẹ Hồng Thị Thao có 11 người con, trong đó 3 người con trai là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
“Ngày khánh thành con đường mang tên bà nội, gia đình tôi quây quần đông đủ, ba tôi thắp nhang kính báo với bà nội và các bác. Gia đình tôi vinh dự khi tên bà nội được đặt tên đường, và tâm niệm rằng những đóng góp, hy sinh của bà luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương biết ơn, trân trọng”, anh Quý bày tỏ.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhắc đến Củ Chi là nhắc đến “vành đai đỏ”, “vành đai lửa”, “vùng đất trắng” hay “vùng đất thép”.
Củ Chi đi vào lịch sử với vị trí là một địa bàn chiến lược, là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Với tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong đánh giặc Mỹ, quân và dân Củ Chi đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý “Đất thép thành đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng ba tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các Lực lượng vũ trang Nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai vào ngày 17-9-1967.
Hướng tới kỷ niệm 57 năm huyện Củ Chi đón nhận danh hiệu cao quý “Đất thép thành đồng”, huyện tổ chức thăm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 300 hộ gia đình chính sách khó khăn; trao 200 suất học bổng cho đến học sinh nghèo hiếu học.
Đồng thời, khánh thành “Đường cờ Tổ quốc” trên tuyến đường Cây Gõ thuộc địa bàn xã An Phú, có chiều dài khoảng 5,6km, với 746 cột cờ; thi công và khánh thành 6 tuyến đường bê tông kết hợp gắn trụ đèn năng lượng mặt trời hoàn thành đúng ngày kỷ niệm và 1 tuyến đường sẽ hoàn thành trong tháng 9-2024 trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng...
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, bước ra khỏi cuộc kháng chiến, toàn huyện có 35.976 gia đình chính sách; 2.135 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, trên toàn huyện Củ Chi đã có 371 tuyến đường mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Huyện thường xuyên duy trì phát động các phong trào ra quân tổng vệ sinh môi trường, tổ chức hoạt động ra quân Ngày Chủ nhật xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện, tăng cường xây dựng mảng xanh; vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị...
Bà Phạm Thị Thanh Hiền chia sẻ, sau ngày giải phóng, Củ Chi là một trong những địa phương phải chịu những hậu quả chiến tranh nặng nề, nhưng với truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Củ Chi đã không ngại hy sinh, gian khổ, đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, đặc biệt huyện Củ Chi không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2021-2025. Huyện Củ Chi sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống cách mạng, biến niềm tự hào của quá khứ thành động lực quan trọng để kiến thiết, xây dựng quê hương.