Những cơ hội mới với âm nhạc AI

Sự xuất hiện các ca sĩ ảo, hay công nghệ AI lan rộng trong thị trường nhạc Việt là điều không khiến khán giả bất ngờ. Tuy nhiên, để AI hay nghệ sĩ ảo thực sự “sống” được giữa showbiz cần rất nhiều nỗ lực của các đơn vị sản xuất.

Định hướng phát triển lâu dài

Sau hơn 1,5 năm vắng bóng, nữ ca sĩ thần tượng ảo đầu tiên của Việt Nam - Ann mới đây chính thức trở lại với MV Cry. Trong họp báo ra mắt, “cô” đã trình diễn cùng ban nhạc (live-band) trên sân khấu thực với công nghệ 3D hologram.

Giải thích về lý do tạm ẩn một thời gian, nhà sản xuất cho biết, đó là quãng thời gian nhằm hoàn thiện các công nghệ hình ảnh, chuyển động, âm thanh. Đặc biệt, phần âm thanh được đầu tư nhiều nhất, với sự “hòa trộn” bởi nhiều giọng ca để tạo ra màu giọng riêng, đáp ứng trường độ, cao độ trong thanh nhạc. Mục tiêu cao nhất hiện nay là làm sao để Ann có thể biểu diễn cùng ca sĩ thật trên sân khấu. Và kế hoạch dài hạn tiếp theo sẽ là xây dựng và phát triển cộng đồng người hâm mộ riêng cho cô.

“Chúng tôi luôn theo sát sự biến đổi của thị trường để điều chỉnh quá trình sản xuất một cách hợp lý và hoàn thiện hơn cho Ann”, anh Bobo Đặng - đại diện công ty chủ quản của Ann, chia sẻ.

E6B.jpg
Ca sĩ ảo Ann trở lại trong MV Cry. Ảnh: BOBO STUDIO

Ra mắt trước Ann không lâu là hai ca sĩ AI Michau và Damsan - được lấy cảm hứng từ truyện cổ, sử thi Việt và phát triển câu chuyện riêng, phóng tác tự do về tài năng, tâm lý. Trong Lễ hội Âm nhạc quốc tế HOZO 2022, cả hai biểu diễn trực tiếp trên sân khấu lớn cùng vũ công người thật thông qua công nghệ trình chiếu 3D hologram. Đến Lễ hội Âm nhạc quốc tế HOZO 2023, Michau và Damsan được ê kíp tung 2 MV đầu tay Losing you, Don’t look back. Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil Group - đơn vị xây dựng và phát triển 2 ca sĩ siêu thực, cho biết, cả hai ca sĩ AI đều đang trong quá trình xây dựng nên phản hồi từ cộng đồng đóng vai trò quan trọng đến việc phong cách biểu diễn, màu sắc âm nhạc…

Chưa thể thành xu hướng

Michau và Damsan từng nhận được sự đồng hành tài trợ ra mắt từ DST Entertainment, bảo trợ truyền thông bởi Appota và OTA Network - những tên tuổi nổi bật trong ngành giải trí. Tuy nhiên, sau gần một năm ra mắt, cả hai đều không để lại dấu ấn nào trong thị trường âm nhạc Việt. Lý do được cho là vì các ca khúc của Michau và Damsan đều là những thể loại âm nhạc bắt tai, không kén người nghe, nhưng cũng không có gì nổi bật, khán giả nghe qua một lần là quên.

Còn Ann, với lần trở lại này không chỉ mong muốn “thổi làn gió mới” mà còn kỳ vọng từng bước đại diện cho sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật mang dấu ấn Việt Nam. Tuy nhiên, để khán giả nhớ kỹ về “cô” phải cần nhiều thời gian. Tại buổi ra mắt, nhiều khán giả đã có phản hồi tích cực như khán giả trẻ Nguyễn Tuấn (sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM) nhận xét: “Âm thanh thì tạm ổn nhưng hình ảnh cần cải thiện nhiều, khuôn mặt vẫn còn cứng quá, thiếu sức sống, nhất là đôi mắt cứ vô hồn dễ gây phản cảm với khán giả”.

Khán giả Nguyễn Nam Trung (Nhà Bè, TPHCM) thì chia sẻ: “Tôi nghĩ khán giả Việt sẽ tiếp nhận ca sĩ AI một cách tích cực nếu làm tốt. Như lần Tùng Dương song ca với cố nghệ sĩ Trần Lập ca khúc Cơn mưa tháng Năm. Chính công nghệ 3D mapping đã tái hiện một Trần Lập tràn đầy cảm xúc, hòa quyện về hình ảnh, giọng hát giữa người sống và người đã mất, tạo ấn tượng mạnh với người xem”

Tất nhiên, sự “lấn sân” của AI cũng tạo nhiều ý kiến trái chiều. Đầu tháng 7 năm nay, ca sĩ Đan Trường phát hành MV Em ơi ví dầu, gây chú ý khi ứng dụng công nghệ AI để xây dựng hình ảnh. Tuy nhiên, MV ra mắt vấp loạt phản ứng khó chịu của công chúng vì nhân vật đơ, hình ảnh cũng chưa hợp lý, không sống động. Một số nhân vật phụ còn không hoàn chỉnh, thậm chí trông như bị dị tật.

Trước đây, mô hình AI viết nhạc của kỹ sư Bảo Đại cũng nhận về các tranh luận về ranh giới giữa công nghệ và sự sáng tạo của nghệ sĩ. Nhận xét về âm nhạc AI, nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết: “Theo ý kiến riêng tôi, hầu hết những thứ đứng sau, như hình ảnh, giọng hát, khả năng sáng tác thì còn lâu AI mới có thể thay thế con người, thậm chí không thể. AI có lẽ sẽ là trào lưu, đủ cho những sản phẩm giải trí chứ khó lòng có được “địa vị” cao hơn trong nghệ thuật”.

Và đó cũng là quan điểm chung của những người làm nghệ thuật hiện nay, AI sẽ không thay thế mà hỗ trợ, trở thành trợ thủ đắc lực để giúp con người đẩy nhanh tốc độ, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong khâu sản xuất âm nhạc. Thị trường nhạc Việt vẫn đang ở các bước thăm dò, chờ đợi những cơ hội mới cho cả nghệ sĩ thật và ảo. Và, sự phát triển nào cũng cần dựa trên nền tảng nội tại, bản sắc và thực lực.

Tin cùng chuyên mục