1. “A lô, anh Tuấn hả, tới ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), vừa có người bị tai nạn giao thông”.
Buông vội chén cơm, Tuấn lao ra cửa, dặn với người nhà: “Để cửa, khuya con về”. Ánh sáng đèn chớp lòe, tiếng còi hụ xé toạc màn đêm, xe lao nhanh qua các con đường 30 Tháng 4, Cách Mạng Tháng Tám... “Cẩn thận. Nhẹ tay thôi, được rồi, đi”. Nói rồi, Tuấn lại vội lao lên ghế lái, nhằm hướng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đạp ga, hụ còi chạy tiếp.
Một lần khác, theo chân Tuấn lúc 1 giờ sáng 10-2, rong ruổi qua các con đường, ngõ hẻm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một. “A lô, Tuấn nghe đây. Ngã tư Địa Chất hả, dạ, tới ngay”. Chiếc xe bấm còi hụ, lao nhanh tới hiện trường. “Kia, tới rồi. Nặng đây”. Từ trên xe lao vội xuống, Tuấn đi nhanh về phía nạn nhân nằm bất động ngay sát dải phân cách. “Giữ nguyên đấy. Để tôi”.
Nói rồi, Tuấn quay lại xe, khệ nệ khiêng băng ca và vật dụng cứu thương, cùng người nhà nạn nhân nhẹ nhàng quấn băng vết thương, nẹp giữ chân tay đưa lên băng ca. Sau vài phút sơ cứu, Tuấn nhẹ nhàng chuyển nạn nhân lên xe, hú còi, lao nhanh đến bệnh viện...
Hàng trăm tấm danh thiếp mà chàng trai này rải khắp các ngõ hẻm, tuyến đường, khu dân cư tỉnh Bình Dương, có nội dung: “Cứu nạn Bình Dương; hotline: 0971.0971.31 (chuyên cấp cứu tai nạn miễn phí). Thời gian từ 19 giờ đến 3 giờ sáng. Hoạt động khu vực: Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương”.
Còn trên tài khoản Facebook Lê Anh Tuấn này ngày nào cũng xuất hiện những hình ảnh, đoạn clip ghi lại các trường hợp tai nạn trên đường được anh đưa đi cứu chữa, để cộng đồng mạng chia sẻ, kịp báo đến gia đình nạn nhân.
Từ 1 xe lúc mới làm công việc cứu người, đến cuối năm 2018, Lê Anh Tuấn mua lại thêm 1 xe 15 chỗ về cải tiến thành xe cứu thương. Cả 2 ô tô mà Tuấn dùng hàng ngày đã bao lần vương máu nạn nhân bị tai nạn giao thông, khiến người thân và cả bạn bè đều e ngại. Nhưng bỏ qua tất cả, Tuấn xem đó là những việc ý nghĩa nhất trong cuộc đời, không có gì phải sợ hãi, duy tâm rằng đó là xe kém may mắn.
Mới đây nhất, sau khi hoàn tất việc chở một ca tai nạn giao thông, Tuấn nhặt được chiếc ví của nạn nhân trong đó có số tiền lớn, anh lập tức chạy xe đi trả và cũng để báo tin xấu cho người nhà nạn nhân hay.
2. “Ba, con có chuyện muốn nói”. “Chuyện gì?”. “Ba cho con miếng đất đó, con bán”. “Bán làm gì?”, ông H. - ba của anh Nhật hỏi. “Cơ quan con bán thanh lý 1 chiếc xe, con muốn mua về làm xe cứu thương chở người nghèo”. Trầm ngâm một hồi, ông H. đồng ý.
Kể lại câu chuyện xin đất gia đình bán lấy tiền mua xe cứu thương phục vụ miễn phí người nghèo, anh Nguyễn Hoàng Nhật (ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) không hề suy nghĩ công việc hơn 2 năm qua của mình lại có ý nghĩa với người nghèo khó, bệnh tật đến vậy.
“Năm 2017, tôi nhận đưa một người bệnh hấp hối từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Trà Vinh với giá 2,2 triệu đồng. Sau khi vượt hơn 120km, tôi đã sững sờ khi thấy căn chòi lá của gia đình bệnh nhân không có lấy một chiếc giường. Để đủ số tiền 2,2 triệu đồng trả cho mình, cả gia đình phải chia nhau đi gõ cửa từng nhà hàng xóm gom góp, mỗi nhà vài ba chục ngàn đồng. Cầm nắm tiền lẻ nhàu nát trên tay, tôi đã không cầm được nước mắt và quyết định tặng hết số tiền đó cho gia đình bệnh nhân. Sau chuyến xe định mệnh hôm đó, tôi về bàn với vợ xin đất gia đình bán lấy tiền mua xe cứu thương vận chuyển miễn phí cho những người cần giúp đỡ”.
Trong mỗi chuyến xe nghĩa tình mà anh chở là một mảnh đời. Những bệnh nhân lâm trọng bệnh có hoàn cảnh ngặt nghèo, không người thân, không kiếm đâu ra đủ số tiền để chạy chữa, cả những gia đình nghèo ở tỉnh xa không may có người thân qua đời tại các bệnh viện, hay bị tai nạn thương vong, anh cũng không nề hà xa - gần để xuôi ngược đưa thi hài về quê an táng.
Có một hoàn cảnh được anh ghi lại trong nhật ký Chuyến xe nghĩa tình đêm 22-2-2020: “Rạng sáng nay, chuyến xe nghĩa tình đã đưa bé Nguyễn Xuân Hải, 16 tuổi từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện Đa khoa Bình Định, để bé tiếp tục được chăm sóc và hy vọng có phép màu đến. Ngoài hỗ trợ chi phí xe, mình cũng đã trao lại cho gia đình 10 triệu đồng của một mạnh thường quân giấu tên, để bé có thêm kinh phí trong thời gian nằm tại bệnh viện. Xin thay mặt gia đình bé Hải, cám ơn toàn thể quý ân nhân, mạnh thường quân gần xa đã chung tay đóng góp kinh phí, giúp bé có cuốc xe về lại quê nhà và có thêm kinh phí nằm viện”.
Kèm theo dòng chia sẻ này là danh sách hơn 10 mạnh thường quân, người góp 3 triệu đồng, 2 triệu đồng, 5 triệu đồng, người 500.000 đồng, 300.000 đồng... chung tay với anh Nhật lo cho bé Hải.
Cũng trong nhật ký, còn có hàng chục trường hợp được anh và những người bạn của mình chung tay cứu giúp, người ở Cà Mau, Rạch Giá, Đồng Tháp, người tận miền Trung… Nhiều trường hợp tử vong có hoàn cảnh khó khăn còn được anh đứng ra lo liệu chu toàn.
3. Trong hành trình đi tìm chủ nhân của những chuyến xe nghĩa tình, chúng tôi liên hệ được ông Nguyễn Văn Tác, một người thiện tâm sống tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), khi ông đang đưa người bệnh lên TPHCM cấp cứu. “Tôi đang ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, 15 phút nữa về lại Cần Thơ”.
Tôi tranh thủ đến gặp ông. Tới nơi, thấy ông và phụ lái đang dìu người bệnh lên ghế phía trước. “Đưa bà Hoa dưới huyện Cờ Đỏ lên khám, giờ chở về dưới, tuần sau đưa lên nhập viện, chạy thận”, ông Tác nói.
Kể lại hành trình hơn 15 năm lái xe đưa cả ngàn người nghèo đến bệnh viện, ông Tác không sao quên được những lúc khó khăn, đường đi cách trở, phương tiện thiếu thốn, bất lực đứng nhìn người bệnh ra đi vì không kịp chuyển đến bệnh viện.
Ông Tác kể: “Trước kia, tôi chuyển bệnh bằng xe gắn máy. Ai bệnh, gọi bất kể lúc nào là tôi lấy xe chở đi. Có đêm, chở một phụ nữ đi Thốt Nốt, tới gần bệnh viện thì chị ấy mất. Về bàn với gia đình đi vận động mua chiếc xe nhỏ chạy cũng được vài năm. Bà con thấy mình làm kết quả, góp tiền cho mua xe lớn hơn. Giờ đã mua được 2 xe cứu thương chuyên dùng. Lúc đầu có mình tôi với chiếc xe máy cà tàng, giờ lên tới cả đội xe cứu thương với đủ loại xe, hàng ngày len lỏi khắp nơi, nhận chở miễn phí cho người dân đi khám, cấp cứu lên tận Bệnh viện Cần Thơ và các bệnh viện tuyến trên ở TPHCM”.
Mỗi chuyến xe, ông Tác và những lái xe trong đội chứng kiến bao cảnh ngặt nghèo, sanh - tử, âu lo của những phận đời trong cơn tuyệt vọng. Nhưng mỗi tiếng cười pha lẫn nước mắt của người bệnh khi đã qua cơn tuyệt vọng, hay một bà mẹ nghèo được thấy con chào đời an toàn, chính là niềm vui và động lực cho ông gắn bó với công việc thiện nguyện cứu người.
Ông nói: “Dân nghèo đâu có đi khám định kỳ, tới ngày tới tháng mới đi bệnh viện sanh. Có trường hợp trễ, đẻ luôn trên xe. Tụi tui chạy tới bệnh viện la làng, người nhà và bác sĩ chạy tới kè vô bệnh viện. Mình phấn khởi, xem như đã giúp người được một việc ý nghĩa. Mấy ca sanh đẻ, tai nạn sắp chết, mình chở đi kịp thời, cứu chữa được, về thấy anh em trong đội phấn chấn lắm”…
Những chuyến xe đầy ắp tình người của các bác tài nghĩa tình trong những câu chuyện trên như một liều thuốc quý, tiếp thêm nghị lực, giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật, người nghèo có thêm hy vọng.
Đôi khi chỉ là giọt nước mắt rơi mừng khi vượt qua nghịch cảnh, chỉ là những cái bắt tay cảm ơn rối rít, hay là một cuộc điện thoại báo tin mọi thứ đã ổn, vài loại trái cây gửi lên từ tỉnh lẻ…, nhưng tất cả đủ để những chuyến xe nghĩa tình này tiếp tục lăn bánh khắp mọi miền, chở niềm tin và những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến những ai đang tuyệt vọng.