Hướng đến trẻ em vùng cao
Nhiều hội, nhóm thiện nguyện do bạn trẻ tự lập đang góp phần không nhỏ chia sẻ khó khăn với dân nghèo đang sinh sống ở những vùng xa, vùng sâu. Tên gọi của nhóm cũng chở đầy khát vọng chia sẻ, yêu thương, tiếp sức: Bụi kết nối, Người vận chuyển - Phượt thiện nguyện, Ánh sáng mang theo, Vòng tay thiện nguyện... Đối tượng chính các nhóm thiện nguyện hướng đến là các em nhỏ dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Tấm lòng của các bạn trẻ thể hiện qua những chuyến đi là tặng học bổng, tặng quà, tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người nghèo và tuyên truyền khuyến khích phụ huynh cho các em nhỏ được đến trường.
Chuẩn bị mùa tựu trường sắp đến, hầu hết các nhóm đang lên kế hoạch thực hiện các chương trình thiện nguyện tiếp sức học sinh nghèo đến trường. Để thực hiện được chương trình, các nhóm phân chia người đi tiền trạm, khảo sát địa bàn và xin giấy phép hoạt động của chính quyền địa phương. Trên mạng xã hội của các nhóm đã có thông báo kêu gọi tham gia chương trình, bán hàng online gây quỹ thực hiện. Ở một số nơi như công viên, đường phố, hình ảnh các bạn trẻ tổ chức bán các đồ tự làm (móc khóa, logo…), bán vé số, quần áo cũ, hoặc tổ chức các đêm ca nhạc từ thiện quyên góp gây quỹ ủng hộ chương trình cũng đang diễn ra. Nhóm Bụi kết nối đang tích cực kêu gọi lên kế hoạch chương trình tiếp sức mùa khai trường cho các em nhỏ vùng cao tại tỉnh Quảng Bình. Nhóm hiện có hơn 16.000 thành viên ở khắp tỉnh - thành của cả nước tham gia. Gần 2 năm thành lập, nhóm đã thực hiện được nhiều chương trình thiện nguyện cho các em nhỏ ở Bình Phước, Đắk Lắk, Tây Ninh, Lâm Đồng…
Nhóm Người vận chuyển - Phượt thiện nguyện đang quyên góp, vận động gây quỹ tổ chức chương trình vui đón Trung thu cho trẻ em vùng sâu vùng xa ở Masara, Tà Năng thuộc tỉnh Lâm Đồng vào ngày 14-8 âm lịch tới. Chủ đề chương trình lần này mang tên gọi “Vận chuyển yêu thương”. Cũng mới thành lập được 2 năm, nhóm đã tập hợp được 1.000 thành viên. Đều đặn mỗi năm, nhóm tổ chức 2 - 3 chương trình thiện nguyện cho các em nhỏ vùng khó khăn. “Mình sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo nên hiểu rõ được những khó khăn mà các em nhỏ, nhất là trẻ em miền núi phải trải qua, thiếu thốn về mọi mặt. Tham gia chuyến thiện nguyện lần này, mình muốn góp thêm sức trẻ để được đồng cảm và sẻ chia với các em nhỏ vùng quê còn nhiều khó khăn”, Thanh Thảo, một thành viên nhóm, chia sẻ.
Cơ hội để giao lưu
Có tham dự buổi offline của các nhóm trước chương trình thiện nguyện mới thấu hiểu được sức trẻ và niềm đam mê của họ. Họ trẻ nhưng không bồng bột trong từng suy nghĩ, họ trẻ nhưng luôn cố gắng làm những việc có ý nghĩa, nhất là trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em nghèo. Trước mỗi chương trình đều có các thành viên đi tiền trạm khảo sát, lắng nghe ở những nơi ấy các em cần gì, mong muốn của từng em ra sao. Rồi sau đó mới kêu gọi ủng hộ từng vật phẩm, quà tặng sao cho phù hợp với từng nơi. Phần lớn thành viên của các nhóm đều xuất thân từ những người đam mê du lịch bụi. Họ còn rất trẻ, đủ thành phần, có người đang là sinh viên, có người đã đi làm. Trên những cung đường đi qua, họ đều muốn cống hiến sức mình, không chỉ ghi lại hình ảnh bằng đôi mắt mà còn ghi lại bằng chính con tim của mỗi người. Với họ, đi không chỉ để trải nghiệm, mà còn là cơ hội để các bạn trẻ giao lưu với các nền văn hóa, xóa đi khoảng cách giữa các dân tộc với nhau.
Có thể nói, những hành động và việc làm nhân ái của giới trẻ ngày nay đang ngày càng được nhân rộng. Tuy vậy, phía trước họ còn rất nhiều thách thức và khó khăn, do hầu hết là những hội, nhóm tự thành lập, tự quản, chưa tự chủ được nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Tin rằng, bằng trái tim luôn rực lửa hồng, niềm đam mê thiện nguyện và yêu thương con người, chắc chắn họ sẽ vượt qua những khó khăn.