Nơi đó, có cụ già mắt nhòa lệ, bật khóc hưng hức khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của những người rất lạ. Họ mang theo triết lý sống “không ai trở nên nghèo túng vì cho đi tình yêu thương”.
Tôi biết anh qua nhiều chuyến thiện nguyện lặng lẽ trên trang Facebook cá nhân. Thật ra, anh muốn giới thiệu với tôi một người khác để viết bài, bởi anh ngại và không muốn lên mặt báo nói về những việc thầm lặng mình làm. Tôi khích lệ anh rằng, anh đừng ngại chia sẻ, vì việc tốt cần lan tỏa, biết đâu sau bài báo, nhiều hảo tâm đồng hành để đoàn có thêm kinh phí thực hiện nhiều chuyến đi ý nghĩa hơn.
Một ngày khi còn rất nhỏ, đứng trước một cánh đồng hoang vắng ở huyện Cần Đước, Long An, xa xa là những ngôi mộ lâu đời hoang phế, xung quanh cỏ dại mọc um tùm khiến anh Trà Văn Kính cảm thấy đời người thật ngắn ngủi, vạn sự vô thường và những phù vân của kiếp người… Càng trưởng thành, anh nhận ra nơi nào anh đóng góp, cho đi nhiều, là nơi ấy anh tìm thấy hạnh phúc. Từ đó, anh Kính đã tham gia nhiều nhóm từ thiện như: nhóm Bếp cơm từ thiện, quỹ Xây trường vùng cao, nhóm Thiện nguyện không tên, Ươm sách vùng cao…
Từ chục năm nay, âm thầm, bền bỉ và đều đặn, cứ 3 tháng một lần, anh Trà Văn Kính và các anh em trong các đoàn từ thiện có một chuyến thiện nguyện về vùng rừng núi xa xôi, khi thì lo mấy trăm phần cơm cho các bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, lúc đang ở Sơn La thăm khám bệnh cho các cụ già nghèo, khi phối hợp nhà sách đem tri thức đến cho các em ở bản làng, lúc lại cùng anh em quyên góp xây trường học. Đến nay đã có 20 ngôi trường mới được xây lên từ sự vận động, đóng góp của anh, anh em trong đoàn và các mạnh thường quân.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bếp ăn từ thiện của anh và mọi người cũng tạm ngưng để thực hiện an toàn phòng chống dịch. Nhưng trước đó, vào tháng 3 và tháng 4, mọi người đã kịp chuẩn bị hơn 1.500 phần cơm cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Anh Kính kể, lúc phát cơm từ thiện, anh nhớ có một bệnh nhân phải lết từ bệnh viện đến chỗ phát cơm. Anh đã ưu tiên phát trước cho trường hợp này. Hỏi ra mới biết bệnh nhân này vô thuốc mấy đợt đã không còn tiền để ở, sống lay lắt, vạ vật ở hành lang bệnh viện. Có đoàn từ thiện nào đến, ông cũng đều lết tới xin giúp đỡ, nhận phần cơm, nước miễn phí. Thấy thương quá, anh Kính và anh em trong đoàn đã bỏ thêm tiền túi ra giúp đỡ ông.
Từ thiện nơi núi rừng hiểm trở
Có lẽ không thể kể hết các chuyến thiện nguyện đầy gian khổ và khó khăn bởi đường núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt mà anh Kính và các anh em trong đoàn đã trải qua trong suốt ngần ấy năm qua. Đặc biệt là những chuyến đi đến bản làng ở tỉnh Sơn La - nơi có nhiều đồng bào dân tộc Mường, Thái sống tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Trước khi đến đây, đoàn từ thiện của anh Trà Văn Kính đã liên hệ với bộ đội biên phòng, nhờ các anh hướng dẫn đường sá, hỗ trợ đưa hàng đến nơi cứu trợ. Lúc nào cũng vậy, đoàn luôn dừng chân ngủ qua đêm ở chốt của bộ đội biên phòng. Đến nơi này mới thấy hết những cơ cực và khó khăn của các anh “gác cửa, gác rừng”. Nơi biên giới này, ngoài cái heo hút, rậm rạp, khi thì nắng nóng như thiêu như đốt, lúc lạnh lẽo âm u, điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chưa kể tình hình dịch đang phức tạp, bộ đội biên phòng phải tăng cường tuần tra, canh gác ở các bìa rừng. Đôi lúc, các anh chỉ đem theo được một tấm bạt trải xuống đất nằm ngủ giữa rừng, có khi nằm đại trên lá khô, trú dưới tán cây để trải qua giấc ngủ đêm nhiều bất trắc. Điều các anh cần là những chiếc võng để có thể qua đêm giữa rừng. Do đó mới đây, nhóm Thiện nguyện Sài Gòn của anh Kính đã vận động các nhà hảo tâm gửi tặng anh em Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La 15 võng xếp, trị giá gần 10 triệu đồng.
Còn nhớ tháng 6-2020, đoàn đến bản Phá Thóng của tộc người Thái, Mường tại huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La. Người dân tộc thiểu số sống trong rừng sâu heo hút, đi chân đất, áo quần thiếu trước hụt sau, vá chằng vá đụp. Đoàn từ thiện bay từ TPHCM ra Hà Nội, mang theo 4.000 bánh trung thu, sau đó đi bằng xe chuyên dụng mất hơn 3 giờ, có đoạn phải bỏ xe băng rừng, lội suối hơn 25km vượt qua những cung đường hiểm trở mới đến được bản Phá Thóng.
Những căn nhà gỗ đơn sơ, rải rác trên triền núi, bên dưới là nơi ở của heo, bò, gà, vịt. Điều làm ấm lòng mọi người là nụ cười nghẹn ngào, xúc động của các cụ già khi được đoàn từ thiện đến thăm và tặng bánh. Nơi đây, từ già tới trẻ đều bảo, trong cuộc đời mình chưa từng biết đến bánh trung thu và lồng đèn. Ăn miếng bánh trong đêm đen, thắp lồng đen, đáy mắt họ ánh lên niềm vui rất lạ - đó là sự biết ơn. Dịp tết vừa qua, đoàn cũng đã trở lại, mang theo 900 phần quà tặng bà con ở bản Phá Thóng này.
Trong những lần đi từ thiện, anh Kính không thể quên hình ảnh một cụ bà. Bà đã 83 tuổi, lưng còng sát đất, mắt đục mờ, sống một mình không con cái. Khi nghe tin có đoàn từ thiện đến khám bệnh, phát thuốc, tặng quà miễn phí, bà có mặt từ rất sớm, đứng xếp trong hàng dài những người nghèo. Anh Kính ưu tiên đưa bà vào trước, vệ sinh tay chân để bác sĩ khám và phát thuốc. Bà sống cô độc lâu quá, không ai săn sóc, thấy được sự quan tâm của mọi người dành cho mình nên đã khóc nấc thành tiếng. Đó là tiếng khóc mà mãi đến giờ, khi nhớ lại, mắt anh Kính còn cay.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống và phải sống sao cho thật ý nghĩa. Riêng anh Trà Văn Kính đã chọn công tác thiện nguyện làm niềm vui. “Đi để lấp đầy những chông chênh vấp ngã, để giữ lại ký ức vẹn tròn của lứa tuổi đẹp nhất đời người. Ngày ấy, ta, bạn và thanh xuân rực rỡ đã cùng nhau bước qua bao nhiêu triền dốc, lạc bước đến những nẻo đường xa xôi. Để sau này, ta lại ngồi bên nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm ở miền đất lạ, để thấy tụi mình không nợ thanh xuân những chuyến đi dài…”, anh Kính nói.