Những chung cư ẩn mình… chờ sập

10 năm trước, TP Hồ Chí Minh có khoảng 18 chung cư, nhà cao tầng, khu tập thể (CC) cần phải tháo dỡ vì xuống cấp và cũ nát. Còn bây giờ, đi khắp các quận có nhiều CC như Bình Thạnh, quận 10, quận 5… theo thống kê chưa đầy đủ, không dưới 50 CC sắp sập. Có người nói đùa: “Dân Việt Nam gan lì thiệt vì dám ở đến khi nào CC… sập mới chịu di dời”.
Những chung cư ẩn mình… chờ sập

10 năm trước, TP Hồ Chí Minh có khoảng 18 chung cư, nhà cao tầng, khu tập thể (CC) cần phải tháo dỡ vì xuống cấp và cũ nát. Còn bây giờ, đi khắp các quận có nhiều CC như Bình Thạnh, quận 10, quận 5… theo thống kê chưa đầy đủ, không dưới 50 CC sắp sập. Có người nói đùa: “Dân Việt Nam gan lì thiệt vì dám ở đến khi nào CC… sập mới chịu di dời”.

  • Ai “gan lì” nhất?
Những chung cư ẩn mình… chờ sập ảnh 1
Hai dãy nhà của lô VI cư xá Thanh Đa bị lún, nghiêng thành hình chữ A.

Có lẽ gan lì nhất là dân quận 10, nơi có trên 100 CC cũ nát được xây dựng trước 1975 với 6.000 căn hộ phần lớn chủ sử dụng là dân lao động. Được xây cất từ năm 1968 làm các khu tạm cư, hiện nay cụm CC Nguyễn Kim, Ngô Gia Tự… đã “hết đát” sử dụng. Tháng 4-2003, do nước mưa chảy ngầm xoáy vào các chân cột, phần đầu hồi của lô D (CC Ngô Gia Tự) bị sụp đổ. Trước sự nguy hiểm đến tính mạng hàng trăm người, đích thân một Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã xuống tận hiện trường chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực và tháo dỡ khối bê tông, sắt thép này.

Trước đó, tại lô R (CC Nguyễn Kim), bị sụp một mảng hành lang, bà con tá hỏa “giành”, xung phong đi đến nơi ở mới! Biết rất rõ nguy cơ sập CC thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, tình hình tháo dỡ CC cũ, di dời, tái định cư vẫn chuyển biến không mạnh. Tại lô S (CC Nguyễn Kim), chúng tôi nhận thấy gần 100% các mảng tường bị hư hỏng, khu vực vệ sinh, bếp của các hộ gần như không sử dụng được nữa, các chân cột thép chịu lực của CC đều sét gãy, có chân cột bị đứt ngang, người dân phải dùng bệ xi măng đỡ lên, xây trám lại (lô K), gầm cầu thang phải “vá víu” bằng những vỉ lưới sắt.

Các đường ống thoát nước từ trên cao bị rò rỉ lâu ngày thấm sâu làm mủn tường tạo ra một thứ bột nhầy. Gần đó, lô Q cũng được các đơn vị thẩm định cho biết như sau: chất lượng tường phòng ở chỉ còn dưới 31,29%; lan can 0%; cột, dầm, sàn dưới 50%. Kinh hoàng hơn, nhiều hộ còn chống trần sắp sập bằng các tấm ván, cây gỗ… Nhiều người nói vui “dân Việt Nam ở đây gan thiệt, chờ sập mới chịu dời đi!”. Mà quả vậy, ở quận 10 hiện nay có 10 CC có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, trong đó các lô L, M, N, O, P, K thuộc CC Nguyễn Kim chất lượng chỉ còn dưới 46,1%. Tính mạng người dân bị đe dọa từng ngày!

Khu CC Soái Kình Lâm có 5 dãy nhà theo thứ tự A, B, C, D, E với tổng diện tích 4.829m2 tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo-Phùng Hưng-Nguyễn Trãi gồm trên 53 căn hộ, 1 nhà hàng và các kho chứa vải. Khảo sát của Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn (KĐXDSG) cho thấy toàn bộ gạch xây và vữa trát tường đã bị lão hóa. Kết cấu của bê tông cốt thép ở cột, dầm, sàn… đã bị ăn mòn, lớp bê tông bị bong ra lòi lõi thép, các cốt thép chịu lực đã bị đứt ngang.

Hiện nay, khu cầu thang CC này đã bị biến dạng, các dầm sàn đều bị võng, cầu thang bị… cong vượt quá giới hạn an toàn. Tại khu vực giếng trời thông gió, các dầm được người dân chống đỡ tạm thời bị thấm, mục nặng nề. Để đảm bảo an toàn tính mạng bà con, chính quyền quận 5 phải di dời một số hộ dân. Và trong phần kết luận sau khi kiểm định chất lượng cách đây… 5 năm, Công ty KĐXDSG đã kiến nghị phải phá bỏ toàn bộ CC Soái Kình Lâm.

Cũng trong quận 5, CC số 1015 Trần Hưng Đạo với quy mô 1 trệt, 1 lửng, 5 lầu được xây dựng cách đây gần 50 năm đã đến hồi… sắp sập. Chất lượng CC này chỉ còn dưới 50%. Các nhà kỹ thuật đã chỉ ra nguy cơ sập CC này ở chỗ: bê tông nứt vỡ, cốt sắt bị gỉ sét và đứt ngang, hệ thống cột bị thấm ẩm, hành lang có số dầm hư hỏng trên 51,35%.

  • Vì đâu nên nỗi?
Những chung cư ẩn mình… chờ sập ảnh 2
Chất lượng lô S chung cư Nguyễn Kim chỉ còn dưới 50%. Ảnh: M.A.

Tại cư xá Thanh Đa gồm 22 lô, xây dựng đã trên 30 năm, người dân vẫn “hồn nhiên” cho rằng cư xá của bà con còn rất “xịn”, có thể ở tiếp vài chục năm nữa, tuy chỉ bị lún và nghiêng “tí xíu” (!). Tuy nhiên, sự việc lại khá nghiêm trọng, theo như Công ty KĐXDSG nhận định về hai lô IV và VI: “Lệch nghiêng theo phương đứng và võng nghiêng theo phương ngang vượt quá giới hạn cho phép sử dụng. Mức độ nghiêng từ 254-645 mm so với mặt đất”.

Kinh phí khôi phục, chống nghiêng, lún cho hai lô CC trên là rất lớn, có thể ngang bằng với xây dựng mới, vì vậy Công ty KĐXDSG đã kiến nghị phá bỏ hai lô CC này nhưng gặp phải phản ứng dữ dội của người dân. Để thật sự khách quan, một đơn vị kiểm định khác là Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Nam- Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã kiểm định tình trạng nghiêng lún và đề xuất phương án xử lý trong vòng 45 ngày nhưng cho đến nay đã gần 1 năm trôi qua vẫn… chưa có kết quả!

Với tình hình mỗi căn hộ sử dụng một bình chứa nước vài trăm lít cùng một hàng rào chống trộm phía trước nhà, rồi hàng hà sa số vật dụng, lượng người tăng từng năm… đã làm tải trọng tăng đáng kể bất chấp “tuổi thọ” của cư xá đang giảm từng ngày.

Ở các dãy nhà A, B, D, E (CC Soái Kình Lâm) gồm 43 căn hộ thì tất cả đều đã được “cải tạo” xây thêm gác lửng bằng gỗ hay bê tông. Riêng dãy nhà C có mặt tiền đường Trần Hưng Đạo B thì phần lầu 2, 3 và sân thượng của dãy nhà này được dùng làm phòng ăn và bếp cho nhà hàng Soái Kình Lâm. Phần kết cấu chịu lực ở giếng trời, bếp, nhà vệ sinh của các hộ, hành lang và cầu thang sở dĩ bị hư hỏng là do cốt thép bên trong bị ăn mòn do thấm nước và dột gây ra…

Các đường ống thoát nước mưa và nước thải của các căn hộ đều rò rỉ hoặc tắc nghẽn do đó sàn tường lúc nào cũng bị thẩm thấu. Bên cạnh đó, các phần cầu thang, bếp, hành lang… bị bong tróc bê tông nhưng không ai trát lại cũng dẫn đến dột thấm gây xuống cấp. Còn nguyên nhân chính yếu gây võng, lún sụt được xác định là việc cơi nới xây dựng thêm, tạo ra tải trọng cho CC… Suy cho cùng, do không có chế độ duy tu, bảo trì về mặt kết cấu lẫn kiến trúc, cộng với đà gia tăng nhân khẩu mỗi hộ, ý thức kém cỏi của người dân đã đưa chính CC của họ vào ngõ cụt.

  • Bài toán tái định cư

Theo quyết định của UBND TPHCM, khu đất 4.829 m2 tại phường 14, quận 5 (CC Soái Kình Lâm) sẽ được giao cho Công ty Quản lý-Phát triển nhà quận 5 để đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và UBND quận sẽ tổ chức tái định cư tại chỗ cho người dân. Ngoài việc được ưu tiên lựa chọn căn hộ sau này, các hộ dân hiện đang kinh doanh ở CC trên còn được ưu tiên đăng ký kinh doanh trong Trung tâm thương mại sau này. Với giá đền bù khá cao theo thị trường, lại được mua nhà theo giá tái định cư, xem ra người dân nơi đây cũng đã ổn định tư tưởng. Riêng với CC 1015 Trần Hưng Đạo, các hộ dân được tái định cư tại CC số 44 Nguyễn Biểu nên cuộc sống cũng không xáo trộn nhiều.

Hiện quận 10 đang gấp rút xây dựng 853 căn hộ cho việc tái định cư. Trong số vài trăm hộ dân sống trên các CC chờ sập của quận đã di dời, chưa có ai thắc mắc khiếu nại về chế độ, chính sách. Ông Phạm Văn Thạch (Công ty Quản lý - Phát triển nhà quận 10) giải thích: “Tái định cư trong địa bàn quận, mua được nhà với giá rẻ hơn giá đền bù nhà cũ, hơn nữa diện tích lại tăng từ 36m2 lên trên 50m2/hộ, ai mà chẳng thích.

Chỉ có điều hạ tầng còn yếu quá, như tại CC Lê Thị Riêng, đêm nào chúng tôi cũng phải chở nước tới cho bà con dùng vì chưa có nước xài. Trong tháng 8 này, quận cũng sẽ di dời tiếp 240 hộ dân nữa, bà con cũng khá đồng tình. Thành phố đã đồng ý cho tháo dỡ hai lô Q, S (CC Nguyễn Kim) rồi”. Riêng với các CC ở Thanh Đa, một lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết còn chờ kết quả kiểm định nên khó nói trước được điều gì.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này tỏ ra rất lo ngại cho tính mạng của 140 hộ dân sống trên 2 lô CC IV và VI và đang chờ chỉ đạo của TPHCM. Riêng phần tạm cư - nếu có - sẽ trợ giúp tiền cho người dân và phân công các phường lo chỗ thuê tạm cư trong khi chờ tái định cư tại nơi cũ. Mới đây, như SGGP đã đưa tin, 30.000 căn hộ tái định cư sẽ được TPHCM gấp rút cho xây dựng với nhiều ưu đãi, hy vọng nguồn nhà trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân đang sống trong các CC… chờ sập.

Tuy nhiên để tránh lặp lại vết xe cũ về tình trạng “cha chung” ở các CC dẫn đến sự xuống cấp ở các CC tương lai, rất cần thiết phải có thêm một “quy chế quản lý, sử dụng, bảo quản… nhà ở CC” của riêng TPHCM (theo tinh thần chung của Bộ Xây dựng) quy định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý của các đơn vị (hoặc địa phương), chế tài cho từng hành vi vi phạm quy chế, kể cả chế độ, nguồn tài chính dành cho những người làm công tác này!
 

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục