Sự kiện Net Zero Challenge 2024 do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp cùng các đối tác tổ chức, đã khai mạc ngày 16-7 có quy mô lớn hơn lần đầu hồi năm năm 2023, nhằm tìm kiếm các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu với mục tiêu triển khai thí điểm tại Việt Nam; trong đó tập trung nhiều hơn về chất lượng và thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án, khởi nghiệp xanh của thành phố. Những gì thể hiện ở sự kiện lần 1, ở cả 3 hạng mục tranh tài công nghệ đi cùng các ý tưởng xanh, giải pháp xanh, tăng trưởng xanh đã cho thấy xu hướng xanh thật sự dịch chuyển thành “phản xạ có điều kiện” trong lựa chọn đề tài, gắn sát với nhu cầu thực tế đời sống.
Nhìn lại 3 giải pháp chiến thắng trong năm 2023, gồm Hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát (Alterno - Việt Nam), Xét nghiệm nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh ở tôm (Forte Biotech - Singapore/Việt Nam), Vật liệu thay thế nhựa làm từ thải sinh học với chi phí cạnh tranh (AirX Carbon - Việt Nam) trên bộ khung 3 hạng mục của nhà tổ chức, thì sự có mặt của các “anh tài” đến từ Mỹ, Anh, Ấn Độ, Singapore, Malaysia… bên cạnh chủ nhà Việt Nam đã chứng thực tốc độ xanh hóa trong công nghệ - kinh tế năng lượng toàn cầu.
Trong khi đó, trước áp lực lượng rác thải sinh hoạt đã lên tới 9.800 tấn/ngày của một đô thị 13 triệu dân như TPHCM, cùng mục tiêu “đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới 2030 đạt 100%” đặt ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, sự ra đời của nhà máy điện đốt rác là “đáp số” cho nỗ lực lớn của chính quyền thành phố khi tháo gỡ thành công các điểm nghẽn về cơ chế để buộc cơ chế bắt kịp yêu cầu từ thực tế.
Sau bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) có hiệu lực và trước cả bản Quy hoạch TPHCM được trung ương phê duyệt, UBND TPHCM đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải trên địa bàn thành phố, tích cực tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Quyết tâm đi cùng hành động “khó đâu gỡ đấy” của chính quyền là thước đo tin cậy cho nhà đầu tư, với trách nhiệm xã hội, tầm nhìn xa đã có được những thành quả bước đầu. Và cụ thể vào ngày 5-7-2024, Sở Xây dựng TPHCM chính thức cấp giấy phép xây dựng cho Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện có công suất giai đoạn 1 là 2.000 tấn/ngày đêm, có thể tiếp tục nâng công suất giai đoạn 2 lên 6.000 tấn/ngày đêm. Với thực tế Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng vẫn chưa thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn nên nhà đầu tư đã chấp nhận chọn công nghệ đốt kiểu ghi nhiều tầng, có khả năng đốt cháy hiệu quả rác thải chưa phân loại, chưa tiền xử lý. Điều này cùng lúc thực hiện hiệu quả chức năng kép: giải quyết bài toán rác thải và phát triển năng lượng tái tạo.
Đó là 2 “chứng chỉ xanh” của TPHCM trong tháng 7. Và thêm một “chứng chỉ xanh” mang đậm dấu ấn thành phố đó chính là bắt tay triển khai chương trình hành động “Vì một Cần Giờ xanh” làm mô hình phát triển xanh cho thành phố. Hàng loạt đề án cụ thể như phương án điện mặt trời áp mái; quản lý, bảo vệ rừng gắn với tín chỉ carbon; chương trình truyền thông và nâng cao hình ảnh Cần Giờ Xanh; các đề án giao thông xanh, du lịch sinh thái bền vững, làng xanh và quy hoạch lại các khu dân cư, các loại hình thương mại - dịch vụ biển theo hướng định hướng biển xanh…, cùng sự khẳng định “Thành phố cam kết đồng hành với những hoạt động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu Cần Giờ xanh” như phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đang góp phần “vừa phát triển Cần Giờ, vừa bảo tồn được những giá trị sinh thái rừng ngập mặn”.
Với những hành động cụ thể, tạo dựng nhiều “chứng chỉ xanh” mang đậm dấu ấn, TPHCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, bền vững như mục tiêu đã đề ra.