Những chỗ dựa mong manh

Người ta vẫn quen với câu chuyện cha mẹ là chỗ dựa của con cái, nhất là khi con còn nhỏ. Thế nhưng trong cuộc sống có đôi khi những đứa con thơ lại trở thành chỗ dựa tinh thần cho người lớn. Chỉ có điều, những chỗ dựa đó lại quá mong manh.
Cuộc sống đầy những biến động nhắc chúng ta hãy luôn quý trọng những giây phút sum vầy hạnh phúc bên nhau. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cuộc sống đầy những biến động nhắc chúng ta hãy luôn quý trọng những giây phút sum vầy hạnh phúc bên nhau. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khi con là tất cả

Chị Thùy Trang từng có một gia đình hạnh phúc. Chồng chăm chỉ làm lụng, yêu thương vợ con, con gái M.A. ngoan hiền, hiếu thảo. Thế rồi đại dịch Covid-19 ập đến cướp đi người chồng, người cha của gia đình bé nhỏ đó. Vượt qua nỗi đau, chị quyết tâm dành toàn bộ tình yêu thương cho con, quyết chăm sóc con gái nên người.

Ấy thế nhưng, sự quyết tâm đó lại dần trượt dài thành một sự cực đoan khi trong mắt chị, con là tất cả, con làm gì cũng đúng, cứ có chuyện gì liên quan đến con từ trường học đến cuộc sống là chị đều nhất nhất bênh vực, che chở cho con. M.A. năm nay vừa tròn 14 tuổi, cái tuổi ẩm ương với những biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Thấy việc gì cũng có mẹ đứng sau che chắn, M.A. dần trở nên ngỗ nghịch, không kiêng dè chuyện gì. Trong lớp, cô bé sẵn sàng gây gổ với bạn bè, cãi lại thầy cô bất kể đúng, sai.

Thậm chí, bị thầy giám thị phạt, cô bé làm mình làm mẩy, chạy lên gặp hiệu trưởng để phản đối. Đến khi kiểm tra camera đúng là cô bé sai thì cô bẻ câu chuyện thành thầy giám thị “trù dập” mình. Và dĩ nhiên, khi chị Trang lên trường, như mọi khi, chị đều khẳng định con mình đúng, rằng thầy giám thị “thiếu thiện cảm” với con chị.

Ở trường, ai cũng biết hoàn cảnh của chị nên thầy cô giáo dù rất mỏi mệt với sự ngỗ nghịch của M.A., cũng đành mắt nhắm mắt mở cho qua. Cứ như thế, M.A. ngày càng được nước lấn tới cho đến khi em phạm phải sự cố nghiêm trọng. Một phụ huynh phát hiện trong cặp của con trai mình vape (thuốc lá điện tử) và trước sự truy vấn của cha, cậu khai M.A. chính là người bán thuốc cho cậu.

Sự việc vỡ lở, té ra M.A. đã nhận tinh dầu, phụ kiện vape từ một số người ngoài trường để bán cho các bạn. Hội phụ huynh của lớp và sau đó cả hội phụ huynh của trường đã phản ứng mạnh mẽ, yêu cầu nhà trường có biện pháp xử lý trường hợp này. Đến nước này, chị Trang cũng chẳng thể làm gì và điều tốt nhất mà nhà trường có thể làm là đề nghị để M.A. học hết năm học vì nếu nghỉ giữa chừng sẽ rất khó xin học nơi khác.

Chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em Quỳnh Hoa trong một buổi giao lưu ra mắt sách về giáo dục trẻ có kể một trường hợp chị gặp phải. Một cặp vợ chồng ly hôn do người chồng có nhân tình. Người vợ được quyền nuôi con và chị đã dồn hết tình cảm vào cậu con trai mới 8 tuổi với mục tiêu “dạy cho con thành người tốt hơn cha nó” và chứng minh “không có người chồng phụ bạc thì chị vẫn nuôi con nên người”.

Và tầng tầng mục tiêu đó dồn hết lên người cậu bé vốn vẫn chưa qua cú sốc cha mẹ chia tay. Không chỉ bắt con học đủ mọi thứ mà theo chị “giúp thành người xuất sắc”, chị còn biến con thành hình mẫu đứa trẻ hạnh phúc, tài giỏi trên trang cá nhân Facebook của mình.

Ông bà ngoại của bé phát hiện ra, tìm mọi cách khuyên can nhưng chị quyết không nghe. Hè vừa rồi, ông bà phải tìm cách đưa cháu về nuôi để cháu có dịp nghỉ ngơi và khuyên con gái thả lỏng một thời gian. Tâm sự với chuyên viên tâm lý, ông ngoại bé than thở cũng chỉ mong con gái dần bình tâm trở lại chứ nếu cứ như vậy, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Hạnh phúc từ sự cân bằng

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em Quỳnh Hoa, một biến cố gia đình dù chủ quan hay khách quan cũng sẽ tác động tiêu cực lên những người trong gia đình. Và sau biến cố đó, rất dễ xảy ra những biến đổi tâm lý của các cá nhân. Các biến đổi tâm lý này thường mang tính cực đoan, như tức giận vì sự phản bội của người kia mà trút giận lên đầu con cái hay ngược lại, xây dựng một thế giới ảo đầy màu hồng xung quanh con cái để cho người kia thấy không có họ, mình vẫn hạnh phúc. Hay như trường hợp chị Trang, hụt hẫng khi mất đi người chồng đã khiến chị biến con trở thành chỗ dựa tinh thần cho mình và dồn hết tâm sức để bảo vệ chỗ dựa đó mà bất chấp tất cả.

Thực tế, các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, việc biến đổi tâm lý sau các cú sốc trong đời sống là một hành vi bình thường của con người. Cũng theo đó, chuyện các bậc phụ huynh có những ứng xử khác đi với con cái sau biến cố cũng không phải là điều không thể chấp nhận, thậm chí là cần thiết trong bối cảnh cuộc sống có sự thay đổi.

Thế nhưng, để gìn giữ hạnh phúc, nhất là đối với con trẻ, cần có một sự cân bằng trong cuộc sống. Bé sẽ cần yêu thương nhiều hơn khi thiếu hụt đi một người yêu thương mình, nhưng không phải vì thế mà người lớn thương con một cách mù quáng.

Dù con có thể là điểm tựa tinh thần cho cha mẹ, dù tình yêu cho con có thể trở nên mạnh mẽ hơn thế nào đi nữa sau những chuyện vui buồn, nhưng với con trẻ, bên cạnh tình yêu luôn cần có sự nâng đỡ, dìu dắt, dạy dỗ để con có thể vững bước trong hành trình cuộc sống sau này.

Tin cùng chuyên mục