Theo dấu chân những người anh hùng

Những chiến sĩ mặc áo blouse

Dùng kim may quần áo để khâu ruột, dùng cọng đu đủ để mở khí quản hay truyền nước dừa tươi thay nước biển... là chuyện bình thường khi cứu chữa thương bệnh binh trong những năm tháng chiến tranh.
Những chiến sĩ mặc áo blouse

Dùng kim may quần áo để khâu ruột, dùng cọng đu đủ để mở khí quản hay truyền nước dừa tươi thay nước biển... là chuyện bình thường khi cứu chữa thương bệnh binh trong những năm tháng chiến tranh.

Y cụ, thuốc men thô sơ, thiếu thốn như thế nhưng những y bác sĩ của lực lượng Quân dân y Sài Gòn - Gia Định vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi đã gặp bà Lê Thị Vân (tức Sáu Vân), nguyên Trưởng Đội thu dung cấp cứu, Quân dân y Sài Gòn - Gia Định (T4) để cùng bà sống lại những năm tháng hào hùng ấy nhân dịp đơn vị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vượt khó

Ngày ấy, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn khi hoạt động ở những vùng bị địch chiếm. Phần lớn trong số chúng tôi hoạt động công khai, ban ngày vẫn sống và làm việc bình thường, đến khi đi cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh, chúng tôi mới “hóa thân” trở thành y bác sĩ… đạp xe lọc cọc đến thăm người bệnh.

Những chiến sĩ mặc áo blouse ảnh 1

Ngày ấy, chúng tôi đóng quân tại Củ Chi đất thép, nơi vòng kìm kẹp của Mỹ - ngụy cứ siết chặt từng ngày. Trên trời, máy bay địch liên tục quần thảo, dưới đất chúng bố ráp. Vì thế, anh em thương bệnh binh được chúng tôi bố trí về ở nhà dân để dưỡng thương. Người dân Củ Chi rất nhiệt tình, đón anh em thương bệnh binh về chăm sóc như con em mình. Phần lớn anh em là bộ đội chủ lực từ ngoài Bắc vào, vì thế lại càng được đồng bào Nam bộ che chở, đùm bọc.

Hàng ngày, anh em bác sĩ nhiều người ở cứ, còn chị em chúng tôi công tác trong đội thu dung cấp cứu lại hoạt động công khai. Ban ngày, chúng tôi là những cô thôn nữ, tay chân lấm lem bùn đất nhưng đêm xuống hoặc khi cần là chúng tôi lại đến chăm sóc các anh. Thời điểm đó (những năm từ 1965-1970), y cụ và thuốc men của ta còn thiếu nhiều. Nhưng không hề gì.

Dao mổ được chúng tôi mài từ lưỡi cưa sắc nhọn. Mỏ vịt trong sản khoa được làm từ vỏ sắt của máy bay loại không gỉ. Băng gạc dùng rồi được giặt cho sạch máu rồi cho vào nồi cùng với xà phòng cục, đun sôi. Sau đó, băng gạc được xả sạch nhiều lần, hấp chín rồi sử dụng lại. Tranh thủ lúc giặt quần áo, chúng tôi phơi lẫn băng gạc để che mắt địch. Nhiều người không biết, nhìn sợi dây dịch truyền màu đen cứ tưởng là “model mới”. Mấy sợi dây này, chị em chúng tôi dùng nước cất súc rửa, hấp rồi dùng đi dùng lại đến cả trăm lần.

Phòng mổ. Nói cho oai chứ thực chất là chúng tôi mổ cho anh em thương binh ngay dưới hầm của nhà dân. Đèn mổ lấy từ ô tô của địch, ta cải tiến gắn thêm ắc-quy; rèm, khăn phủ để mổ là những mảnh dù phát sáng mà địch thả trắng Củ Chi mỗi đêm bố ráp… Còn nữa, nước biển, loại thuốc quý giá mà anh em thương binh mất nhiều máu vẫn được truyền hàng đêm chính là những trái dừa được hái trực tiếp trên cây, để vào bọc ni lông treo lên cao, dùng ống truyền cắm vào để tiếp sức…

Có một lần, chúng tôi đỡ đẻ cho một chị cán bộ tên Tư Sang ngay tại xã Đồng Lớn, Củ Chi. Dụng cụ, thuốc men thiếu thốn mà đây lại là một ca đẻ khó. Tôi liền đi nhờ xe bò lên Trảng Bàng (Tây Ninh) tìm gặp bác sĩ Võ Hoàng Lê. Anh cùng tôi phải nấp trên chuyến xe chở đầy đậu phộng để về lại Củ Chi nhằm che mắt địch. Không thể đỡ đẻ bình thường, anh em quyết định mổ đẻ.

Y bác sĩ thuộc Quân dân y Sài Gòn - Gia Định thực hiện ca mổ dưới hầm (Củ Chi, 1972).
Y bác sĩ thuộc Quân dân y Sài Gòn - Gia Định thực hiện ca mổ dưới hầm (Củ Chi, 1972).

Khi đứa trẻ ra đời, không thấy nó động đậy, người tím tái dần. Sau khi hà hơi không thấy có kết quả, tôi dựng bé dậy, vỗ thật mạnh vào mông bé mấy cái liền. Chợt bé bật khóc. Tiếng khóc chào đời ấy làm cả ca mổ thở phào nhẹ nhõm. Trong khó khăn gian khổ, cận kề cái chết, sự sống của cháu bé như một liều thuốc mạnh có tính động viên lớn với anh em chúng tôi.

Hy sinh

Tính đến ngày 30-4-1975, ngành quân dân y Sài Gòn – Gia Định đã phục vụ cứu chữa thương bệnh binh trong 11.976 trận đánh lớn nhỏ và các chiến dịch; bắn rơi và cháy nhiều máy bay, xe tăng; huấn luyện đào tạo trên 200 khóa y tá, dược tá, y sĩ phục vụ chiến trường. Trong khi làm nhiệm vụ, đã có gần 3.000 CBCNV của lực lượng quân y hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

Ngày 23-4-2005, tại ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Sở Y tế TPHCM và Ban Liên lạc truyền thống kháng chiến khối Quân dân y Sài Gòn - Gia Định đã làm lễ cắt băng khánh thành Đài Tưởng niệm các liệt sĩ Quân dân y Sài Gòn - Gia Định và tượng cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đã là chiến sĩ, đã tham gia cuộc chiến, ai cũng lường trước được những khó khăn gian khổ và cả sự hy sinh. Tôi làm sao quên được những đồng đội đã ngã xuống trong những năm tháng ấy. Đó là Chiến - một cậu thanh niên tràn đầy nhựa sống - khi tải gạo qua sông Sài Gòn để nuôi thương bệnh binh, bị địch bắn chết. Đó là chị Hằng, một nữ bác sĩ đã mãi mãi nằm xuống ở xã Đồng Lớn sau một trận càn… Tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người bạn gái ấy. Chị ngoài 20 tuổi, mới lấy chồng được vài tháng. Chồng chị cũng là một bác sĩ trong đơn vị. Trong một lần đi thăm bệnh, trên đường trở về cứ, chị bị vướng phải một trận càn của địch. Dù đã ẩn nấp dưới hầm nhưng chị vẫn bị địch phát hiện. Chúng thuyết phục “nữ việt cộng” ra hàng nhưng chị kiên quyết trụ vững. Với khẩu cạc bin bên người, chị đã đội tung nắp hầm, dùng lựu đạn chết chung với giặc…

Có một lần, tôi bị thương ở bụng phải nhờ đến anh em đồng đội cứu chữa. Vết thương nặng và khi tiến hành mổ, tôi lại bị sốc, ngưng thở. Sau này, khi tỉnh lại, tôi được anh em kể lại rằng, cứ tưởng thần chết đã gõ cửa nhưng nhờ bàn tay tài ba của bác sĩ, chỉ với một bộ đồ tiểu phẫu cũ kỹ, tôi đã sống lại.

Lúc đó, trong đơn vị có anh Cừ - chuyên lo việc hậu sự khi anh em thương binh bị nặng, không qua khỏi. Mọi người bảo vui: “Sáu Vân may là giao vào tay bác sĩ giỏi. Nếu bác sĩ mình không giỏi thì đã có… bác sĩ Cừ lo”. Tếu táo là vậy nhưng mỗi lần nghĩ lại, tôi lại thầm cảm ơn những đồng nghiệp của mình đã giúp tôi và nhiều đồng chí, đồng đội khác được sống, hoàn thành nhiệm vụ của một người lính trước đất nước, non sông.

Do gắn bó trong lúc hiểm nguy nên tình cảm của anh em thương binh và y bác sĩ rất tốt. Lúc bấy giờ, cuộc sống khó khăn dữ lắm. Có được chén cháo, ống phi-la-tốp (một loại thuốc bổ), cục đường phèn bồi bổ là tốt lắm rồi. Những bữa cơm dưới hầm, khi trên đầu là địch bố ráp, chung quanh là muỗi mòng bay vù vù, chúng tôi hạnh phúc khi nhìn anh em thương binh húp từng muỗng cháo ngon lành, ngậm từng cục đường phèn cho lại sức. Lúc đó, chúng tôi chỉ toàn ăn cơm độn khoai, sắn nhưng vẫn bền chí, kiên gan…

Có một kỷ niệm vui. Gần chỗ chúng tôi ở có một lò nấu đường. Một lần, tôi thủ một mớ đậu phộng rang sẵn, ghé vào lò đường. Nhà chủ vừa múc hết đường trong chảo ra còn sót dưới đáy một chút, tôi xin phép… đổ ngay chỗ đậu phộng rang vào, đảo nhanh tay và múc ra chén. Món kẹo đậu phộng được anh em thương binh nhâm nhi bên ca nước trà vào mỗi buổi tối chính là từ “nỗ lực” của anh em quân y chúng tôi.

Trong những năm tháng chiến tranh, hoạt động ngay vùng tạm chiếm, nếu không có sự đùm bọc, chở che của người dân, có lẽ anh em quân y cũng khó hoàn thành nhiệm vụ.

Có một sự hy sinh mà tôi không thể quên. Lần về công tác tại xã Mỹ Hạnh, quận Đức Hòa (tỉnh Long An), một tổ quân y đến nhà một cơ sở của ta là bác Năm để ngủ qua đêm. Bất ngờ, bọn địch ập tới kiểm tra, bác Năm đẩy vội cả tổ xuống hầm. Sau một hồi lục tung nhà cửa vẫn không phát hiện được gì, bọn địch quay qua đánh đập bác Năm để khai thác. Không chịu nổi đòn thù và cũng không thể chỉ chỗ ẩn nấp của anh em mình, bác Năm bèn đánh lạc hướng, bỏ chạy để lôi kéo địch và bị bắn chết…

35 năm sau ngày giải phóng, chúng tôi được sống lại những năm tháng hào hùng ấy. Nhiều người trong chúng tôi đã không còn. Gần 3.000 CBCNV của lực lượng quân y đã mãi mãi nằm xuống, trong đó có hơn 1.500 anh em được tìm thấy hài cốt và phong tặng liệt sĩ. Cũng còn rất nhiều những anh em khác nằm lại nơi chiến trường. Dịp này, dịp được đón nhận danh hiệu Anh hùng, anh em chúng tôi lại nhớ về những đồng đội của mình…

ĐẶNG MINH  (Ghi theo lời kể của bà Lê Thị Vân, nguyên Trưởng Đội
thu dung cấp cứu, Quân dân y Sài Gòn - Gia Định)




 

Tin cùng chuyên mục