Tình yêu không từ dây cương
Trong Đoàn CSCĐ Kỵ binh, có một “chiến binh” khiến ai cũng phải mỉm cười mỗi khi nhắc tên: “Út Ngáo”.
Ngày đầu Út Ngáo (tên thật là Bin) về đơn vị, nó là con ngựa hoang bất kham từ thảo nguyên Mông Cổ, gặp ai cũng đá, cũng cắn, không cho ai đến gần, nhưng với Thiếu úy Tòng Văn Nhà thì khác. Trải qua không biết bao nhiêu lần bầm dập, rách da trầy xước, chàng lính trẻ đến từ Tây Bắc đã dần cảm hóa được Út Ngáo.

Thiếu úy Tòng Văn Nhà sinh năm 1996, lớn lên giữa vùng cao Sơn La, nơi trâu, bò, ngựa… không chỉ là vật nuôi mà là một phần máu thịt trong cuộc sống của người dân. Sau khi nhập ngũ và công tác 2 năm tại Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc, anh không ngần ngại xung phong tham gia Đoàn CSCĐ Kỵ binh ngay từ những ngày đầu thành lập.
Thiếu úy Tòng Văn Nhà gặp Út Ngáo khi nó còn là một con ngựa hoang Mông Cổ lạ lẫm với mọi thứ. Đụng vào là cắn, tiến lại là đá, thậm chí nhảy lên lưng là nó hất xuống. “Tôi không sợ. Tôi lớn lên cùng trâu, bò, ngựa rồi. Nó không hiểu mình thì mình nói chuyện với nó từng ngày, từng chút một”, anh chia sẻ.


Và cùng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia Mông Cổ, Bin bắt đầu nghe được giọng nói thân quen, bắt đầu nhận ra mùi áo lính của Nhà. “Có khi giận nó vì bị đá, bị cắn, nhưng nhìn vào mắt nó lại thấy thương… Nó cũng như mình thôi, từ rừng về phố, cần thời gian để hiểu, để gắn bó. Ngựa không biết nói, nhưng nó nhớ. Mà khi nó đã quý mình rồi, thì chẳng cần dây cương nào giữ được bằng cái tình”, Nhà nói, tay khẽ vuốt nhẹ bờm ngựa.
Chia sẻ về cái tên “Út Ngáo”, Thiếu úy Tòng Văn Nhà kể về thời gian Đoàn CSCĐ Kỵ binh tham gia diễu binh, diễu hành tại Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Lúc đó, Bin còn nghịch ngợm, lắc đầu, hếch mũi, nghiêng trái nghiêng phải… Một người dân đã quay lại cảnh ấy, đăng tải lên mạng xã hội với chú thích “Anh cả đứng nghiêm còn em út thì ngáo ngơ”. Từ đó, biệt danh “Út Ngáo” ra đời, trở thành thương hiệu riêng, mang đến tiếng cười cho cả đơn vị.

“Khi bước trên đại lộ Lê Duẩn, nghĩa tình của người dân TPHCM làm chúng tôi nhớ lại lần diễu binh ở Điện Biên vào năm ngoái. Mọi người đến xem, cổ vũ rất đông và nhiệt tình. Từ vùng núi xa xôi, giờ được đứng trong đội hình diễu binh của lực lượng Công an Nhân dân, tôi thấy xúc động lắm”, Thiếu úy Tòng Văn Nhà chia sẻ.
Và có lẽ, anh không chỉ mang theo màu áo lính, mà mang theo cả gió rừng, mùi khói bếp, tiếng ngựa hí trong sương sớm… đến với người dân TPHCM.

Cũng trong đội hình diễu binh năm nay, có một người lính khác gắn bó với ngựa theo cách riêng rất đáng yêu - Thiếu úy Đỗ Quốc Khánh. Là người có nhiệm vụ cầm cờ Tổ quốc, chiến sĩ Đỗ Quốc Khánh hiểu hơn ai hết trọng trách mình mang trên vai. Lá cờ không chỉ là biểu tượng Quốc gia, mà còn là niềm tự hào, là trái tim của đoàn quân kỵ binh, là hình ảnh thiêng liêng giữa hàng triệu ánh mắt dõi theo ngày hội non sông.

Câu chuyện về chú ngựa của Khánh khiến ai nghe cũng mỉm cười. Ngày đầu tiên đến nhận ngựa, Khánh gặp một chú ngựa… hay lắc đầu, cứ ai gọi là nó lắc. Đơn giản và tự nhiên, Khánh đặt luôn cái tên “Lắc” - nghe ngộ nghĩnh, gần gũi mà dường như chú ngựa ấy cũng ưng cái tên lắm.
“Lắc nhận chủ đầu tiên là tôi. Tôi đặt tên, chăm sóc, huấn luyện và cùng nhau góp mặt trong những sự kiện quan trọng như diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các chương trình, ngày lễ lớn tại nhiều tỉnh, thành phố… Thật sự rất tự hào khi lại có cơ hội cùng Lắc tham gia nhiệm vụ lớn lần này. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”, Thiếu úy Đỗ Quốc Khánh chia sẻ.
Về trong ngày hội non sông
Là 1 trong 3 chiến sĩ của Đoàn CSCĐ Kỵ binh đến từ TPHCM, Trung úy Nguyễn Nhựt Thiện mang theo niềm tự hào rất riêng khi được trở về chính quê hương mình để tham gia lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Tôi và ngựa đã cùng nhau đi qua nhiều cuộc công tác đặc biệt, như lần diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ hay các chương trình, ngày lễ lớn ở nhiều tỉnh, thành phố… Nhưng khi được thực hiện nhiệm vụ tại chính nơi mình sinh ra và lớn lên, trong tình cảm của người dân thành phố, tôi xúc động vô cùng”, anh chia sẻ.

Điều thú vị là Trung úy Nguyễn Nhựt Thiện không chủ động chọn ngựa. Giữa sân tập, một chú ngựa Mông Cổ chưa thuần, cứ tiến gần đến anh, quấn quýt không rời. Cái tên “Kajima” ra đời từ đó, theo nghĩa tiếng Hàn là “Em đừng đi” - một cái tên ngộ nghĩnh nhưng đầy yêu thương, mang theo sự gắn bó giữa anh và ngựa ngay từ những ngày đầu tiên.
Kajima cũng là một trong những chiến mã đặc biệt nhất của đoàn: quà tặng từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mông Cổ gửi tặng Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, được Bộ Công an tiếp nhận và huấn luyện trong đội hình kỵ binh.
Trung úy Nguyễn Nhựt Thiện chia sẻ, Kajima không dễ thuần. Nó từng hung hăng như một con bò tót. Đã không biết bao nhiêu lần Kajima đá, hất ngã người… Nhưng điều khiến anh xúc động nhất chính là sau những cú ngã, nó dụi đầu vào người anh, như biết mình sai và để lại một lời xin lỗi không thành tiếng.
“Tôi cảm giác như Kajima hiểu mình. Nó không còn là con ngựa nữa. Nó là bạn chiến đấu, là đồng đội”, anh chia sẻ.

Dưới cái nắng gay gắt hay cơn mưa chiều bất chợt, những buổi huấn luyện của Đoàn CSCĐ Kỵ binh không hề dễ dàng. Các chiến sĩ phải đối mặt với thử thách không chỉ đến từ sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn từ chính những chiến mã của mình. Ngựa đôi khi thể hiện tính khí thất thường, dễ giật mình, hay hung hăng, khiến cho các chiến sĩ phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để dần dần xây dựng một mối quan hệ gắn bó, hiểu nhau.
"Mặc dù thao trường có khó khăn vất vả, nhưng công tác huấn luyện những ngày qua không thể so sánh với sự hy sinh của các chú, các bác để đổi lấy độc lập tự do hôm nay. Tôi cùng đồng đội xin hứa quyết tâm thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, để góp phần vào niềm vui chung của đất nước", Trung úy Nguyễn Nhựt Thiện chia sẻ.

Ngày đại lễ đang đến gần. Những bước chân diễu binh sẽ rầm rập tiến về trung tâm thành phố - nơi ghi dấu bao chiến công oanh liệt và sự hy sinh của cha ông để giữ trọn màu cờ. Đối với Trung úy Nguyễn Nhựt Thiện, đó không chỉ là niềm vinh dự thiêng liêng của người lính, mà còn là lời tri ân sâu sắc của một người con gửi đến quê hương. Người lính thành phố mang tên Bác đã sẵn sàng, để góp một phần nhỏ bé vào bản hùng ca lớn lao của dân tộc.
Theo Thượng tá Lê Sỹ Hà, thành viên Sở chỉ huy diễu binh, diễu hành Bộ Công an, Chỉ huy trưởng khối CSCĐ Kỵ binh, tính đến thời điểm hiện tại, người và ngựa đã phối hợp rất nhuần nhuyễn. Ngựa hiểu người và người cũng hiểu được ngựa. Sự phối hợp ăn ý này là kết quả của quá trình huấn luyện công phu, tỉ mỉ và bài bản.
"Các hàng ngựa và người hiện nay đã thực hiện đúng yêu cầu của kịch bản và nội dung tập luyện mà Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục rèn luyện thêm để đảm bảo độ chính xác, đều đẹp và thống nhất tuyệt đối trong ngày chính thức," Thượng tá Lê Sỹ Hà cho biết.