Mỗi chiếc áo dài trong triển lãm đều có câu chuyện đặc biệt gắn liền với cá nhân có đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội, đặc biệt trong thời điểm TPHCM tích cực chống dịch.
Cụ thể, Bảo tàng tiếp nhận áo dài của TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội Tiêu hoá Bệnh viện Nhân dân 115; ThS-BS CK2 Ngô Thị Cẩm Hoa, Trưởng khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu kiêm phụ trách Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhân dân 115; BS CK 2 Đoàn Thị Huyền Trân, Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115.
Trong giai đoạn chống dịch năm 2021, BS Tuyết Phượng được giao nhiệm vụ Trưởng khoa điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân 115, tham gia tài trợ và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ trang thiết y tế cho bệnh viên; BS Huyền Trân giữ nhiệm vụ Trưởng khoa Covid 4 tại bệnh viện trong giai đoạn chống dịch và tham gia vận động tài trợ, ủng hộ vật tư trang thiết bị y tế.
Còn BS Cẩm Hoa trong giai đoạn chống dịch năm 2021 giữ nhiệm vụ Trưởng đơn vị tiêm chủng, tham gia cùng TPHCM tổ chức tiêm chủng vaccine cho bà con cũng như tổ chức tiêm chủng cho bệnh nhân có bệnh nền đến khám tại bệnh viên và tổ chức tiêm chủng cho nhân viên y tế. BS Cẩm Hoa đã ủng hộ và vận động các nhà hảo tâm tài trợ cho bệnh viện dụng cụ trang thiết bị cần thiết phục vụ chống dịch (bình oxy, máy tạo oxy, máy thở oxy dòng cao, đồ phòng hộ, khẩu trang N95…) chung tay cùng TPHCM đẩy lùi dịch bệnh.
BS Cẩm Hoa cho biết chiếc áo dài trao tặng đã gắn bó với chị hơn 10 năm qua, từ lần đầu tiên khi bắt đầu công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115. “Tôi rất xúc động khi chiếc áo dài của mình tặng lại cho bảo tàng. Công việc trong những giai đoạn cam go khiến chúng tôi bị cuốn đi, quên đi thời gian dành cho bản thân mình. Thực sự làm ở bệnh viện, bác sĩ chủ yếu mặc blouse trắng, chỉ có những dịp lễ hội đặc biệt chúng tôi mới mặc áo dài như thế. Khi mặc áo dài vào luôn luôn có cảm giác đặc biệt, trân trọng. Dù lâu rồi không được mặc áo dài nhưng vẫn mong một ngày được cùng các y bác sĩ khác có những giây phút được khoác lên mình chiếc áo quê hương”, BS Cẩm Hoa chia sẻ.
Trước đó, Bảo tàng Áo dài đã tiếp nhận áo dài của các y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, một số nghệ sĩ tham gia tình nguyện chống dịch thời gian qua.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, một trong những nghệ sĩ tích cực biểu diễn phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp tại TPHCM, đã trao tặng chiếc áo dài của anh nhân sự kiện khai mạc Triển lãm “Nối vòng tay lớn”. Chiếc áo anh gửi tặng làm bằng vải gấm màu đỏ, được anh mặc các chương trình biểu diễn, lễ hội văn hoá. Anh chia sẻ rất vui khi chiếc áo dài của mình được gửi tặng lại Bảo tàng Áo dài, đặt cạnh nhiều chiếc áo của những người có đóng góp cho xã hội.
“Mặc áo dài khiến tôi tự tin, cảm thấy như đang khoác lên mình hồn Việt. Trong những lần đi diễn ở nước ngoài, khi mặc áo dài tôi luôn thấy tự hào, ấm áp, quê hương gần lại. Chiếc áo dài làm cho con người ta luôn hướng đến những giá trị truyền thống khi mặc cũng như nhắc nhớ về cội nguồn, truyền thống. Chiếc áo dài như máu thịt, có một sự gắn kết đặc biệt dễ làm người ta xúc động. Triển lãm này khơi gợi sâu trong trái tim mỗi người lòng biết ơn những người đã quên mình vì sức khoẻ cộng đồng trong dịch bệnh”, nam ca sĩ chia sẻ.
Triển lãm áo dài “Nối vòng tay lớn” diễn ra trong tháng 3, tháng 4, trưng bày áo dài của những nhân vật có đóng góp tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 như áo dài của Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS, đại tá - bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu; Thầy thuốc Ưu tú, Th.S, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần; Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh; ca sĩ Nguyễn Phi Hùng; Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê và áo dài của các y bác sĩ.
Cùng Triển lãm “Nối vòng tay lớn”, Bảo tàng Áo dài cũng tổ chức nhiều triển lãm ý nghĩa như: Triển lãm Áo dài hồng hạnh phúc, Triển lãm Áo dài quốc kỳ các nước ASEAN, Triển lãm áo dài Cội nguồn…
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho biết Triển lãm “Nối vòng tay lớn” sẽ kéo dài đến hết tháng 4, và nếu vẫn tiếp tục phát huy được giá trị, thu hút được các câu chuyện sẽ để triển lãm kéo dài thêm.
Bà Vân chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện triển lãm Nối vòng tay lớn cùng nhiều triển lãm khác, tiếp nhận thêm các áo dài tặng của các y bác sĩ, người nơi tuyến đầu để nối dài những câu chuyện ý nghĩa đằng sau chiếc áo. Đó cũng là sự tri ân với họ, không chỉ nằm trên giấy tờ mà thực sự lan toả bằng hành động, bằng câu chuyện thực. Câu chuyện những chiếc áo của các y bác sĩ, người ở tuyến đầu cần được chia sẻ nhiều hơn, đi vào chiều sâu để nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ hiểu, trân trọng chiếc áo dài, biết ơn người khác”.