Chia cổ tức bằng tiền mặt
Đứng đầu trong các ngành chia cổ tức đậm là ngân hàng. Sau hơn 10 năm giữ lại lợi nhuận để củng cố nền tảng vốn, phát triển kinh doanh, Techcombank có mức chi cổ tức cho cổ đông cao nhất thị trường, khi dành hơn 5.283 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối trong năm 2023 để chia cổ tức tiền mặt. VPBank cũng cho biết, sẽ trình đại hội cổ đông việc chia cổ tức bằng tiền năm 2024 với tỷ lệ 10%, tổng số tiền dự kiến chi trả gần 8.000 tỷ đồng. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết, vì nền tảng hiện nay đủ để ngân hàng duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo nên sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm tới.
Lãnh đạo ACB cũng cho biết, với khoảng 20.000 tỷ đồng, ACB trích hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 10% bằng tiền mặt. Tương tự, MB sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức, tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt là 5%... Việc nhiều ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt trong 2 năm gần đây nhờ chủ trương hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước chính thức gỡ bỏ từ đầu năm 2023. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn dịch Covid-19 từ năm 2019 đến 2021.
Không chỉ chia cổ tức “khủng” vì lợi nhuận trong năm 2023, bức tranh ngành ngân hàng trong quý 1-2024 dần lộ diện với nhiều điểm sáng. Cụ thể, VPBank quý 1 có lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 4.200 tỷ đồng, tăng gần 66% so với cuối năm 2023 và 64% so với cùng kỳ. Kết thúc quý 1-2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 23% so với 2023. Ngoài ra, Techcombank có lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7%; LPBank lợi nhuận trước thuế gần 2.900 tỷ đồng, tăng 84%; SeABank lợi nhuận trước thuế hơn 1.500 tỷ, tăng 41%...
Theo FiinGroup Việt Nam, lợi nhuận của ngành ngân hàng dự kiến tăng 12%-15% trong năm 2024, mức tăng đáng kể so với mức 3,5% trong năm 2023. Tăng trưởng này chủ yếu được kỳ vọng từ việc cầu tín dụng hồi phục. Bên cạnh đó, biên lãi ròng (NIM) tiếp tục cải thiện nhờ môi trường vĩ mô dần cải thiện, kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực mới cho sự phát triển của ngành ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp ở một số lĩnh vực khác cũng trả cổ tức mạnh tay. Công ty CP Bến xe miền Tây (WCS) chi trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ vượt xa kế hoạch “không thấp hơn 20%” thông qua hồi đầu năm. Theo đó, WCS chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức hôm 20-3, với tỷ lệ 144%. Mỗi cổ phiếu cổ đông sẽ nhận về 14.400 đồng. Năm 2023, doanh thu thuần của WCS đạt 140 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt 66,4 tỷ đồng, tăng 74%, mức cao nhất nhiều năm trở lại đây.
Trong khi đó, Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng báo lãi kỷ lục năm 2023 với 2.183 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 40%, đây là mức chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trong gần chục năm qua. Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) thông báo chia cổ tức năm 2023, cổ đông sẽ được nhận cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20%, VHC dự kiến chi trả cổ tức gần 450 tỷ đồng…
Phục hồi so với trước Covid-19
Ghi nhận tình hình chung đầu năm 2024 đến nay, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí đến cuối năm. Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, chia sẻ, kết quả khảo sát doanh nghiệp quý 1-2024 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định với tỷ lệ 51,1%. Điều đó cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Các doanh nghiệp năng động, nắm bắt xu thế chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và chuyển dịch sang khai thác thị trường mới nhiều tiềm năng như Đông Nam Á hoặc châu Phi sẽ ít chịu rủi ro hơn. Nhờ vậy, một số doanh nghiệp trong số này có doanh thu tăng đáng kể, thậm chí tỷ lệ phát triển hơn 200% so với trước dịch Covid-19.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, cho biết, tính chung quý 1-2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2 tỷ USD, tăng 17%. Các doanh nghiệp thích ứng với những diễn biến phức tạp từ xung đột chính trị bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạm dừng những đơn hàng mà tuyến vận chuyển bắt buộc phải đi qua khu vực biển Đỏ. Doanh nghiệp đã chủ động chọn những đơn hàng dài hơi và cung ứng sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, có giá trị cao hơn. Mặt khác, ưu tiên xuất khẩu cho những thị trường thuận lợi hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…
Đồng thuận về vấn đề này, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết thêm, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu dệt may cũng đã tăng 9,6%, đạt 9,5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp dù đã phục hồi đơn hàng nhưng nhìn chung ngành dệt may đang đứng trước những cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Bangladesh do chi phí nhân công, nguyên vật liệu thấp hơn chúng ta. Do đó, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ vốn lãi suất thấp, nhất là tín dụng xanh, để tái đầu tư dây chuyền sản xuất, tăng hàm lượng công nghệ cao và yếu tố xanh hóa trong cơ cấu sản phẩm để giảm chi phí sản xuất, từ đó gia tăng nội lực cạnh tranh trên thị trường.
Về tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, nhiều chuyên gia nhìn nhận, dù tín hiệu đã tích cực hơn nhưng vẫn cần theo dõi thêm diễn biến trong quý 2 thì mới đánh giá toàn diện xu hướng tăng trưởng trong năm 2024.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay thấp nhất trong 20 năm qua
Để gia tăng nội lực vốn cho doanh nghiệp cần 2 yếu tố quan trọng là vốn có lãi suất thấp và điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Hiện lãi suất cho vay đang thấp nhất trong 20 năm qua. Ngân hàng Nhà nước đang trình sửa Luật Tổ chức tín dụng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn theo hướng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng. Kết hợp thúc đẩy, thanh khoản cho nền kinh tế, đảm bảo cung ứng nguồn vốn đủ và thuận lợi cho những dự án khả thi.
Không dừng lại đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo giãn, hoãn khoản nợ doanh nghiệp đến cuối năm nay; triển khai nhiều gói tín dụng, chính sách ưu đãi để đa dạng nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên chính sách tín dụng cho những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như cà phê, nông sản, lúa gạo, thủy sản… Mặt khác, để tiếp tục tiếp sức cho nền kinh tế tăng trưởng, Nhà nước cần có chính sách thu hút, giữ chân nhà đầu tư nước ngoài và siết chặt kiểm soát tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.
Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng bộ phận Xếp hạng tín nhiệm Khối định chế tài chính FiinRatings: Tín dụng đã thấm vào nền kinh tế
Tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023 được thúc đẩy chủ yếu bởi phân khúc doanh nghiệp. Kỳ vọng phân khúc doanh nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 vì nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư từ Chính phủ. Trong đó, phân khúc doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, sản xuất, bất động sản và xây dựng, nhất là liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ là những phân khúc đóng góp chính cho hoạt động cho vay doanh nghiệp vào năm 2024.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Doanh nghiệp đã có thể lựa chọn đơn hàng
Có nhiều yếu tố để thấy phục hồi kinh tế tích cực. Quý 1, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này xuất phát từ nhu cầu đơn hàng từ các thị trường trọng điểm đã phục hồi. Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 26%, EU 16%, Trung Quốc và ASEAN tăng 12%... Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian khó khăn đã chủ động, đa dạng hơn thị trường, bước đầu có lựa chọn đơn hàng để cung ứng. Đặc biệt là doanh nghiệp đã đáp ứng tốt rào cản xanh hóa mà thị trường đặt ra. Vấn đề còn lại doanh nghiệp cần chủ động tính toán lại kế hoạch sản xuất và cân bằng lại đơn hàng, thị trường sao cho giảm tình trạng lúc thiếu, lúc thừa.