Cùng dân xây cầu
Cây cầu bắc qua con kênh ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) là cây cầu thứ 275 mà nhóm “VK xây cầu nông thôn” góp tay xây dựng. “VK” nghĩa là nhóm Việt Kiều. Họ đặt tên cho cây cầu là VK275. Cầu dài 38m, rộng 3m, tải trọng 2 tấn, nối hai bên “bờ xôi ruộng mật” của hai ấp Bình Mỹ A và Bình Mỹ B. Phía bên này là nhà cửa ruộng vườn san sát. Bên kia là ruộng chanh, ruộng bông, hồ cá ngút ngàn. Ông Út Thao (63 tuổi, ở ấp Bình Mỹ A) đứng nhìn cây cầu bê tông vẻ hài lòng: “Có cây cầu, người dân tụi tui đỡ lắm nè”.
Trước đây, muốn qua bờ bên kia, cũng như bao dòng kênh ở miệt này, người dân hoặc đi cầu khỉ, hoặc đẩy xuồng, chạy xe vòng khoảng 4-5km mới có một cây cầu. Nghe tin có đội về xây cầu giúp bà con, ông Út Thao liền hiến 4m ngang đất bên này, 3m ngang bên kia bờ kênh để làm đường dẫn lên cầu. Thợ thi công đúng mùa cao điểm dịch Covid-19, ông kêu anh em vô ruộng nhà ông mà ở, có vườn rau, gà thả, cá dưới ao sẵn đó.
Ông Phạm Văn Trước, người bà con với ông Út Thao, cũng hiến mấy mét ngang đất cả hai bên. Lão nông 71 tuổi này cười toe: “Xã tới vận động, mình hổng cho thì hẹp hòi. Mình hiến có chút đất mà con cháu mình, rồi bà con có đường có cây cầu đi, vui chứ có gì đâu mà tiếc”. Bên kia cầu, nhà ông có 5 công ruộng đang trồng chanh. Trước đây cứ lai rai hái trái bán, khi trúng thì được chục triệu đồng một đợt, không trúng thì chỉ được vài triệu đồng một đợt. Có cây cầu, lão nông khấp khởi mừng trước cảnh tượng thương lái chạy xe vô tận vườn chở chanh ra, đỡ cực mà giá thu mua chắc cũng tăng được chút đỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Nguyễn Minh Tuấn cũng là người xã Bình Thạnh. Buổi sáng, trước khi diễn ra lễ khánh thành, anh Tuấn đi bộ qua cầu, nghĩ bụng, vậy là ước mong của mình và bà con nơi đây bao năm đã thành. Là người ở xã, lại có thời gian làm Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, anh Tuấn tâm sự, thấy người dân khó khăn mà cũng không biết khi nào mới xây được cầu. Đây là xã cù lao giữa sông Tiền, sông rạch nhiều, số lượng cầu cần xây cho người dân đi lại rất nhiều.
Trong ngày hôm đó, nhóm VK xây cầu nông thôn cũng khánh thành cây cầu VK269 ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Dẫn đoàn đi bộ trên con đường dẫn tới cây cầu, lãnh đạo UBND xã Long Tiên chỉ vào những cây sầu riêng héo úa, chia sẻ, mấy năm qua hạn mặn quá, sầu riêng lụi hết nên bà con ở đây cũng khó khăn. Vừa nói, đoàn vừa phải né người để những nông dân chở xe máy đèo thêm bao phân chạy qua cầu. Dưới nắng chiều, hai anh em cậu bé học trò lớp 5 đạp xe leo lên cầu rồi lại thả dốc cầu đến mấy chục vòng chưa chán. Tiếng cười khanh khách trẻ thơ vang vọng cả trong tâm trí những người đi xây cầu, xua tan đi bao mệt nhọc.
Có mặt trong buổi lễ khánh thành cầu VK275 ở Đồng Tháp, ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, bày tỏ xúc động khi cây cầu được hoàn thành bằng tâm huyết của đội thi công, của lãnh đạo và người dân địa phương trong điều kiện dịch bệnh. Theo ông, những nỗ lực bền bỉ của nhóm VK xây cầu nông thôn những năm qua là nghĩa cử đáng quý, giúp thắt chặt tình cảm đồng bào, đưa những vùng quê xa còn khó khăn ngày một phát triển hơn.
|
Hành trình lan tỏa đam mê xây cầu
Có mặt trong đoàn VK đi khánh thành cầu hôm ấy, ông Nguyễn Văn Công, 84 tuổi, ngồi chăm chú nhìn những hội viên trẻ hơn, đang hăng hái làm hoạt náo viên, tặng quà cho các học sinh tiểu học. Đã thành thông lệ, ở mỗi nơi khánh thành cầu, đoàn đều tặng cho học sinh và giáo viên khó khăn ở vùng khoảng 50 phần quà. Đây là chuyến đi đầu tiên mà ông an tâm “nhường lại” sân khấu cho những người tiếp nối. Ông Công vốn là một kỹ sư xây dựng chuyên về nền móng, ông học tập và làm việc ở Pháp cho đến khi nghỉ hưu. Vết hằn tuổi tác đã khiến ông không còn nhanh nhạy như trước, nhưng khi có người hỏi về việc xây cầu, đôi mắt ông lấp lánh và tay chân hoạt bát hẳn. Ông hăng hái đi lại, chỉ vào những trụ cầu VK, giới thiệu: Cầu này đặc biệt ở chỗ kỹ thuật khoan cọc nhồi. Chỉ một chiếc ghe, trên ghe có máy khoan, khoan xong đưa thép xuống, bao lại cho nước đừng vô, rồi đổ bê tông…
Giải thích rõ hơn, “người kế nhiệm” của ông Nguyễn Văn Công là ông Lê Phan Khôi, chia sẻ, với một chiếc ghe nhỏ và khoảng 10 nhân công, đội thi công có thể đi được những kênh rạch nhỏ, vùng sâu, vùng xa. Trong khi nếu phải đúc những trụ lớn từ xa mang tới thì sẽ rất tốn kém, vì phải có cần cẩu đóng trụ, mà cũng chỉ sâu được đến 4m. Nhưng sử dụng phương pháp cọc nhồi thì có thể khoan sâu tới 8m, nên trụ cầu chắc chắn hơn nhiều.
Ông Lê Phan Khôi đang điều hành một doanh nghiệp chuyên về thức ăn chăn nuôi. Nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhóm VK nhiều năm, ông Khôi được trưởng nhóm Nguyễn Văn Công tin tưởng trao cho vai trò kế nhiệm. Ông Khôi cùng bà Nguyễn Thị Yến Thu, phó trưởng nhóm đang nỗ lực với “sức trẻ” của mình để tiếp tục công việc ý nghĩa của nhóm suốt hơn 18 năm qua. Chất trẻ của nhóm khiến bà con những vùng nông thôn có cầu mới cũng phải ngạc nhiên, vì những thành viên 70-80 tuổi vẫn thoăn thoắt, hoạt náo, dù đi suốt cả ngày cũng không hề kêu than nửa lời!
Hơn 2 tháng sau lễ khánh thành cầu VK275-276, nhóm VK xây cầu nông thôn lại lên đường đến với huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ để khánh thành hai cây cầu VK277 và VK278. Chuyến đi lần này vất vả hơn. Phải mất gần 6 giờ xuất phát từ TPHCM, nhóm mới tới được giáo xứ ở Vĩnh Thạnh. Để di chuyển giữa hai địa điểm khánh thành, nhóm phải đi ghe hàng giờ trên kênh trong cơn mưa lạnh buổi chiều, và khi trở lại TPHCM đã gần 12 giờ khuya. Lúc ấy, cô Yến Thu và một vài thành viên khác vẫn đang trên chuyến xe sau, vì họ còn tranh thủ chuyến đi Cần Thơ này để xuôi về huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) để khảo sát thực địa cho những cây cầu VK sắp tới.
Và cứ thế, lòng thiện nguyện lan tỏa khắp chốn. Trong chuyến về Cần Thơ, trên chiếc xe tươi trẻ yêu đời của nhóm VK, có thêm hai vợ chồng kiều bào Bỉ lần đầu tham gia, có thêm hai chị kiều bào Dubai là CEO công ty sơn. Tình cờ biết đến đoàn, hai chị đã theo dõi, đồng hành và quyết định sẽ tài trợ sơn cho những cây cầu VK thật đẹp, thật bền cho bà con.
Năm 2003, nhóm Việt kiều gồm 11 thành viên đang sinh sống ở Canada, Mỹ, Pháp, Úc, Nhật và Việt Nam ra đời với tên gọi “Nhóm VK”. Ban đầu, nhóm chỉ đặt mục tiêu trong vòng 3 năm sẽ xây dựng 10 cây cầu bê tông cốt sắt thay thế 10 cầu khỉ, bằng số tiền các thành viên trong nhóm đóng góp. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, việc làm này lan tỏa mạnh mẽ và nhờ sự chung tay của các kiều bào, bạn bè thân hữu trong và ngoài nước. Tính đến tháng 4-2005, có 191 cây cầu “Vê Ka” đã được hoàn thành. Sau này, người dân cùng chính quyền địa phương cũng đóng góp thêm với nhóm để xây dựng. Nhờ phương pháp thi công cọc nhồi, lại được nhóm VK nhiệt tình khảo sát, thiết kế, vận động tài trợ, giám sát thi công…, cùng sự tiếp sức của bà con, mà những cây cầu chỉ cần khoảng một tháng là thi công hoàn thiện. |