Người trẻ thường hiện lên với những hình ảnh rạng rỡ, trẻ trung, năng động, trong thế giới đang rộng mở trước mắt. Nhưng trong nhịp sống hối hả của thời hiện đại, phải chăng người trẻ cũng ít suy tư hơn, ít có thời gian nhìn nhận lại bản thân và thế giới xung quanh? Có bao nhiêu bạn trẻ từng sống chậm lại và băn khoăn tự hỏi: Tại sao mình ở đây? Mình mong muốn điều gì? Mình là ai giữa cuộc đời này?
Trong 39 câu hỏi cho người trẻ, nhà báo Phan Đăng đã đặt ra 39 câu hỏi “triết học”: Tại sao phải hoài nghi? Tại sao phải tưởng tượng? Tại sao ta lập luận sai? Tại sao không nên vội tin vào một đấng tối cao? Tại sao vô thức có sức mạnh... Bằng vốn sống và trải nghiệm của mình, tác giả thử đưa ra những câu trả lời mang hơi thở của cuộc sống đương đại, nhưng chắc chắn đó không phải câu trả lời duy nhất và cuối cùng.
39 câu hỏi trải rộng trên một phổ khá rộng, từ những vấn đề trừu tượng như tôn giáo, chính trị, đến những vấn đề xuất phát từ chính bản thân chúng ta như tư duy, suy nghĩ, cư xử, tưởng tượng... Qua năm chương sách, bạn đọc dường như trải qua một chuyến hành trình tìm kiếm bản ngã của chính mình: nhìn sâu vào tâm thức bản thân, nhìn ra thế giới trước mắt, mở rộng tâm trí va chạm với các luồng tư tưởng khác, quan sát các sự vật, hiện tượng điển hình trong đời sống và rồi quay trở về ngẫm lại cuộc đời mình. Nội dung sách xoay quanh một trụ tư tưởng lớn: Ta đang là ai? Ta có thể là ai? Ta có thể tìm ta theo cách nào?
Thêm vào đó, giá trị của cuốn sách còn nằm ở những hình ảnh minh họa đặc sắc của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn. Những bức họa đơn giản mà nhiều hàm ẩn, liên kết chặt chẽ với nội dung sách. 39 câu hỏi cho người trẻ là một sự hòa quyện đẹp đẽ giữa lời và họa.
39 câu hỏi cho người trẻ của nhà báo Phan Đăng sẽ là những gợi mở ban đầu trên con đường tìm kiếm câu trả lời cho cuộc đời của bạn. Bạn có thể đồng tình hoặc phản đối tác giả, nhưng chắc chắn một điều, cuốn sách sẽ giúp bạn suy tư nhiều hơn, độc lập hơn trong suy nghĩ và hành xử với thế giới, với mọi người xung quanh và với bản thân mình.