Để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 và lập khu cách ly, Ban quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM thông báo sinh viên rời đi trước chiều 1-6. Ngay lập tức, trên các hội nhóm Facebook, nhiều người ngỏ ý giúp đỡ các bạn sinh viên chuyển đồ, tìm chỗ trọ. Nguyễn Thị Thanh Trúc (24 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) mong muốn cho 1-2 bạn nữ ở miễn phí đến khi tình hình dịch bệnh tạm ổn. Trúc nói: “Có nhiều bạn không về quê được, cũng khó đi làm kiếm tiền trong mùa dịch. Từng trải qua cảnh khổ sở tìm chỗ trọ, nên tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều khi quyết định cho các bạn ở nhờ”. Theo lời Trúc, nếu người ở chung có hoàn cảnh quá khó khăn, Trúc sẽ giúp luôn những bữa ăn đơn giản. Trúc cũng không thấy bất tiện nếu thêm người ở cùng, dù rằng bản thân mới vừa chuyển đến phòng trọ này với chi phí 800.000 đồng/tháng và vừa nghỉ việc ở quận 12.
Vận chuyển đồ ra khỏi ký túc xá cần thùng carton, xe chuyên chở; những bạn không về quê thì cần chỗ gửi đồ tạm, do gấp gáp, nhiều bạn đã cầu cứu trên các hội nhóm. Vậy là không chỉ sinh viên giúp nhau, nhiều người khác cũng chung sức. Anh Nguyễn Anh Hào (26 tuổi, chủ quán cơm ở khu vực làng đại học) nhận giữ đồ giúp những sinh viên không có chỗ gửi. “Các bạn đến gửi đồ rồi cảm ơn vì nếu không tìm được chỗ gửi thì không biết làm sao chuyển về quê, tôi cũng vui vì đã giúp một việc nhỏ. Từng là sinh viên, tôi hiểu nỗi khổ của các bạn. Các bạn cứ gửi chỗ tôi, khi nào đi học lại thì đến nhận”, anh Hào chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Ngọc Huân (26 tuổi, làm việc tại Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM) khi biết tin sinh viên phải dọn ra ngoài trong thời hạn 3 ngày, đã dùng xe của mình chở đồ đạc miễn phí từ 6 giờ sáng đến tối mịt. Không những chở giúp, anh còn phụ đưa đồ đạc ra xe một cách tận tình. Anh nói: “Giúp đỡ mọi người, tôi thấy vui. Tôi cũng dành 2 phòng ở nhà cho các bạn gửi đồ và ở miễn phí đến khi dịch bệnh qua đi”.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ kêu gọi mọi người đừng chụp ảnh, quay phim khi biết có người mắc hay nghi mắc Covid-19 gần nơi mình sống được đưa đến khu cách ly. Thông điệp: “Cộng đồng nên tôn trọng, lan tỏa lòng yêu thương và tình đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19” được lan rộng khắp nơi. Điều này xuất phát từ thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Bất cứ ai đều có thể bị mắc Covid-19, không phân biệt chủng tộc, giới tính, độ tuổi hoặc các phẩm chất cá nhân khác”.
Có thể thấy, không thờ ơ hay lo lắng thái quá, cộng đồng trong đợt dịch bệnh diễn biến phức tạp này có những hành động, suy nghĩ tích cực. Trong khó khăn, tinh thần vì tập thể lại càng thể hiện rõ, nhiều người có những hành động cụ thể để cùng vượt qua Covid-19.