Không đầu hàng
Những ngày cuối năm 2020, theo chân 2 cán bộ nông nghiệp, chúng tôi đến thăm một số khu trang trại chăn nuôi bò, heo, gà điển hình ở các xã Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Đức rồi đến những khu rừng trồng cây ăn quả xanh mướt mắt ở ven thị trấn Tăng Bạt Hổ đến các xã Ân Tường Tây, Ân Mỹ, Ân Hòa…
Trong nhiều gương mặt nông dân tiêu biểu ở huyện Hoài Ân có ông Võ Đông Sơ (58 tuổi, thị trấn Tăng Bạt Hổ), người được mệnh danh là vua bưởi da xanh ở đất võ Bình Định. Ông Sơ kể, khoảng 26 năm về trước, ông là hộ nghèo nhất của vùng. Bản thân ông bị tật 2 chân nhưng ông không khuất phục trước số phận. Năm 1994, ông vào TPHCM bán vé số dạo để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Sau đó, ông Sơ may mắn kết giao với một người bạn quê ở Bến Tre, được bạn mách lối làm ăn rồi “bén duyên” với cây bưởi da xanh. Sau nhiều năm mang bưởi da xanh về thuần phục trên đất Hoài Ân, đến năm 2000, ông Sơ gặt hái thành công bước đầu. Từ năm 2003 đến nay, ông liên tục thu lãi lớn và đổi đời. Ông Sơ là người có công đầu đưa bưởi da xanh về Hoài Ân.
Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại chăn nuôi trên 35.000 con gà của “tỷ phú chân đất” Tư Rõ, tức Mai Văn Rõ (58 tuổi, ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây) dưới chân núi Gò Loi. Sau chiến tranh, xứ Gò Loi bom đạn còn nằm ẩn dưới từng lớp đất, ấy thế mà ông Tư Rõ lại cả gan chọn mảnh đất này để tạo dựng cơ nghiệp. Ngày đầu, thấy Tư Rõ bạt núi trọc, san lấp sình lầy để mở trang trại chăn nuôi tổng hợp, trồng rừng, cả vùng ai nấy đều lo lắng nhưng ông kiên định làm bằng được. Nhờ có hướng đi đúng đắn, ông đã lập được cơ đồ tiền tỷ trên 6ha đất đồi Gò Loi, trở thành tấm gương sáng giá nhất huyện Hoài Ân. Hiện thu nhập đều đặn mỗi năm của ông Tư Rõ lên đến hàng tỷ đồng, ông sắm ô tô để ngoại giao, tiếp tục mở rộng trang trại, thị trường.
Rủ nhau xin thoát nghèo
Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa Nguyễn Văn Liên cho biết, trong năm 2020, dù dịch Covid-19 kèm theo bão lũ triền miên, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của địa phương tiếp tục giảm hơn một nửa so với năm 2019. Đáng chú ý, trong 2 năm liền, Ân Nghĩa có rất nhiều hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo. Có nhiều thôn, xóm vốn xưa kia nghèo khó thì nay diện mạo nông thôn đã khởi sắc, số người xin ra khỏi diện hộ nghèo tăng liên tục, tất cả đều đủ điều kiện để thoát nghèo bền vững.
Mới đây, ngày 26-11, vợ chồng ông Đặng Thành Công (56 tuổi, thôn Bình Sơn) đến chính quyền xã Ân Nghĩa để xin thoát nghèo. Ông Công nói, bản thân đã trở thành hộ khá giả nên muốn xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường suất hỗ trợ lại cho những người nghèo khác. Ông Công có đến 7 người con, bản thân mang nhiều căn bệnh phải điều trị rất tốn kém. Sáu năm qua, để hỗ trợ ông vượt khó, chính quyền đưa gia đình ông vào diện hưởng chính sách hộ nghèo. Ông Công cảm kích nói: “Nhờ Nhà nước đưa vào hộ nghèo nên tôi mới vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Hiện con cái tôi đã học hành ra trường, có nghề nghiệp, bản thân tôi cũng bớt bệnh. Vài năm nay, tôi chuyển toàn bộ đất sang trồng dưa leo, dưa gang gối vụ liên tục cho lãi lớn, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng nên đời sống cũng khá giả lên…”.
Tương tự, các hộ ông, bà Đinh Thị Hằng (42 tuổi), Nguyễn Văn Vinh (42 tuổi), Dương Văn Hàn (56 tuổi), Nguyễn Thị Sử (66 tuổi)… cũng vừa xin chính quyền ra khỏi diện hộ nghèo. Trong đó, hoàn cảnh anh Vinh là một tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Bản thân anh và vợ trước kia đều bị u não, đứa con thì ung thư máu. Trong 10 năm trời, anh được chính quyền đưa vào diện hộ nghèo để hưởng các chính sách bảo trợ của Nhà nước. Đến nay, bệnh tình của gia đình anh Vinh đã thuyên giảm, công việc ổn định có thu nhập khá nên anh quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo.
“Người dân xin ra khỏi diện hộ nghèo với tinh thần, trách nhiệm rất cao cả, chiếu theo nguyện vọng và hoàn cảnh thực tế của họ. Ở đây, bà con vốn có truyền thống tương thân tương ái, họ sống vì cộng đồng, không bao giờ ỷ lại bởi sự nghèo khó”, Trưởng thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa) Võ Xuân Quang chia sẻ.