Những câu chuyện cảm động về cuộc đời GS Võ Tòng Xuân

GS Võ Tòng Xuân đã về với đất mẹ. Sự ra đi của ông là một mất mát đối với sự nghiệp đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, để lại bao nhớ thương và tiếc nuối trong nhiều thế hệ nhà khoa học, sinh viên và người nông dân ở miền Tây Nam bộ.

Những câu chuyện cảm động về cuộc đời GS Võ Tòng Xuân

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) - một nhà nông học của Việt Nam, cho biết, ông có nhiều kỷ niệm, thời gian gắn bó, cùng làm việc, trao đổi với GS Võ Tòng Xuân. PV Báo SGGP lược ghi những chia sẻ của TS Đặng Kim Sơn về GS Võ Tòng Xuân.

Nhà giáo nhân dân và nhà khoa học - cha đẻ của nhiều trường đại học ở miền Tây

GS Võ Tòng Xuân là một nhà nông học nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời là tấm gương trong giới khoa học về nghị lực vượt lên khó khăn, thử thách. Sau khi học tập và đào tạo ở nước ngoài trở về, ông đã có những đóng góp lớn cho quê hương, đất nước.

GS Võ Tòng Xuân chính là người đã đưa giống lúa kháng rầy vào Việt Nam ngay từ cuối thập niên 70 đến đầu 80 của thế kỷ XX, lúc đất nước vừa thống nhất, còn đang rất khó khăn, đói kém và dịch rầy nâu phát triển. Từ những hạt giống ít ỏi, ông đã cùng các sinh viên Trường Đại học Cần Thơ nhân lên thành khối lượng lớn, đưa ra đồng ruộng để khắc chế dịch rầy nâu tại ĐBSCL, nhờ đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

IMG_1755.jpeg
GS Võ Tòng Xuân (bìa trái) trong một chuyến xuống đồng ruộng ở Đồng Tháp Mười năm 1985. Ảnh tư liệu

GS Võ Tòng Xuân còn là một người rất say mê xây dựng công tác khuyến nông, để đưa tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào đồng ruộng. Tại các vùng như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau… lúc đó trên cơ sở hệ thống thủy lợi mà Nhà nước đã đầu tư, việc quyết định đưa giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào đã kích thích phát triển các vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu, nhờ đó tăng từ 1 vụ lên 2 vụ trên quy mô rất lớn. Đây là quyết định thay đổi bộ mặt ĐBSCL, đưa đất nước từng bước trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực.

Bên cạnh là một nhà khoa học say mê, GS Võ Tòng Xuân còn là nhà giáo nhân dân, nhà đào tạo nhiệt tâm, tận tình với các thế hệ. Có lẽ, ít người làm được như ông - một người mà trong sự nghiệp đã liên tục, miệt mài xây dựng các trường đại học.

Năm 1971, từ Viện Lúa quốc tế (Philippines) trở về, GS Võ Tòng Xuân đã cùng tham gia củng cố và phát triển Trường Đại học Cần Thơ. Đầu tiên, từ làm Phó Chủ nhiệm Khoa Nông học rồi Trưởng bộ môn Lúa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hệ thống canh tác… Sau đó, ông cùng một số lãnh đạo của tỉnh An Giang xây dựng Trường Đại học An Giang; rồi xây dựng và làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tân Tạo; tiếp tục xây dựng và làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Nam Cần Thơ. Cho đến khi mất, GS Võ Tòng Xuân vẫn là Hiệu trưởng Danh dự của Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Trong cuộc đời mình, GS Võ Tòng Xuân đã đào tạo nhiều thế hệ nhà khoa học. Rất nhiều cán bộ, nhà khoa học… dù không học nhưng vẫn gọi GS Võ Tòng Xuân là “thầy”.

Về nước, từ bỏ lợi lộc, mức lương cao

GS Võ Tòng Xuân là người rất giản dị, trung thực. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo. Lúc nhỏ, cậu bé Võ Tòng Xuân đi bán báo để nuôi thân và phụ giúp cha mẹ nuôi 5, 6 đứa em. Điều kiện khó khăn, ông chỉ học trung học kỹ thuật và phải "trầy lên trật xuống" mới xong, vì không đủ tiền.

Thế nhưng, GS Võ Tòng Xuân rất đam mê ngành nông nghiệp, nên khi có cơ hội là xin sang học tại một trường đại học ở Philippines. Ông học rất giỏi, được học bổng. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn phải kiếm sống bằng nghề chụp ảnh rồi làm thêm nhiều việc. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, GS Võ Tòng Xuân được mời làm việc tại Viện Lúa quốc tế.

Tại đây, mức lương GS Võ Tòng Xuân nhận được rất cao. Thông thường với đãi ngộ đó, người ta sẽ ở lại lập nghiệp. Nhưng, GS Võ Tòng Xuân chọn về nước khi Trường Đại học Cần Thơ mời gọi. Lúc đó (năm 1971), đất nước vẫn đang chiến tranh. GS Võ Tòng Xuân bước vào sự nghiệp đào tạo; miền Nam bấy giờ rất ít kỹ sư nông nghiệp, không nhiều như miền Bắc. Và, khi về làm tại Trường Đại học Cần Thơ, ông vẫn cố gắng học song song tiến sĩ ngành nông hóa do Nhật Bản đào tạo.

Có thể nói, ở thời điểm đó rất ít người được đào tạo bài bản như vậy. Một công ty về nông hóa rất thích GS Võ Tòng Xuân, đã mời ông với mức lương rất cao. Nhưng GS Võ Tòng Xuân vẫn dứt khoát từ chối, để bám trường, gắn bó với sinh viên, đồng ruộng.

IMG_1759.jpeg
GS Võ Tòng Xuân từ bục giảng xuống đồng sâu của miền Tây. Ảnh: KIM ANH

Sau giải phóng (năm 1975), GS Võ Tòng Xuân cũng như những nhà khoa học khác (cả miền Bắc lẫn miền Nam) vẫn sống rất chật vật. Dù vậy, ông không màng bổng lộc, ngay cả khi được Nhà nước cấp cho một mảnh đất để ở thì ông cũng bán đi, dành cho con cái một ít, còn lại xây một ngôi trường tiểu học song ngữ cho cộng đồng (bằng tiền túi).

Có lần, GS Võ Tòng Xuân bàn với Trường Đại học An Giang đề nghị xin địa phương cấp cho vài héc-ta đất xây dựng một làng đại học ở An Giang, để các giáo viên, nhà khoa học có thể được mua với giá hợp lý làm chỗ ở.

***

Trong cảm nhận và suy nghĩ của tôi, thầy là một người đáng trân quý, sống vì cộng đồng, say mê sự nghiệp khoa học và đào tạo. Cuộc đời trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng tự lực vươn lên và không bị vật chất cám dỗ.

Trong giao tiếp, tôi thấy cách nói chuyện cũng như cách sống của GS Võ Tòng Xuân rất đơn giản, chân tình, mang phong cách của cán bộ khuyến nông, cán bộ cộng đồng, đi thẳng vào vấn đề bằng ngôn từ đơn giản, không đao to búa lớn… GS Võ Tòng Xuân không chạy theo những công trình, đề tài khoa học, không viết và không in nhiều sách…

Ông thể hiện bằng những việc làm, kết quả cụ thể. Tất cả là để phục vụ người nông dân.

Tôi đã có nhiều lần, nhiều chuyến đi công tác cùng GS Võ Tòng Xuân. Có lần, sang Philippines công tác, GS Võ Tòng Xuân bảo ở đây có loại rượu rum nấu bằng mía vừa ngon lại rẻ, người dân Philippines ưa thích. Còn đến sân bay thì giáo sư hỏi tôi đã ăn thử kem cốc ở đây chưa... Qua những chuyến công tác cùng, tôi thấy ông là một người "lăn lộn", do đó biết khá nhiều và rất quan tâm chăm sóc bạn bè. Ông có lối sống gần gũi, đời thường.

Câu chuyện cảm động nhất mà tôi còn nhớ là một hôm đến nhà thăm GS Võ Tòng Xuân. Đó là khi ông đang đẩy xe lăn cho người vợ bị tai biến rất nặng (gần như không còn cảm nhận được gì) rồi ngồi lặng nhìn trời chiều. Trong không gian yên tĩnh đó, ông đang hát nhè nhẹ cho vợ nghe.

Tôi hỏi: “Chị ấy có nghe, có hiểu được gì không?”. GS Võ Tòng Xuân trả lời, cũng không biết chắc, nhưng có cảm nhận là vợ ông nghe và đồng cảm được với nhau.

Tôi nghĩ, một người bận rộn như GS Võ Tòng Xuân nhưng vẫn dành những khoảng thời gian để thể hiện tình yêu sâu nặng với người vợ yêu quý của mình, thật cảm động và đáng trân trọng.

IMG_1757.jpeg
TS Đặng Kim Sơn

TS Đặng Kim Sơn từng giữ chức Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN-PTNT), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2016. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục