Các ban Đảng thuộc Thành ủy, sở ngành TPHCM, đại diện lãnh sự quán Lào tại TPHCM cũng tới viếng tang, thắp nén nhang tiễn biệt đồng chí Trần Quốc Hương.
Trong tiếng nhạc trầm và hương nhang thơm, những câu chuyện, kỷ niệm của những người khách viếng về ông Mười Hương được kể lại, trải lòng...
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh có dịp gặp gỡ với ông Mười Hương khi còn là cô phóng viên Báo Phụ nữ Sài Gòn, sau này là Báo Phụ Nữ TPHCM. Khi ấy, ông Mười Hương thường đến trụ sở báo ở 188 Lý Chính Thắng, quận 3 vào buổi tối sau giờ làm việc. Lúc chuyện trò, ông kể chuyện hoạt động trong Nam ngoài Bắc, chuyện ở tù, chuyện gia đình buồn vui… Bà hay hỏi và tham gia câu chuyện, nên ông Mười Hương gọi là “Thanh đía”.
Đến nay, bà Thế Thanh vẫn nhớ những lời nhỏ nhẹ mà như răn dạy của ông Mười Hương về nghề báo, rằng làm báo khó lắm, bây giờ hay bao giờ cũng vậy. Ráng nghe cho tường tận, ghi cho chính xác, viết cho kỹ càng, đừng sợ sự dọa nạt của những người không tốt.
“Nghe lời chú và những người lớn tử tế, con và các bạn đồng lứa, đồng nghề đã ráng sống và làm việc cho đàng hoàng trong nhiều năm qua, có vui có buồn, có nắng đẹp mà cũng có bão bùng, chú ạ”, bà Thế Thanh gửi lời tâm tình đến chú Mười Hương của bà trong cuốn sổ tang. “Con yêu kính chú, chú Mười, như yêu kính một người cha, một người đàng hoàng hết mực, như con biết”, nhà báo Thế Thanh viết.
Một mình tới thắp nhang, ông Lê Huy Diệu, 77 tuổi kể câu chuyện gặp ông Mười Hương cách đây gần 45 năm. Đó là một ngày khoảng năm 1976-1977, khi đang đạp xe trên đường Tú Xương (quận 3) thì ông nghe có người đi ngược chiều gọi: “Diệu!”. Ông ngạc nhiên khi thấy có người lớn tuổi, biết mình mà mình không biết họ. Người ấy bảo: “Tao không những biết mày, mà còn biết cha mẹ mày, anh em mày nữa!”. Người ấy chính là ông Mười Hương. Ông Diệu kể: “Gia đình tôi là cơ sở cách mạng của Trung ương cục tại Phnompenh, có lẽ chú Mười Hương đã từng lui tới nhiều lần để kiểm tra nhà cửa xem có thể đón khách của Trung ương cục hay không nên biết rất rõ về gia đình tôi”.
Ấn tượng về ông Mười Hương, với ông Diệu là phong thái vui vẻ, hào sảng, dù ông chỉ là cấp dưới, là hậu bối mà vẫn được đối xử thân tình. Những năm sau này khi sức khỏe đã yếu, sinh hoạt đi lại khó khăn nhưng ông Mười vẫn cố gắng tới vào những dịp cưới hỏi, giỗ chạp của gia đình các đồng chí đồng đội, cấp dưới.
Kể về sự quan tâm ân cần của ông Mười Hương, bà Lê Thị Thanh Hương – con của nhà tình báo Lê Hữu Thúy (nguyên mẫu của nhân vật trong tác phẩm Điệp viên giữa sa mạc lửa) kể rằng, những năm tháng gia đình phải chịu khổ vì những nghi ngờ, ông Mười Hương và các lãnh đạo, cấp trên của đã tích cực tìm kiếm tài liệu, hồ sơ để chứng minh sự trong sạch và công lao của cha bà. Đám cưới của anh chị em bà, ông Mười Hương đều tới dự. Những ngày Tết đều gửi quà, còn dặn dò các cháu sống tốt, có khó khăn gì thì gọi bác…
Còn bà Huỳnh Thị Mỹ Linh, con của ông Ba Hương Lâm Văn Thê (cố Thứ trưởng Bộ Công an) cũng xúc động khi nhớ lại đám tang cha mình cách đây đúng 30 năm. Khi ấy ông Mười Hương tới viếng, tay cầm cây gậy, tay đeo băng vải do gãy tay hay trật khớp. Sau này khi ông đau bệnh, bà Linh vào thăm ông vẫn nhắc đây là con ông Ba Hương khiến bà rất xúc động.
Ở tuổi 96, sức khỏe không còn như xưa, Đại tá Nguyễn Nho Quý (Xuân Mạnh, Mười Nho), nguyên trưởng phòng điệp báo – P73, Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu – Tổng cục II Bộ Quốc phòng phải vịn vào tay các chú bộ đội trẻ để bước đi. Nhưng nhắc về ông Mười Hương, mắt ông lấp lánh. Ông may mắn là người được ông Mười Hương trực tiếp hướng dẫn, đào tạo về công tác tình báo. Thời điểm ấy là năm 1950, tại căn cứ của trạm tình báo tại Huế. Cuộc gặp gỡ tình cờ, được ông Mười Hương chỉ dạy, ông Mười Nho từ một cán bộ làm công tác đảng, tỉnh ủy viên liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã trở thành một nhà chỉ huy tình báo giỏi, mà như ông khiêm tốn nói rằng “đã có được chút thành công”. Đại tá Mười Nho gọi thầy mình là “bậc thầy của tình báo Việt Nam”, nhắn nhủ anh em cán bộ tình báo, nhất là cán bộ trẻ vào ngành cần nghiêm túc học tập bác Mười Hương về đạo đức, phong cách, về thao lược ứng xử để thành công…
Là thư ký của ông Mười Hương từ tháng 12-1974 đến tháng 5-1975, ông Lê Ngọc Tú có dịp gần gũi và học tập từ ông Mười Hương nhiều điều tốt. Ông Tú kể, sáng nào ông Mười Hương cũng tập yoga, không rượu bia gì cả. Chuyện ông Mười Hương mê tập thiền cũng đã được kể trong cuốn sách “Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải. Theo lời ông kể, trong suốt 6 năm bị giam cầm trong nhà lao hà khắc của chế độ Ngô Đình Diệm, ông ngày nào cũng tập thiền để cân bằng bản thân, đủ sức đương đầu với những đòn cân não của kẻ thù.
Ông Lê Ngọc Tú nói mình kính trọng ông Mười Hương như người cha già. “Cuộc đời chú đã sống quá đẹp, đạo đức như cụ Hồ mà chú vẫn gọi là ông Hồ. Mong chú sớm gặp lại ông Hồ của chú và của dân tộc này”, ông Lê Ngọc Tú viết.
Lễ viếng đồng chí Trần Quốc Hương tiếp tục diễn ra trong buổi chiều 16-6. Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ sáng mai (17-6). Đồng chí được an táng tại Nghĩa trang thành phố (ở quận Thủ Đức). |