
Tuần qua, người hâm mộ không khỏi bàng hoàng trước cái chết thương tâm của chàng trai 22 tuổi, người Tây Ban Nha, Antonio Puerta (Sevilla) hôm 28-8-2007. Chỉ 1 ngày sau, cầu thủ người Zambia, anh Chaswe Nsofwa đang khoác áo CLB Israel Hapoel Beer Sheva, lại ngã lăn ra chết ngay trên sân tập. Trước đó một tháng, Walsall, cầu thủ trẻ mới 16 tuổi đang chơi ở CLB hạng ba nước Anh cũng chết trên sân tập với cùng nguyên nhân như Antonio Puerta. Điều gì đang xảy ra với bóng đá?
Ngược dòng lịch sử...

Cầu thủ chết trên sân cỏ (trong thi đấu hay tập luyện) do một số nguyên nhân: va chạm gây chấn thương nặng vùng nguy hiểm, có tiền sử bệnh tim mạch hoặc đột quỵ… Những năm 80 của thế kỷ 19 đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên trên sân cỏ vào ngày 12-1-1889, William Cropper (Anh), 27 tuổi, đang chơi cho Staveley FC thi đấu với Grimsby Town FC, bị đứt ruột trong một pha va chạm.
30 năm sau, một trường hợp cầu thủ tử nạn trên sân bóng được ghi nhận vào 27-12-1920. Đó là trường hợp hậu vệ Horace Fairhurst, 26 tuổi, chơi cho Blackpool, bị chấn thương nặng nơi đầu trong trận gặp Barnsley và chết vào ngày 7-1-1921.
Ngày 5-9-1931, thủ môn CLB Celtic, John Thomson, người Thụy Điển, 22 tuổi, bị chấn thương nặng ở đầu sau pha bay người cứu bóng ngoạn mục và anh đã chết ngay trong buổi chiều hôm ấy. 5 năm sau, một thủ môn đang chơi bóng cho Sunderland là Jimmy Thorpe (Anh) không thể gượng dậy nổi sau khi lãnh nguyên chiếc giày của một cầu thủ Chelsea vào đỉnh đầu. Đó là ngày 1-2-1936. Cái chết của Thorpe buộc Liên đoàn Bóng đá Anh phải điều chỉnh gấp luật chơi (mà sau này lan rộng ra khắp thế giới), rằng nghiêm cấm mọi va chạm, gây nguy hiểm cho thủ môn.
Chúng ta cũng cần lưu ý một điều là bóng đá khởi đầu từ nước Anh với hệ thống giải quốc gia phát triển nên việc lưu trữ tư liệu mang tính lịch sử được đặc biệt chú trọng. Những tai nạn sân cỏ gây chết người vì thế được ghi chép lại một cách đầy đủ, tỉ mỉ.
Ngày 30-10-1977, cái chết trên sân cỏ đầu tiên được ghi nhận ngoài nước Anh là trong trận Perugia gặp Juventus, Renato Curi lên cơn đau tim đột ngột và chết ngay trên sân nhà Stadio Pian di Massiano, Perugia. Tiếc thương anh, người ta đặt lại tên sân là Renato Curi.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, cái chết đầu tiên trong khuôn khổ vòng loại World Cup được ghi nhận vào ngày 12-8-1989 tại Nigeria. Samuel Okwaraji, 24 tuổi, đang chơi cho tuyển Nigeria trong trận gặp Angola thì đổ xuống sân chết vì nhồi máu cơ tim.
Sang thập niên 90 ghi nhận thêm 2 cái chết trên sân cỏ. Đầu tiên là David Longhurst (Anh) bị đau tim ngay trong trận York City gặp Lincoln vào ngày 8-9-1990. Sau đó, anh đã chết trên đường đưa đến bệnh viện. Vinh danh anh, người ta lấy tên anh đặt cho một trong bốn khu vực khán đài của sân Bootham Crescent, nay là sân Kitkat Crescent của CLB York City. 5 năm sau, ngôi sao bóng đá người Indonesia Mistar bị chết bởi một nguyên nhân rất vô duyên. Một đàn heo hàng trăm con chạy vào sân, ủi tứ tung và húc ngã Mistar khiến danh thủ này thiệt mạng. Đám tang của anh có đến 50.000 cổ động viên đưa tiễn.
Tử vong dồn dập trên sân cỏ đầu thế kỷ 21
Vào đầu thế kỷ 21, những cái chết trên sân cỏ ngày càng nhiều. Eri Irianto là cầu thủ Indonesia thứ hai chết trên sân cỏ khi tiền vệ này không vượt qua được cơn đau tim trong trận Persebaya Surabaya gặp PSIM Yogyakarta, ngày 1-4-2000. Anh mất vào lúc 1 giờ 45 rạng sáng hôm sau.
Ngày 5-10-2000, Catalin Hildan (Rumania) bị chết khi chơi cho Dinamo Bucharest và tên anh được đặt cho khu vực khán đài phía Bắc sân Dinamo.
Cái chết của cầu thủ Colombia Hernan Gaviria (sinh năm 1969) lại không do bệnh tật. Ngày 24-10-2002, Hernan và đồng đội Giovanni Cordoba đang tập luyện với CLB Deportivo Cali thì bị sét đánh. Hernan Gaviria chết ngay lập tức, còn Giovanni Cordoba chết 3 ngày sau đó.
Và hẳn các bạn không quên cái chết thương tâm của Marc Vivien Fóe (Cameroon) ngay trước mắt hàng triệu người theo dõi trực tiếp qua màn ảnh nhỏ giải FIFA Confederations Cup. Đó là ngày 26-6-2003, Cameroon gặp Colombia ở trận bán kết, Marc Vivien Fóe đang chạy trên sân thì đột ngột khuỵu gối và đã chết trong bệnh viện, vẫn với nguyên nhân là đau tim. Sau đó, Miklos Feher của Hungari chơi cho Befica (Bồ Đào Nha) cũng chết vì đau tim ngay trong trận đấu với Vitoria S.C, ngày 25-1-2004. Thương tiếc anh, Benfica quyết định giữ nguyên chiếc áo số 29 của anh mà không trao lại cho bất cứ ai khác.
Cầu thủ Brazil đầu tiên chết trên sân cỏ là Serginho hôm 27-10-2004, trong trận Sao Caetano gặp Sao Paolo. Cầu thủ Brazil thứ hai bị chết trên sân là thủ môn Cristiano Junior của CLB Subrata Paul ở phút 78 trong trận gặp Mohun Bagan.
Danh sách những cầu thủ tử vong trên sân cỏ còn được nối thêm cái tên Matt Gadsby (Anh) chơi cho Hinckley United trong trận đấu với Harrogate Town, ngày 9-9-2006. Anh ngã xuống sân và chết sau khi đến bệnh viện quận Harrogate. Người ta cho biết, anh chết vì cường độ vận động ở các cơ quá cao, máu đổ dồn về tim quá mạnh, gây sốc dẫn đến tử vong.
Trước tình trạng nhiều cái chết dồn dập ập đến, FIFA không cho phép mình chỉ nghĩ đến chuyện kinh doanh bóng đá mà còn phải nghĩ đến biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu những mất mát đau thương. Ngày 31-8-2007, FIFA thông báo ban hành quy định kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt đối với tất cả cầu thủ trên toàn thế giới.
Thà muộn còn hơn không!
LINH GIAO