Những cách làm sáng tạo vì dân: Khi dân đồng thuận
SGGP
Hàng loạt những con hẻm nhỏ xíu, ngoằn ngoèo và ngập nước ở TPHCM đã trở nên khang trang, sạch sẽ. Đời sống người dân cũng thay đổi tích cực hơn. Kết quả này đến từ sự định hướng, chỉ đạo của Đảng và quá trình nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng từ người dân.
Nhờ người dân hiến đất mở rộng đường, xây dựng hệ thống thoát nước, nên giờ đây các bé không phải bì bõm lội nước vào Trường Mầm non Hương Sen (khu phố 8, phường 9, quận Gò Vấp) . Ảnh: QUANG HUY
LTS: Các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng bộ TPHCM hướng đến mục tiêu sát hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nỗ lực với nhiều giải pháp sáng tạo để cụ thể hóa các chủ trương này, đưa những câu chữ tưởng như khô khan, hành chính đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo Đảng, của chính quyền và tin yêu cuộc sống.
Hẻm rộng, dân đổi đời
Nhiều năm trước, mỗi khi mưa xuống, những con hẻm ngoằn ngoèo tại các khu phố 2, 3, 5, 6 và 8 (phường 9 quận Gò Vấp) thường xuyên ngập úng, bốc mùi hôi thối. Đây là thời gian hết sức khó khăn đối với người dân trong hẻm, từ việc đi lại đến các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.
Tại đây có một trường mầm non (Trường Hoa Sen) và các bé phải vượt qua những con đường đông đúc xe cộ (đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu), rồi lội bì bõm trên con hẻm 152 Nguyễn Văn Khối mới vào được trường.
Thế nhưng, giờ đây đón chúng tôi là những con hẻm sạch đẹp, góp phần giải tỏa áp lực giao thông cho các tuyến đường chính trên địa bàn. Đó là nhờ cuối năm 2015 đến nay, 250 hộ trong phường đã hiến trên 1.000m2 đất (giá trị đất không dưới 20 tỷ đồng) để xây đường, mở hẻm.
Không những thế, người dân địa phương còn hăng hái góp công, chung tay thực hiện, mở rộng con hẻm từ 1,5m lên 4m, 8m, 12m.
Ông Nguyễn Quốc Linh (50 tuổi, ngụ khu phố 8) hào hứng nhận xét, sau khi mở rộng hẻm, giá nhà khu vực tăng lên vùn vụt. Chuyện sửa sang, xây cất nhà cửa dễ dàng hơn, nên giờ đây có thêm nhiều nhà cao tầng, cửa hàng tạp hóa, cà phê, thời trang tại khu phố.
“Khu phố tôi đã lột xác, cuộc sống người dân cũng được cải thiện và đời sống ổn định hơn”. Cũng như ông Linh, hầu hết các hộ dân trong hẻm 152 đều khẳng định: “Rộng hẻm, đổi đời”.
Ở góc đường Trương Quốc Dung - Trần Hữu Trang (phường 10 quận Phú Nhuận), cửa hàng bán thịt bò của vợ chồng ông Võ Anh Dũng luôn đông khách.
Từ ngày gia đình ông Dũng và người dân sống trên đường Trương Quốc Dung đồng thuận giao đất để mở rộng đường, việc buôn bán của mọi người trở nên tốt hơn. Nhìn căn nhà ngày xưa hơn 50m2 nay bị thu hẹp chỉ còn đủ diện tích kê sạp hàng, ông Dũng cũng tiếc “đứt ruột”.
Song, đổi lại giờ đây khách khứa đông hơn, doanh thu của sạp thịt bò ngày một tăng nên gia đình ông có điều kiện tích lũy và mua được căn nhà mới khang trang hơn.
Cũng như gia đình ông Dũng, khi đường Trương Quốc Dung được mở rộng, người dân khu vực đã nhận được nhiều tiện ích hơn. Đây là con đường huyết mạch nối từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến chợ Trần Hữu Trang, người xe qua lại thường xuyên.
Trước đây, đường Trương Quốc Dung chỉ rộng từ 1,9 - 3,5m, lại cong cong uốn lượn. Mưa thì lầy lội, giờ cao điểm lại kẹt xe. Khổ nhất là khi có hỏa hoạn hay người bệnh cần đi bệnh viện, xe cứu hỏa, cứu thương không đi vào được. Hiện nay, công trình mở rộng đường đang ở giai đoạn cuối nhưng lòng đường Trương Quốc Dung đã được mở rộng ra 8m khang trang.
Người dân hẻm 62 (số lẻ) Lý Chính Thắng tháo dỡ vật kiến trúc, giao đất mở rộng hẻm . Ảnh: THU HƯỜNG
Tương tự, trong số 10 hẻm ở quận 3 được mở rộng đồng loạt dịp đầu tháng 9-2019, hẻm 62 (số lẻ) Lý Chính Thắng thuộc phường 8 nay đang dần khang trang sau 14 năm “treo”.
Ở giữa trung tâm thành phố, con hẻm này “đặc biệt” hơn nhiều con hẻm khác vì… ngập quanh năm. Vào mùa nắng, người dân trong hẻm cũng sống chung với 2 đợt triều cường mỗi tháng với nước ngập vài ngày. Mùa mưa thì nước đọng triền miên từ ngày này qua ngày khác.
Cả hệ thống đồng hành
Theo Bí thư Đảng ủy phường 8 quận 3 Lê Xuân Lâm, từ năm 2003, trong văn kiện Đại hội Đảng bộ quận 3 các nhiệm kỳ đều nhấn mạnh đến công tác mở rộng hẻm. Từ đó, Đảng ủy phường 8 cũng nỗ lực triển khai công tác vận động người dân hiến đất mở hẻm 62 (số lẻ). Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà nhiệm vụ này bị “treo” suốt 14 năm.
Đến tháng 5-2015, Đảng bộ phường 8 ban hành Nghị quyết 11-NQ/ĐU về lãnh đạo thực hiện công tác vận động nhân dân tham gia hiến đất mở hẻm 62 (số lẻ) Lý Chính Thắng.
Người dân hiến đất trị giá hơn 2.200 tỷ đồng
Tính đến năm 2018, người dân TPHCM đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất để mở rộng hẻm, ước tính trên 2.200 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, riêng tại quận 3, người dân đã hiến 9.400m2 “đất vàng” ngay giữa trung tâm thành phố để mở rộng 34 tuyến hẻm. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quận Phú Nhuận cũng mở rộng gần 80 hẻm và người dân đã hiến gần 15.000m2đất.
Nghị quyết giao UBND phường, MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân, với sự đồng hành của Đảng ủy phường.
Sau các cuộc tiếp xúc nhân dân, Đảng ủy phường nhận thấy, sở dĩ người dân chưa đồng thuận hiến đất mở hẻm bởi nhiều người nhầm lẫn giữa hiến đất với quy hoạch giải tỏa. Một số hộ dân lấn cấn vì nhà có diện tích nhỏ quá, nếu hiến đất mở rộng hẻm thì sẽ khó khăn về chỗ ở.
Xác định được điểm mấu chốt này, Đảng ủy phường chỉ đạo tháo gỡ, trực tiếp đối thoại với người dân. Để giải quyết căn cơ vấn đề, ngoài việc phân tích các lợi ích sau khi mở rộng hẻm, Đảng ủy phường 8 còn rà soát, trình Quận ủy, UBND quận hỗ trợ kinh phí và cho phép các hộ có diện tích nhỏ được sửa chữa, xây dựng tạm để đáp ứng nhu cầu chỗ ở.
Trong khi đó, thành quả mở rộng tuyến đường Trương Quốc Dung của Đảng bộ phường 10 quận Phú Nhuận là giấc mơ của chính quyền phường suốt 30 năm.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Phú Nhuận nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã đề ra nhiệm vụ mở rộng đường Trương Quốc Dung là trọng điểm. Bí thư Đảng ủy phường 10 quận Phú Nhuận Võ Thị Phương Dung cho biết, để thuyết phục người dân hiến đất, cả Đảng bộ lẫn các đoàn thể của phường đều nỗ lực, không chỉ gặp dân tại các buổi tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy còn trực tiếp xuống nhà dân để lắng nghe người dân. Khi đã nắm rõ lòng dân thì tìm hướng giải quyết cho thật thấu đáo.
Ông VÕ KHẮC THÁI, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 3
Giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân
Mở hẻm là mục tiêu trọng tâm của quận 3 xuất phát từ thực tế nhu cầu của người dân, đặc biệt là tại văn kiện Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015-2020. “Chiến dịch” mở rộng đồng loạt 10 hẻm được Quận ủy bàn bạc rất kỹ. Quận ủy xác định mở rộng hẻm là việc sớm muộn phải làm nên cần có cách tiếp cận để tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt. Có thể lúc đầu sẽ khó, nhưng khi người dân tin vào chủ trương của Đảng thì những chiến dịch sau sẽ dễ.
Vì thế, Thường trực Quận ủy, UBND quận 3 và trưởng các phòng ban trực tiếp tham gia ban giám sát của các phường, trực tiếp nắm bắt và tháo gỡ tại chỗ các vấn đề người dân còn lấn cấn hoặc những vấn đề mới phát sinh. Cùng với đó là có các chính sách, giải pháp hỗ trợ tối đa quyền lợi chính đáng của người dân. Từ những việc làm đó, người dân tin vào các chính sách của Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Ông NGUYỄN THÀNH MINH, Bí thư Đảng ủy phường 9 quận Gò Vấp
Vận động người dân, huy động mọi nguồn lực
Đến nay, toàn phường 9 đã bê tông hóa 95 tuyến hẻm; nâng cấp, cải tạo 12 tuyến hẻm và duy tu 5 tuyến hẻm khác. Những hẻm trước đây ngập từ 0,4 - 1m thì nay đã hết ngập, thay đổi toàn bộ diện mạo của các khu dân cư tại phường 9.
Cách làm của phường là cải tạo để khu dân cư được quy hoạch như khu đô thị mới. Ngoài ưu tiên việc mở rộng hẻm thì Đảng ủy phường tính toán luôn cả việc huy động mọi nguồn lực, từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn phường đến những gia đình tiêu biểu… để nâng cấp hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng, cống thoát nước, kết nối với các tuyến đường chính, giải tỏa áp lực về giao thông cho các phương tiện.