Kết quả hiện nay dù chỉ là bước đầu, nhưng là tín hiệu tích cực vì nhiều cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan nhà nước đã có sự chuyển động theo hướng phục vụ người dân.
Nhận và trả hồ sơ tại nhà
“Alo, có phải UBND phường 3? Tôi muốn đăng ký sao y chứng thực giấy tờ, bên phường có thể cử cán bộ qua tiếp nhận giùm tôi được không?”. “Bác vui lòng để lại địa chỉ, phường sẽ cử người qua tiếp nhận ngay”. Những đoạn trao đổi như trên xuất hiện thường xuyên hơn giữa bộ phận Văn phòng UBND phường 3 (quận 11, TPHCM) với người dân trên địa bàn.
Sau khi nhận được yêu cầu từ người dân, cán bộ nhận thông tin ghi vào sổ tiếp nhận và thông báo tới cán bộ phụ trách đến nhà dân nhận hồ sơ. Với mỗi trường hợp, khoảng 40 phút từ khi nhận được yêu cầu, thủ tục sẽ được giải quyết và hồ sơ được trao trả tận nhà người dân.
Cách giải quyết hồ sơ như trên còn khá lạ so với quy luật thông thường lâu nay. Và để làm được điều đó là nỗ lực của cả tập thể UBND phường, cùng sự chỉ đạo sát sao của Quận ủy quận 11. Bí thư Đảng ủy phường 3 Nguyễn Hoàng Phú chia sẻ, thực hiện chủ đề năm đột phá CCHC, Đảng ủy phường 3 quyết định chọn mô hình “Tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà” nhằm mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dân. Khi đưa mô hình này ra bàn tính, Đảng ủy có nhiều băn khoăn về cách thức thực hiện, thời gian sao cho phù hợp và ai sẽ làm.
Tuy nhiên, từ mục tiêu phục vụ người dân, Đảng ủy quyết tâm thực hiện, bằng cách yêu cầu “diễn tập” trước. Để xác định khoảng thời gian giải quyết yêu cầu của người dân, bao gồm 3 công đoạn: “cán bộ đến nhận hồ sơ - chứng thực hồ sơ - trả hồ sơ”, phường chọn những trường hợp ở cách xa trụ sở UBND phường làm điểm trước. Cũng trên quan điểm phục vụ, phường chọn cán bộ giao nhận hồ sơ phải am hiểu địa bàn và có thái độ hòa nhã, có uy tín đối với người dân.
Sau thời gian vận hành ổn định, Đảng ủy giao UBND phường 3 xây dựng quy trình tiếp nhận, trả hồ sơ tại nhà người dân thật chặt chẽ. Khi chính thức vận hành, UBND phường phân công 4 cán bộ (thương binh - xã hội, văn phòng, văn hóa - thông tin và chữ thập đỏ) phụ trách 4 khu phố trên địa bàn làm nhiệm vụ nhận và trả hồ sơ tận nhà cho người dân. Như vậy, người dân chỉ cần ở nhà, gọi điện thoại thông báo yêu cầu thì sẽ được phường cử người đến tận nhà nhận giấy tờ, mang về phường giải quyết rồi đem tới trả kết quả. Khi nhận kết quả, người dân mới trả lệ phí, bằng với mức khi đến phường thực hiện thủ tục.
Cuối tháng 11-2018, mô hình “Tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà” chính thức hoạt động. Mặc dù Đảng bộ, UBND phường 3 có nhiều nỗ lực nhưng người dân vẫn còn ngại giao giấy tờ bản gốc, nhất là giấy tờ có giá trị cho người khác. Do đó, Đảng ủy chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình, cam kết giữ gìn, bảo quản giấy tờ. Nhờ vậy, người dân đã tin tưởng hơn và số lượng sử dụng dịch vụ này ngày càng nhiều. Hiện nay, phường 3 đang lên kế hoạch mở rộng cung cấp dịch vụ giải quyết hồ sơ tận nhà cho người dân ở các lĩnh vực tư pháp - hộ tịch và bảo hiểm y tế.
Chuyển động trong tư duy, phục vụ
Chủ trương đột phá CCHC thật sự không mới, đã được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm qua; chính quyền cũng vào cuộc quyết liệt. Đặc biệt, từ tháng 11-2018, từ yêu cầu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, một đợt thi đua cao điểm về CCHC được khởi động trên toàn địa bàn thành phố. Chỉ trong 3 tháng (từ tháng 11-2018 đến 1-2019), toàn thành phố đã có hơn 300 giải pháp, sáng kiến về CCHC ra đời, góp phần giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Trong hơn 300 giải pháp, sáng kiến trên có nhiều mô hình “phục vụ người dân” đã ra đời. Đơn cử, Chi bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an quận 9) đã lập tổ lưu động đến tận nhà người dân cấp căn cước công dân (CCCD) miễn phí. Mô hình này không chỉ xóa đi những ấn tượng không tốt về nỗi khổ mỗi khi người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến công an, như chứng minh nhân dân (CMND), CCCD, hộ khẩu… mà còn cho thấy sự chuyển động rõ nét từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ người dân.
Cụ thể, tổ lưu động của Chi bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH quận 9, đến tận nhà những người không đi lại được, người có công, gia đình chính sách, người cao tuổi… và trường học để cấp CCCD. Mỗi lần như thế, tổ đều khệ nệ mang theo “đồ nghề” để chụp ảnh, lấy dấu vân tay tại nhà dân hoặc các điểm sinh hoạt tổ khu phố.
Khi có kết quả, công an tiếp tục đến nhà trả CCCD. Không những thế, chi bộ này còn có nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho người dân như rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục liên quan đến hộ khẩu từ 3 ngày xuống còn trong ngày; liên hệ các cơ quan chức năng sao lục tư liệu (đối với trường hợp thiếu thủ tục, giấy tờ) để bổ sung hồ sơ giúp người dân.
Một điểm nhấn khác về CCHC là trong năm 2019, đồng loạt 24 quận huyện trên địa bàn TPHCM đưa các ứng dụng trực tuyến vào hoạt động hành chính. Thông qua đó, người dân ở bất cứ nơi đâu đều dễ dàng tương tác với chính quyền thông qua chiếc điện thoại thông minh.
Đã tải ứng dụng “Hóc Môn trực tuyến” về điện thoại di động, ông Phạm Thế Minh (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) đánh giá, ứng dụng này rất hữu ích. Mỗi khi cần làm thủ tục, ông vào ứng dụng lấy số thứ tự giải quyết hồ sơ rồi làm công việc của mình và canh giờ đến làm thủ tục. Trong khi nếu theo cách cũ, ông Minh phải lên UBND huyện lấy số trực tiếp và ngồi chờ 1 giờ hoặc lâu hơn mới đến lượt.
Cũng như huyện Hóc Môn, hầu hết 24 quận huyện đều đã vận hành ứng dụng trực tuyến như “Bình Thạnh trực tuyến”, “Thủ Đức trực tuyến”… Các ứng dụng này cung cấp nhiều chức năng liên quan trực tiếp đến người dân như tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, phản ánh hồ sơ trễ hạn, lấy số thứ tự qua mạng, nộp hồ sơ qua mạng...
Qua đó, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên điện thoại di động mà không phải trực tiếp đến trụ sở UBND các quận huyện. Mặt khác, ứng dụng cho phép người dân đánh giá sự hài lòng cũng như phản ánh thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; từ đó góp phần xây dựng thái độ phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tốt hơn.
Nhìn chung, từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị có bước tiến dài trong CCHC theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Mặc dù, kết quả đạt so với mong muốn của người dân còn nhiều khoảng cách, song với sự khởi động như thời gian qua, người dân, doanh nghiệp đang trông chờ về một nền hành chính phục vụ, thuận tiện nhất. Cơ sở của kỳ vọng đến từ sự chuyển động trong tư duy, hành động của cán bộ công chức khi mô hình phục vụ người dân xuất hiện ngày càng nhiều, thay thế dần tư duy, hành động ban phát, xin - cho.
Ông NGÔ VĂN LUẬN, Bí thư Quận ủy quận 11: Theo dõi sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn Thực hiện chủ đề đột phá CCHC, Quận ủy quận 11 ban hành Nghị quyết 19-NQ/QU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chỉ đạo các cấp ủy cơ sở đảng, cơ quan đơn vị thực hiện CCHC thiết thực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Quận ủy phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, các cấp ủy cơ sở đảng, cơ quan đơn vị của quận, đặc biệt là Đảng ủy 16 phường thuộc quận triển khai nhiều mô hình hay về CCHC nhằm phục vụ người dân. Trong đó, mô hình “Tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà” của UBND phường 3 được đánh giá cao. Cũng từ chủ trương về thực hiện CCHC, cán bộ, công chức tiếp dân của UBND 16 phường được bồi dưỡng, chọn lựa từ những người nhiệt tình, am hiểu luật pháp, làm tốt công tác dân vận. Đặc biệt ở những phường đông người Hoa thì bố trí cán bộ, công chức biết tiếng Hoa để giao dịch với người dân. |