Xanh hóa vùng ô nhiễm
Hơn 7 tháng trước, đoạn đường tại khu vực mương hở giáp đường sắt Bắc - Nam (khu phố 7, phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) là nơi tập kết rác thải sinh hoạt, rác ve chai, xác chết động vật… Rác đổ đầy hai bên lối đi, bít gần hết con đường và tràn xuống con mương thoát nước khiến dòng chảy tắc nghẽn.
Theo bà Trần Thị Ba (khu phố 7), bãi rác này tồn tại gần 10 năm, gây mùi hôi thối cả khu vực. Chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức dọn dẹp, nhưng đâu lại vào đấy và ngày một nhiều thêm. “Giờ thì rác được dọn hết. Con đường như rộng rãi, đẹp và mướt mắt hơn vì một số bồn hoa đã thay bãi rác. Mương thoát nước cũng được khơi thông nên không còn hôi thối nữa”, bà Ba vui vẻ.
Tại một khu đất ở khu phố 7, phường 15, quận Gò Vấp, cũng là điểm sáng khi biến bãi rác thành công viên. Có mặt tại đây, khó thể tin rằng trước đây là một điểm đen về rác mà ai cũng ngại đến gần. Theo tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố, khu phố 7 Nguyễn Văn Phước, khu đất này rộng gần 1.000m2 nằm sát kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, được quy hoạch là mảng xanh của khu vực. Do chưa có kinh phí nên khu đất để hoang và trở thành điểm tập kết rác thải. Đây còn là nơi đối tượng nghiện hút chích thường xuyên tụ tập. “Những đêm tuần tra qua đây, chúng tôi phải quan sát kỹ mới tránh đạp phải kim tiêm khắp nơi”, ông Phước kể.
Trước thực trạng trên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 15 (quận Gò Vấp) Hứa Quốc Thy bày tỏ, đây là vấn đề nhức nhối của Đảng bộ phường 15. Nguyên do, khu phố 7 và nhiều nơi khác ở phường vướng quy hoạch và việc thực hiện dự án chỉnh trang kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (khoảng 2km đi qua địa bàn phường 15 - PV) nên có nhiều khu đất trống. Vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường đặt ra nhiệm vụ “xóa các khu đất trống, điểm đen về rác trở thành công viên, điểm sinh hoạt cộng đồng”. Trên cơ sở đó, phường lên kế hoạch chi tiết gồm nhiều bước, đặc biệt là xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức các buổi phát động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới.
Bắt tay vào thực hiện, cán bộ phường kết hợp chặt chẽ với chi bộ, đảng viên khu phố 7 đến từng nhà dân lấy ý kiến, vận động người dân chung tay thực hiện. Một kế hoạch chi tiết cũng được đưa ra là dọn rác, thi công cải tạo bãi rác thành công viên, lắp đặt các trang thiết bị tập thể dục phục vụ người dân. Cùng với đó là vận động người dân tham gia sinh hoạt, hỗ trợ chăm sóc cây xanh, bảo quản các thiết bị tập thể dục.
Nhận thấy rõ những lợi ích mang lại từ kế hoạch trên, người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ, tham gia cùng chính quyền phát quang, dọn sạch điểm đen về rác thải và rải đá dăm, trồng cây xanh dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Chỉ hơn 1 tháng sau, điểm đen về rác này đã bị xóa bỏ. Cũng chính nơi này, “tấm áo” màu xanh của công viên được khoác lên và sáng sớm, chiều tối hàng ngày đón nhận đông đúc người dân đến vui chơi, giải trí.
Khi cấp ủy chung tay
Sự chuyển hóa rõ nét các điểm đen về rác nêu trên đến từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt từ cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (theo Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19-10-2018) mà toàn thành phố đang thực hiện.
Sự tập trung này bắt đầu từ chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại hội nghị Thành ủy vào tháng 10-2018, cũng để góp phần hỗ trợ UBND TPHCM triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện cuộc vận động, không chỉ quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp chuyển hóa được các điểm đen về rác trên địa bàn mà đồng loạt 24 quận huyện đều tập trung thực hiện, nhằm từng bước cải thiện môi trường sống cho người dân. Tính đến nay, toàn thành phố đã xử lý được 517/600 điểm đen về rác thải, nhiều điểm đen được chuyển hóa thành công trình công cộng, tiểu cảnh phục vụ người dân. Trong đó, quận Bình Thạnh xóa sạch và xanh hóa ô nhiễm 22 điểm đen; quận 9 giải quyết 64/88 điểm đen về rác thải, nhiều điểm trở thành vườn hoa, công viên…
Theo Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 9 Cao Thị Ngọc Châu, kết quả này đến từ sự tập trung, chủ động thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai giải pháp chấm dứt tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch. Tuy nhiên, tình trạng dọn dẹp xong nhưng chỉ qua một đêm “đâu lại vào đấy”, nhất là các khu đất trống ở giáp ranh địa bàn khác vẫn còn. Do đó, Quận ủy sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường; đồng thời chỉ đạo chính quyền tập trung xử lý các điểm đen ô nhiễm và tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy phường 11 (quận Bình Thạnh) Lê Minh Hải cho rằng, để xóa được điểm đen về rác tồn đọng nhiều năm, điều quan trọng là phải giúp dân hiểu để nâng cao ý thức, từ đó không tái phát điểm ô nhiễm. Chẳng hạn, tại điểm đen rác thải ở mương hở giáp đường sắt Bắc - Nam, Đảng ủy phường và mặt trận, đoàn thể lên kế hoạch tổ chức nhiều đợt tổng vệ sinh, gom nhiều tấn rác; tuyên truyền người dân về việc đổ rác đúng nơi quy định, cũng như các hình thức xử phạt vi phạm… Phường cũng gắn camera giám sát, để nhắc nhở, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Sau 7 tháng thực hiện kiên trì, Đảng ủy phường 11 đã giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ môi trường trong lành cho khu vực vốn ô nhiễm từ nhiều năm.
Ông LÊ MINH HẢI, Bí thư Đảng ủy phường 11, quận Bình Thạnh: Nghe dân để thực hiện Thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Đảng ủy phường đã ban hành các kế hoạch, nghị quyết để chỉ đạo quyết liệt thực hiện cuộc vận động. Trong kế hoạch, chúng tôi không đưa ra hoạt động suông mà lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể và người dân chung tay tham gia thực hiện. Đảng ủy phường còn giao việc và tác động đến chi bộ khu phố để thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn người dân cách bỏ rác đúng nơi quy định, xử lý rõ ràng các trường hợp vi phạm. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi đối thoại với dân để lắng nghe ý kiến, cùng dân bàn cách thực hiện tốt nhất cuộc vận động. Nhờ đó, nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Khu đất của nghĩa trang Tế Độ (tổ dân phố 59A, 59B thuộc khu phố 10) rộng gần 1.800m2 để hoang nhiều năm nên người dân đổ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng. Không lâu sau đó, nơi đây trở thành điểm đen về rác, gây bức xúc trong nhân dân. Từ thực tế này, Đảng ủy phường 11 quán triệt, triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức loại bỏ bãi rác tự phát, xây dựng mỹ quan đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp. Kết quả, tại khu vực trên đã hình thành một công viên khang trang với những hàng cây xanh tươi mát. Công viên còn có ghế đá, 2 sân tập cầu lông, khu tập thể dục, dưỡng sinh, khu vui chơi dành cho trẻ em, cùng nhà vệ sinh với thiết bị hiện đại. Toàn bộ kinh phí thực hiện, gần 500 triệu đồng, từ nguồn vận động nhân dân và mạnh thường quân ở phường 11. Như vậy, công trình này được thực hiện với phương châm “lấy sức dân phục vụ nhân dân”, nên mang lại nhiều ý nghĩa trong việc xây dựng ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường. |