Khoảnh khắc đáng nhớ
Nhiếp ảnh gia người Pháp, Alexander Garel, đến TPHCM vào cuối năm 2011, qua lời mời của người bạn thân. “Đây là nơi khiến mình cảm thấy như ở nhà vậy. Phải hòa nhập thôi”, Garel chia sẻ.
Những năm tháng ở đây, Garel nhận ra vẻ đẹp độc đáo của TPHCM, anh dạo khắp các tuyến đường, ngõ hẻm, chụp những bức ảnh về những biệt thự cổ, chung cư cũ… Những ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hàng triệu cư dân phải ở trong nhà, bỏ lại những đường phố trống vắng vốn ồn ào, chen chúc xe cộ.
Một TPHCM mới - cũ, giàu nghĩa tình, hào sảng, cởi mở, sẵn sàng cưu mang hết thảy mọi người đến đây để mưu sinh và thực hiện những ước mơ nghệ thuật như Garel, được anh ghi lại đầy đủ qua những bức ảnh của mình. “Mạnh mẽ lên… Hãy tiêm vaccine, nếu bạn có thể…”, Garel ghi trên facebook của mình, kèm theo những bức ảnh về một thành phố “khác so với trước đây”.
Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn, với tình yêu nghệ thuật và trách nhiệm công dân, cho ra đời những tác phẩm có giá trị nhân văn về thành phố những ngày giãn cách. Hình ảnh sâu lắng sau cơn mưa, người công nhân vệ sinh cùng đồng nghiệp cần mẫn với công việc khi màn đêm buông xuống. Xúc động khi ông bắt gặp một người già cô quạnh của những ngày giãn cách; bộ bàn ghế nhà hàng trống vắng và xóm nghèo bên dòng Nhiêu Lộc có những con hẻm từng nhộn nhịp, giờ vắng bóng trẻ thơ nô đùa…
Tác phẩm của ông sáng tình người. Mọi người xem những tấm ảnh của ông đều có cách riêng của mình để đồng cảm và khích lệ người thành phố trong những ngày lo toan, mệt mỏi, vất vả do dịch bệnh gây nên. Ông ứa nước mắt, chia sẻ đầy niềm tin: “Chúng ta sẽ lại sớm được vui vầy trong thành phố như một đại gia đình phóng khoáng, vốn nghĩa tình và sôi động…”.
Với những tay máy trẻ như Ngô Trần Hải An, mọi người như hiểu thêm về một thành phố kiên cường, từ đội ngũ y bác sĩ đến các chiến sĩ ở chốt trực. Hải An trải lòng mình trên trang cá nhân: “Những gì không thể tránh được thì phải đối mặt. Đại dịch đem đến nỗi đau phân ly, mất mát nhưng dạy cho ta cách hàn gắn yêu thương…”.
Hiệu quả truyền thông
Những bức ảnh của Ngô Trần Hải An chụp nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, đeo khẩu trang thổi saxophone tại sân bệnh viện dã chiến, được lan truyền trên các trang mạng xã hội, khắp các mặt báo, cho thấy hiệu quả truyền thông từ những bức ảnh này. Những bình luận như: “Những bức ảnh làm lay động trái tim”; “Xúc động rơi nước mắt anh ơi”; “Một việc làm đầy ý nghĩa và một hình ảnh thật khó quên trong những ngày mà cả thành phố yêu thương của chúng ta đang ngày đêm oằn mình chống dịch Covid-19”; “Sài Gòn cố lên…” kèm việc chia sẻ ảnh, clip lại có dịp lan tỏa.
Những bức ảnh mà Ngô Trần Hải An chụp ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cơ sở 2, sau khi được tác giả đăng tải trên facebook, cũng đã nhận được vài ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận khen ngợi, cổ vũ tinh thần lực lượng y bác sĩ, người ở tuyến đầu.
Tài khoản Tú Anh, đến từ Huế, sau khi chia sẻ những bức ảnh của Ngô Trần Hải An chụp ở bệnh viện về trang cá nhân của mình, đã kèm dòng trạng thái: “Góc nhìn chân thật ở tuyến đầu. Cầu mong bình an sớm trở lại. Cầu mong ý thức của người dân ngày càng cao để hạn chế dịch bệnh”.
Tương tự, trên trang facebook của Nguyễn Đỗ Trúc Phương, bức ảnh cô chụp những góc phố nghèo, con hẻm nhếch nhác khi giúp đỡ cụ già, em nhỏ, hay những chuyến phát quà cho bà con ở những khu vực cách ly, phong tỏa của TPHCM trong đợt giãn cách xã hội lần này, được mọi người quan tâm, chia sẻ rất lớn.
Hay trên tài khoản facebook Thanh Cường, Huy Nguyễn, Phạm Hoài Nam, Quyền Linh… những bức ảnh đẹp, giàu giá trị nhân văn được các tài khoản facebook quan tâm, chia sẻ, lan tỏa trong cộng đồng.
Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn cho biết: “Thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông xuất hiện nhiều bức ảnh hay về thành phố phương Nam giàu nhân nghĩa và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Tôi cho rằng, một bức ảnh hay thì hiệu quả truyền thông hữu hiệu hơn ngàn lời nói. Những bức ảnh đó sẽ giúp mọi người trên khắp thế giới thấy một Việt Nam quyết tâm, kiên cường phòng chống dịch bệnh”.