Rộng mở tấm lòng thiện nguyện
Quê ở Nam Định, tháng 6-1993, Nhử Thì Hường cùng gia đình vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Những tháng đầu nơi vùng quê mới, gia đình rất khó khăn, chạy lo bữa ăn hàng ngày nên cuối năm ấy, chị xin vào làm công nhân cạo mủ cao su cho Nông trường Thọ Sơn, thuộc Công ty Cao su Phú Riềng. Đến năm 2005, chị xin nghỉ việc ở nhà làm rẫy kết hợp buôn bán nuôi 2 con ăn học. Khi kinh tế gia đình dần ổn định, chị Hường gắn bó với công việc thiện nguyện.
Dù mới ra đời được 5 năm, nhưng nhóm thiện nguyện của chị Hường (xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện ở trong và ngoài tỉnh. Từ việc quyên góp giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến nâng bước học sinh nghèo, hay duy trì bếp cơm tình thương (mỗi ngày nấu 70, 80 suất phục vụ bệnh nhân nghèo), chị Hường và những thành viên trong nhóm luôn sẵn lòng giúp đỡ, không nề hà khó khăn, vất vả.
Năm 2021 là một năm thật đặc biệt với các chị em trong nhóm thiện nguyện của chị Nhử Thì Hường khi cả nhóm cùng tham gia phòng chống dịch nơi tuyến đầu. Chị Hường cùng các chị em của nhóm đã vận động, tiếp nhận gần 50 tấn hàng hóa, gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, rau củ quả và hàng trăm triệu đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở vùng dịch, các khu cách ly. Đầu tháng 10-2021, chị Hường và nhóm còn nấu hàng ngàn suất ăn giúp người dân từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung khi qua huyện Bù Đăng.
Vững vàng nơi tuyến đầu
Giữa tháng 7, qua sàng lọc và xét nghiệm bệnh nhân vào khám và điều trị, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phát hiện nhiều trường hợp mắc Covid-19; số ca mắc sau đó liên tục tăng ở bệnh viện. Áp lực về nhân lực trong thời gian này rất lớn vì y bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều việc và bị cách ly.
Trong hoàn cảnh này, với vai trò Phó Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Lê Thị Phương Trâm cùng tập thể Ban Giám đốc đã có nhiều chỉ đạo sát sao, kịp thời, giúp công tác phòng chống dịch mang lại hiệu quả. Trong số đó, có thể kể đến việc rà soát đánh giá các yếu tố tiếp xúc ca nhiễm thật kỹ để hạn chế nhân viên bị cách ly gây thiếu nhân lực; bố trí, xây dựng khu khám sàng lọc tại khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu, khoa Sản; triển khai khu xét nghiệm Covid-19, khu điều trị bệnh nhân trung bình và có bệnh nền cần điều trị bệnh nền, khu điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhân (BN) Covid-19 nặng, khu vực phẫu thuật và sinh cho BN nhiễm Covid-19. Bố trí khu cách ly cho nhân viên sau phục vụ điều trị BN Covid-19, khu cách ly cho nhân viên liên quan tiếp xúc hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Trâm tâm sự: “Diễn biến đợt 4 nhanh khó lường, BN nhiễm Covid-19 có nhiều trường hợp nặng và tử vong làm tinh thần nhân viên y tế rất lo lắng không ngủ được, cảm thấy không giúp được cho BN, căng thẳng với các ca nhiễm mới, hồi hộp theo dõi kết quả xét nghiệm khẳng định; BV phải cách ly sàng lọc, cách ly khi nghi ngờ nhiễm Covid-19 cho BN và người nhà; cách ly nhân viên liên quan tiếp xúc với BN hoặc nhân viên bị nhiễm Covid-19 và trong thời gian ngắn phải thiết lập nhiều phòng cách ly; triển khai các khu điều trị bệnh nặng không kịp với số lượng bệnh nặng gia tăng; máy móc thiết bị như máy thở, monitor theo dõi BN không đủ và bệnh viện đối mặt với áp lực rất lớn trong điều trị, nhất là với các ca bệnh nặng”.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã xác định được những việc thực hiện trong thời gian cao điểm dịch vừa qua là đúng hướng, những kết quả trong công tác điều trị bệnh và tham gia chống dịch giúp bệnh viện tiếp tục hoạt động ổn định và thích ứng tình hình mới.