Con gái đã thành “anh bộ đội”
Những ngày qua, người dân xã biển Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM) nói nhiều về cô gái Huỳnh Trần Diễm Thúy đã tốt nghiệp đại học và xung phong nhập ngũ. Ở huyện ngoại thành, sinh viên theo học đại học còn ít. Với tấm bằng đại học ngành lưu trữ, Diễm Thúy không khó tìm được việc làm ở địa phương. Nỗi lo của Diễm Thúy khi gửi đơn tình nguyện đi tòng quân là sức khỏe, vì chiều cao 1,623m của Thúy đạt tiêu chuẩn, nhưng cân nặng chỉ 44kg. Niềm vui vỡ òa khi Diễm Thúy nhận được giấy báo nhập ngũ.
Nữ quân nhân Phan Vũ Kim Phụng cùng mẹ và anh trai trong lễ kết nạp Đảng, ngày 12-2-2022 |
Trước khi gặp tân binh Phan Vũ Kim Phụng (SN 1998, ngụ 408/A chung cư Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3), chúng tôi nghe đồng đội cũ của Phụng ở Phường đội phường 13, quận 3, kể nhiều về nữ chiến sĩ dân quân cơ động luôn đi đầu trong các đợt huấn luyện tập trung, điều lệnh đội ngũ. Để được làm người lính bộ đội Cụ Hồ, đối với nữ dân quân Kim Phụng là một hành trình dài. Là con gái út trong nhà, dáng vóc mảnh mai, Kim Phụng chọn ngành học là Luật Kinh tế. Tốt nghiệp đại học, Kim Phụng xin tham gia dân quân cơ động của phường.
Cùng với cả nước, dự kiến ngày 8-2, TPHCM tổ chức lễ giao nhận quân năm 2023. Năm nay, TPHCM tuyển 4.079 công dân nhập ngũ (188 công dân dự phòng), trong đó có 3 nữ công dân (đều có trình độ cao đẳng, đại học) viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Trong số công dân nhận lệnh nhập ngũ năm nay có 84 đảng viên, chiếm 2,21%. Số công dân có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học là 1.729 công dân, đạt 45,46%.
Khoác trên mình chiếc áo màu xanh, sao vuông trên nón, nữ dân quân cơ động xông xáo tham gia các phong trào, hoạt động xã hội tại địa phương. Với những thành tích vượt trội, ngày 12-2-2022, nữ dân quân cơ động Kim Phụng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những ngày tháng đó, chất lính đã thấm vào máu lúc nào không hay. Trong đợt tuyển quân năm 2023, Kim Phụng viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự.
Với Nguyễn Trang Hương Trúc (SN 2000, ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn), được mang trên mình chiếc áo xanh người lính là hoàn thành niềm mong ước hơn 20 năm của gia đình. Niềm vui rạng lên trên nét mặt, ông Nguyễn Văn Cước cho biết, năm 1989, trở về từ nước bạn Campuchia, sau khi rời quân ngũ, lập gia đình, ông mong muốn sau này con trai nối tiếp vào bộ đội. Vậy mà, người con đầu là con gái, tiếp theo là Hương Trúc, và sau là cô út - nay đã năm nhất đại học. Hiểu được lòng cha, sau khi cầm trên tay tấm bằng cao đẳng kinh tế, Hương Trúc xin ý kiến cha mẹ, viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Bà Lê Thị Út (bìa trái), mẹ của nữ quân nhân Nguyễn Trang Hương Trúc (giữa), tâm sự cùng con trước khi con gái lên đường nhập ngũ |
Hương Trúc tâm sự, ngày đi học, cô giáo thường kể cho cả lớp nghe về quê hương Hóc Môn, Củ Chi anh hùng. Vùng đất cách mạng gắn liền với những chiến tích lịch sử oanh liệt như Mười Tám Thôn Vườn Trầu, Ngã ba Giồng và gương hy sinh anh dũng của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. “Mong muốn được vào quân ngũ, khoác trên mình màu áo xanh bộ đội Cụ Hồ đã thành hiện thực. Những ngày tháng trong quân ngũ sẽ khó khăn, vất vả, nhưng em tự tin vượt qua để không phụ niềm tin của gia đình”, Hương Trúc bày tỏ.
Trái tim người mẹ
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, cho biết, Nguyễn Trang Hương Trúc là công dân nữ của xã đại diện cho huyện Hóc Môn tham gia nghĩa vụ quân sự. Không riêng gia đình, mà người dân xã Xuân Thới Đông tự hào khi trong xã có nữ quân nhân duy nhất nhập ngũ.
Trong khi những người bạn cùng lứa thán phục những “hạt mì chính” trong đợt giao quân năm nay, thì với Diễm Thúy, người mẹ công tác trong ngành công an là thần tượng để Thúy vươn lên. Hình ảnh người mẹ khoác trên mình quân phục, xả thân vì cộng đồng đã trở thành động lực đưa Diễm Thúy vào quân ngũ.
Từ ngày nộp đơn xin nhập ngũ, suốt ngày Hương Trúc cứ quấn quýt bên mẹ. Bà Lê Thị Út, mẹ Hương Trúc, mắt rướm ướt cho biết, nhìn con gái chân yếu tay mềm huấn luyện trên thao trường, bà cũng lo lắm. Tuy nhiên, bà giấu nỗi lo vào lòng, động viên con lên đường nhập ngũ.
Bà Vũ Thị Ngọc Hải Phượng, mẹ của tân binh Kim Phụng, trước làm cán bộ công chức phường 13, quận 3. Nghỉ công việc ở phường, bà Phượng nhận nhiệm vụ Trưởng khu phố 2, hăng say tham gia công tác quản lý ở địa phương. Đã nhiều năm, bà tham gia vận động, tiễn đưa thanh niên đến tuổi lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vậy mà bà cũng không khỏi xúc động khi biết con gái viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ.
Trái tim người mẹ mách bảo, con gái tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng bà luôn ủng hộ quyết tâm của con. Bà Phượng chia sẻ, Kim Phụng là con gái út trong gia đình, tốt nghiệp đại học, xung phong vào dân quân cơ động, tham gia phòng chống dịch Covid-19. Kim Phụng thực sự trưởng thành khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Môi trường quân ngũ phải sống xa gia đình, vất vả, nhưng gia đình tin tưởng con gái sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng danh bộ đội Cụ Hồ.
- Ngày 6-2, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức lễ giao, nhận công dân nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an nhân dân năm 2023. Năm nay, TP Hà Nội được giao chỉ tiêu tuyển chọn và gọi 3.500 công dân nhập ngũ. Trong đó, có 20,9% công dân có trình độ cao đẳng, đại học; 28% công dân tình nguyện viết đơn nhập ngũ; 1.294 đoàn viên ưu tú được tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng cảm tình đảng.
- Ngày 6-2, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ giao nhận quân năm 2023. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa được giao tuyển chọn và gọi 3.505 thanh niên (trong đó có 5 nữ) nhập ngũ và được biên chế về 12 đầu mối nhận quân của Bộ Quốc phòng. Trong số các thanh niên nhập ngũ có 200 người là đảng viên, gần 1.000 người đã được học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng; hơn 180 thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp; 1.015 thanh niên dân tộc ít người, 133 thanh niên có đạo.
DUY CƯỜNG - QUỐC KHÁNH