Hiệu quả thiết thực
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi dòng chuột C57BL/6 (còn gọi là chuột nhắt đen) tại khu nuôi động vật thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu y sinh, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, Tổ trưởng Tổ nuôi động vật thí nghiệm, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, tự hào giới thiệu đây là dòng chuột thí nghiệm nghiên cứu vaccine được thế giới công nhận, do chị đưa ra sáng kiến nhập về nhân giống. Chỉ với 25 con chuột giống được nhập từ Singapore vào đầu năm 2022, đến nay đàn chuột nhắt đen đã có hàng trăm con để phục vụ việc nghiên cứu của trung tâm và phân phối cho các đơn vị nghiên cứu y sinh trong nước.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy chăm sóc chuột nhắt đen |
Chia sẻ về ý tưởng nhập khẩu chuột nhắt đen về nhân giống, chị Thủy cho biết, trước đây việc nghiên cứu y sinh ở Việt Nam chủ yếu sử dụng chuột bạch (chuột nhắt trắng). Tuy nhiên, giống chuột bạch không được công nhận rộng rãi trên thế giới nên kết quả nghiên cứu chỉ áp dụng trong nước. Trong khi đó, có nhiều nghiên cứu có thể mang tầm khu vực và quốc tế, nếu chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp thì sẽ không phát huy được kết quả như mong muốn. Trăn trở về điều này, chị Thủy đã nghiên cứu và quyết định nhập giống chuột nhắt đen từ Singapore về nhân giống, cung cấp cho các đơn vị nghiên cứu trong nước.
“Trước đây, muốn nghiên cứu trên giống chuột nhắt đen thì phải nhập khẩu với giá rất cao. Việc nhân giống và nuôi chuột nhắt đen thành công tại Việt Nam đã góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác nghiên cứu và thử nghiệm liên quan đến động vật trong nước”, chị Thủy chia sẻ.
Cùng với sáng kiến nhập khẩu, nhân giống chuột nhắt đen, trong khoảng thời gian 16 năm công tác tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, chị Thủy đã có nhiều sáng kiến trong nghiên cứu và nhận được nhiều giải thưởng cấp thành phố. Chị Thủy tâm sự, để đạt được những thành tích trên, chị đã nỗ lực không ngừng, cống hiến hết mình với tâm nguyện nghiên cứu những sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Trong quá trình nghiên cứu, không ít lần thí nghiệm không được như mong muốn nhưng chưa lần nào chị nản lòng mà luôn tìm sáng kiến mới để giải quyết các vấn đề.
Cùng khát khao cống hiến cho đơn vị, góp phần tăng năng suất lao động, giảm áp lực cho công nhân, chị Hồ Thụy Bảo Như, quản lý sản xuất phân xưởng thực phẩm, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, cũng có nhiều sáng kiến, sáng tạo mang tính đột phá, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào quy trình sản xuất tại doanh nghiệp.
Trong 7 năm công tác tại công ty, chị Như đã có nhiều sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm cả chục tỷ đồng cho công ty. Trong đó, sáng kiến “Cải tiến điều kiện môi trường sau khu vực bán thành phẩm và phương pháp vệ sinh thanh trùng thiết bị” đã giúp công ty giảm gần 40% tần suất vệ sinh thanh trùng thiết bị hàng tuần, tăng năng suất nhà máy lên gần 6%. Sáng kiến này cũng giúp công nhân giảm thời gian làm việc, giảm xả thải ra môi trường, nâng tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm cho đơn vị hơn 1,7 tỷ đồng trong năm 2022.
Giữ lửa đam mê
Nhớ lại thời điểm nảy sinh sáng kiến “Cải tiến điều kiện môi trường sau khu vực bán thành phẩm và phương pháp vệ sinh thanh trùng thiết bị”, chị Hồ Thụy Bảo Như chia sẻ, đặc thù công việc trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đòi hỏi môi trường làm việc luôn sạch sẽ, gần như hàng tuần công nhân phải làm vệ sinh thanh trùng tất cả thiết bị. Như vậy, mỗi tuần công nhân phải mất 8 tiếng đầu tuần và 8 tiếng cuối tuần để làm vệ sinh, công việc khá nặng nhọc và phải tiếp xúc với nước…
Chị Hồ Thụy Bảo Như hướng dẫn, đào tạo tay nghề cho công nhân |
“Thấy anh chị em công nhân phải tốn quá nhiều thời gian cho việc vệ sinh thanh trùng thiết bị, tôi trăn trở phải làm gì đó để công nhân đỡ cực. Và khi sáng kiến được áp dụng, công nhân giảm áp lực công việc, công ty tăng năng suất, tôi cảm thấy rất vui vì sáng kiến đã đem lại lợi ích thiết thực”, chị Như bày tỏ.
Cũng làm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, mỗi năm chị Võ Thị Ngọc Diễm, điều hành sản xuất chuyền cá đỏ, Công ty cổ phần Sài Gòn Food, có khoảng 8-10 sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất của công ty. Từ đó, làm lợi cho công ty khoảng 2 tỷ đồng. Với kinh nghiệm thực tiễn bản thân từng trải qua và bằng tâm huyết với nghề, chị Diễm truyền cảm hứng, kinh nghiệm của mình cho công nhân lao động qua những hành động cụ thể, sẵn sàng “cầm tay chỉ việc” cho từng công nhân. Trong vai trò của mình, chị Diễm đã bồi dưỡng, đào tạo 48 công nhân phát triển lên vị trí cao hơn; kèm cặp 35 công nhân đạt danh hiệu thợ giỏi…
Chị Võ Thị Ngọc Diễm (bìa trái) hướng dẫn công nhân chế biến cá |
Gắn bó với công ty hơn 12 năm, trải qua nhiều vị trí công việc với nhiều thử thách khác nhau, có những thời điểm gặp khó khăn, không có thời gian cho gia đình nhưng với lòng yêu nghề, làm việc bằng cái tâm nên chị Diễm luôn cố gắng hết mình để tìm giải pháp mới cho từng vấn đề. “Tôi tâm niệm những kết quả hiện tại chỉ là bước đầu, bản thân tôi phải luôn học hỏi, cải thiện không ngừng để tăng năng suất lao động của người lao động, tiết giảm chi phí cho công ty và đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng”, chị Diễm chia sẻ.
Chị NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: Mong muốn cống hiến nhiều hơn
Trong công việc của mình, tôi luôn cố gắng để có những đề tài, nghiên cứu có thể chuyển giao, phục vụ được cho cộng đồng, xã hội. Đặc biệt là việc nhân giống nhiều dòng chuột hơn nữa để đáp ứng được nhiều nghiên cứu trong nước, sớm nghiên cứu tạo ra được những sản phẩm thiết thực phục vụ cho con người. Hy vọng các cơ chế, chính sách liên quan đến mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu thông thoáng, linh động hơn để người nghiên cứu được chủ động hơn.
Chị HỒ THỤY BẢO NHƯ: Động lực để phấn đấu
Khi dấn thân vào môi trường sản xuất nhiều hơn, tôi thấy được mình có nhiều động lực hơn, thúc đẩy mình có nhiều sáng kiến phục vụ cho công việc. Tôi luôn suy nghĩ làm sao có thể cải thiện công việc, môi trường làm việc của anh chị em ngày càng tốt, để mọi người cảm nhận được đây là môi trường làm việc tốt nhất. Được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng là động lực rất lớn để tôi cống hiến nhiều hơn, bởi qua đó tôi biết được rằng con đường mình đang theo đuổi là đúng đắn, giúp tôi củng cố hơn những ước mơ, hoài bão trong tương lai, biến những ý tưởng ban đầu tưởng rằng có thể hơi xa vời trở thành hiện thực.
Chị VÕ THỊ NGỌC DIỄM: Chấp nhận thiệt thòi để giữ lửa nghề
Là phụ nữ thì ai cũng thích làm đẹp, nhưng với người làm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm như tôi thì phụ nữ không được sơn móng tay, không được xịt nước hoa, không được đeo nữ trang, thời gian dành cho công việc nhiều lúc cũng ảnh hưởng đến gia đình… Nhưng làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự yêu nghề, nhiệt huyết với công việc. Với tôi, sự đam mê với công việc đã giúp tôi theo đuổi được nghề của mình. Tôi cũng mong muốn truyền lửa nghề, tạo động lực cho công nhân bằng chính trải nghiệm của mình. Do đó, tôi truyền kinh nghiệm, kỹ năng của mình cho công nhân lao động bằng cả hành động và lời nói, “cầm tay chỉ việc” từng vấn đề cụ thể để công nhân hiểu và thực hành chứ không phải chỉ sử dụng lời nói.