Nhìn vẻ mảnh mai của cô, tôi không thể tin được rằng người phụ nữ ấy đã trải qua hơn 17 năm trong những nhà tù khét tiếng khốc liệt. Cũng thật khó hình dung người phụ nữ ấy đã tham gia cách mạng năm 1945, khi còn rất trẻ, với vai trò Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc An Nhơn Tây. Năm 1960, cô Nguyễn Thị Xà (Chín Xà) bị bắt do một tên chiêu hồi khai báo. Từ bót Bà Hòa, chúng đưa cô về đề lao Gia Định, rồi Nha tổng, Chí Hòa, Thủ Đức, Côn Đảo…
Cô trầm ngâm: “Tôi bị đày ra Côn Đảo 4 lần, trong khoảng 5 năm. Côn Đảo với tôi là một địa ngục trần gian vô cùng khắc nghiệt. Nhưng tôi đã sống, trở về nhờ tiếng hát!”.
Và quả vậy, những bài ca, bài vè cô viết trong nhà tù có sức động viên mạnh mẽ, không chỉ cho riêng cô mà cho đồng đội vượt qua những ngày khắc nghiệt chốn lao tù. Với cô Chín Xà, ký ức về những ngày bị đày ra Côn Đảo luôn in đậm trong lòng. Trong địa ngục trần gian ấy, cô đã từng có những giây phút yếu đuối, chông chênh, đến mức có lúc muốn tự kết liễu đời mình để được giải thoát. Nhưng trong tận cùng sự khắc nghiệt ấy, một tiếng nói nghiêm khắc vọng lên: “Chết rất dễ, sống mới là khó”. Và cô đã dũng cảm sống, dũng cảm đấu tranh, dũng cảm nhìn thẳng vào sự tàn bạo, cả sự yếu đuối để lòng mình bật lên những câu ca, như một vũ khí truyền dẫn niềm tin, sự chia sẻ, an ủi cho những bạn tù.
Trải nghiệm nhà tù đã cho cô chất liệu viết 40 bài gồm vè, thơ, ca cổ, ca kịch và tuồng; và cô khiêm nhường nói “đã góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào văn nghệ chung của tập thể cho thêm phần phong phú”.
Cô Chín Xà khiêm tốn nói vậy, nhưng những sáng tác của cô đặc biệt có ý nghĩa với những người bạn tù. Bà Phan Thị Tốt - Trưởng ban liên lạc Cựu nữ tù chính trị và tù binh khi sinh thời đã viết những dòng chân thành: “Tôi và các chị em tù chính trị thời chống Pháp và chống Mỹ xin chân thành cám ơn chị Chín. Thơ ca của chị rất bình dị, mộc mạc, giản đơn như cuộc đời chị, song nó có sức sống mãnh liệt, đem lại niềm vui, tiếng cười cho chị em ở những nơi mà người ta gọi là “Địa ngục trần gian”.
Sau ngày hòa bình, cô đóng góp công sức của mình, trong ngôi nhà chung Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, là một trong những thành viên sáng lập Nhà văn hóa Phụ nữ thành phố.
2. Một trong những nữ du kích chống Mỹ đầu tiên của Củ Chi là chị Trương Thị Huệ (Ngọc Anh), quê ở An Nhơn Tây. Chị từng chụp ảnh cùng nhà báo Butchette khi ông thăm vùng giải phóng Củ Chi. Khi rời khỏi Việt Nam, có lẽ ông không bao giờ nghĩ cô gái mảnh mai, xinh đẹp ông từng gặp, sau Mậu Thân 1968, trên đường công tác vào nội đô Sài Gòn đã sa vào tay giặc. Mỗi lần tra tấn chị ngất xỉu, địch lại ném chị vào cát-sô tăm tối, ngột ngạt, hôi thúi. Người mẹ vượt qua cơn bệnh, vừa sinh con được mấy tháng, phải gởi con cho người quen nuôi, vào nội đô công tác còn rất yếu ớt, hay khóc thầm vì nhớ con trước những trận đòn thù chợt cứng như sắt thép. Chúng đánh đập chị đến mỏi tay, đến nỗi “nơi nào trong cơ thể tôi mà mắt tôi nhìn thấy được là bầm tím, bầm đỏ, sưng lên hoặc loét ra. Chúng đánh đập, gầm thét, tôi vẫn một mực trước sao, sau vậy. Hồi ở nhà, làm cá đứt tay một chút đã thấy đau. Nhưng ở cái cảnh của tôi, chí đã quyết sống chết cho cách mạng thì không thể lùi được, tôi coi đòn thù cũng vô nghĩa”.
Đến ngày thứ 12, địch giải chị về nhà giam Gia Định, rồi đưa sang Ty An ninh Hàng Keo giam lỏng. Nhân lúc địch sơ hở, chị tìm cách trốn về căn cứ. Sau thời gian chữa bệnh, học tập, chị được tổ chức đưa trở lại nội đô công tác. Trước nguy cơ bị lộ, chị về căn cứ. Đến Hóc Môn, bị chỉ điểm, chị bị địch bắt. Lần này, chị bước vào trận chiến vô cùng căng thẳng, khốc liệt. Chị giả điên và cũng thật không dễ. “Điên thì có thiên hình vạn trạng, không có công thức, bờ bến nào. Trước hết, tôi nhớ lại cách điên những người mình đã từng biết và cố làm cho giống. Khi địch và những người xung quanh tin mình điên thật thì từ đó, mình sẽ nghĩ ra những cách điên mới”.
Để xem chị có điên thật không, kẻ thù đã tra tấn những ngón đòn tàn khốc, cân não, tra điện cả vào chỗ kín của chị, máu tuôn ướt đầm. Nhiều lần chị được đưa đến nhà thương điều trị, trên lằn ranh của sự sống và cái chết. Mỗi lần bị gọi đi thẩm vấn, chị vui cười hớn hở. Địch bắt đầu nghĩ chị điên thật, bởi “Ai đời, bị đánh đập tra tấn mà nó vui hết biết!”. Sau mấy chục lần chị bị đưa đến nhà thương Chợ Quán điều trị rồi tra tấn tiếp, địch vẫn không moi được thông tin nào đáng kể ở một “con điên”. Trước khi quyết định thả chị, địch đưa chị đo điện não đồ xem chị có điên thật không. Hôm đó, chị ngã đập đầu xuống đường bất tỉnh. Địch đành đưa chị về, rồi đưa đến trại 7, một bộ phận của nhà thương Chợ Quán chuyên nhốt người điên thật. Sống với những người điên, vừa chứng tỏ mình điên mà không điên quả là một trận chiến cam go. Nhờ sự giúp đỡ của một nữ giám thị, chị tìm cách thoát ra ngoài. Sau đó, chị tìm lại tổ chức, được đưa vào căn cứ chữa trị.
Không thể kể hết những tấm gương trung kiên, những ngón đòn tra tấn dã man mà các chị phải nếm trải, chịu đựng nơi chốn địa ngục trần gian. Những người con gái Củ Chi trung hậu, tràn đầy nữ tính, cũng là những con người bình thường được cấu tạo bằng xương thịt; nhưng tận cùng địa ngục, vượt qua những đòn tra tấn thể xác, tinh thần nhằm dìm chết sinh mệnh chính trị của người tù, những người con gái yếu mềm ấy như vàng ròng thử lửa, rắn lại thành thép, sáng ngời phẩm chất cao đẹp của Củ Chi đất thép anh hùng.