Tôi nhìn lên, những quả giới mẩy căng, vàng óng tựa những hạt ngọc. Lập tức tôi hình dung ra vị ngọt dịu của những quả giới dì Nguyệt đứng trên lưng trâu, hái cho tôi trong những trưa hè ấu thơ năm nảo năm nào. Không có gà rán, bánh, kẹo, tuổi thơ của nhiều đứa trẻ 8X lớn lên từ những hoa trái thiên nhiên ban sơ trao tặng, đọng lại thật nhiều ngọt ngào.
Dì Nguyệt, cậu Tuấn, cậu Dũng, dì Tú… là những dì, những cậu họ được tôi coi như “thần tượng” thời thơ ấu. Các dì, các cậu chỉ hơn tôi vài tuổi, đều có những tài lẻ và yêu chiều đứa cháu từ phố về quê hết mực. Cậu Tuấn có tài nặn đất sét. Chỉ một cục đất sét nham nhở dỡ từ ruộng về, cậu nặn những chú chuột, chú lợn, vịt, gà… Hết thảy đều chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái một chút. Nặn xong, cậu đặt ngay ngắn cả đám thú cưng ấy bên sân nhà bà, nơi cuối bụi chuối. Đó là góc khuất nhưng có nắng lọt vào sân nhiều nhất. Khỏi sợ ai vô tình dẫm phải mà vẫn khiến lũ thú cưng được tắm nắng cứng cáp. Có những ngày tôi ngồi bên bụi chuối nhà bà mải mê chơi với đàn thú cưng đất sét từ sáng tới tối.
Tôi nể nhất cậu Dũng có đôi mắt cực tinh. Vườn nhà ai có trái chín, bờ bụi nào có quả ngon, cậu cũng hái cho tôi những chùm quả giấu đầy túi áo, túi quần đem về. Dì Nguyệt có tài giữ thăng bằng trên lưng trâu. Dì thường cho tôi cùng ngồi trên tấm lưng trần đen kịt của con trâu to nhất đoàn, hai dì cháu thủng thẳng đi từ bờ đê lộng gió trở về nhà. Trên tay dì luôn có vài nhánh lúa nếp mới hái đâu đó, để dành về rang nổ chia cho tôi cùng ăn. Lúa nếp vừa hái, hạt còn bám cả vỏ trấu thơm nồng, cắn ran rát lưỡi nhưng vẫn là món hấp dẫn của bất kỳ đứa con nít nào.
Trong những buổi mải chơi cùng nhau trong mảnh sân trưa bên bờ chuối nhà bà ngoại, có lúc cậu tôi nhặt được một quả trứng gà còn ấm hơi của chị mái mơ vừa đẻ rớt. Đám trẻ con có hẳn những lon bia, lon sữa đặc Ông Thọ được mài bỏ nắp. Cả đám bắt chước người lớn nêm chút muối, chút lá ngải cứu nhẫn đắng bên rào vào quả trứng gà, nhóm củi bằng những nhánh tre khô, lá chuối khô lên nấu. Có đứa nhanh tay chạy về nhúm ít gạo, củ khoai góp vào thành bữa tiệc thịnh soạn.
Lại nói chuyện quả giới dì Nguyệt hỏi tôi, kỳ thực bao nhiêu năm xa thời ấu thơ, vạ vật những bờ những bụi yêu thương là bấy nhiêu năm tôi không gặp lại. Bỗng dưng ùa về tất cả mọi kỷ niệm trong vắt trong một buổi tối chẳng có gì liên quan - đối diện một mình với màn hình máy tính. Mà nào phải riêng tôi, có tới hàng ngàn lượt thích hình ảnh quả giới đó, hàng trăm lượt chia sẻ, í ới gọi lẫn nhau đủ nơi, đủ xứ cùng ôn lại kỷ niệm của những đứa trẻ quê đã cùng nhau lớn lên, cùng nhau trải nghiệm.
Ngoài quả giới, tôi ấn tượng những bụi quả thù lù bên bờ đê ở quê. Cây thù lù lúp xúp mọc thành bụi, quả chúc đầu xuống đất, hình dáng đáng yêu như một quả chuông nhỏ. Đã nhiều lần tôi ngồi bên một bụi thù lù lắng nghe thật kỹ xem có tiếng nhạc phát ra từ những quả chuông nhỏ ấy hay không mà không thấy. Đi qua những mùa hè, tôi vẫn mang theo hy vọng một ngày nào đó có thể lắng nghe tiếng nhạc từ những trái cây giống hình chuông, ăn ngọt thanh vô cùng, vừa ăn xong quả thứ nhất đã ứa nước miếng thèm quả thứ hai, thứ ba, thứ tư…
* * *
Một lần kia, tôi đi viết bài về cây độc trong thành phố, cảnh báo về những cây hoa cảnh có sắc, có hương nhưng gây độc, nhất là với trẻ em. Vị giáo sư chuyên ngành thực vật nói với tôi rằng, cây bông ổi (có nơi gọi trâm ổi) có hoa đẹp, quả ngọt nhưng quả có độc, ăn nhiều sẽ bị ngộ độc. Tôi ngớ người nói, quả này lúc nhỏ cháu từng hay ăn. Quả thực, lúc nhỏ, chúng tôi gọi đó là quả cứt lợn, thường hay chơi bên những bụi cây cứt lợn già, hái những chùm quả chín tím sẫm ăn. Còn hỏi nhau, chẳng hiểu vì sao hoa đẹp, quả ngọt mà lại có tên thiếu thẩm mỹ đến thế. Có đứa lý giải bừa, vì cây này ưa mọc phía sau chuồng lợn. Vị giáo sư cười hiền, nói, hồi bác nhỏ, bác cũng từng ăn. May mà ăn ít chứ không cũng ngộ độc…
Năm ngoái, con bé lần đầu được nghỉ dài ngày ở quê biển, kể với mẹ rằng: “Con đã tự tay làm một ngôi nhà bằng lá chuối (dựng vài cành cây khô sơ sài và lợp lá chuối vào là thành nhà). Đó là ngôi nhà đẹp nhất mà con biết vì chỉ cần nằm ngửa cổ lên là có thể ngắm cả bầu trời sao”. Hóa ra vì là nhà lá chuối nên không đủ độ dài che hết cô nhỏ 6 tuổi, nằm che chân, che mình và thò đầu ra ngoài ngắm sao. Nhưng nào quan trọng gì, quan trọng nhất đó là “ngôi nhà đẹp nhất” mà tự con tạo ra.
Tôi đã theo các dì, các cậu la cà suốt những mùa hè thơ ấu. Đó là những ngày tuổi thơ đẹp thần thánh khi không cần phải ngó tới bài vở, không cần có khái niệm học thêm học bớt trong đầu. Những ngày hè gắn bó với hàng trăm thứ quả dại thôn quê để một ngày kia bỗng bần thần khi thật lâu rồi có người nhắc tới. Và tôi biết rằng cô bé ấy cũng sẽ như mình, mãi khi lớn rồi vẫn có thể thấy thương ơi là thương những ngày hè thơ ấu gắn với những bụi giới, bụi tre, bờ chuối…