Để hôm nay tác giả Hoàng Chương cùng bao người được tự hào “hát giữa Trường Sa”; tác giả Trần Thắng đặt chân đến Đất Mũi Cà Mau theo dấu phù sa vươn ra biển lớn. Báo SGGP xin giới thiệu 2 bài thơ của 2 tác giả như những lát cắt tỏ bày tình cảm với biển đảo quê hương, với những bến bờ mênh mông.
Hát giữa Trường Sa
Đảo chìm nên diện tích chẳng lớn đâu
Sân khấu là hàng ba bên ngoài phòng chỉ huy đơn vị
Một cây ghi ta gỗ, một nhạc công, hai ca sĩ
Thế là thành sân khấu giữa đại dương
***
Khán giả là những chàng lính trẻ can trường
Nhìn non tơ mà dạn dày sương gió
“Không xa đâu Trường Sa ơi…” câu ca ngày đó
Giờ lại vang lên ấm áp giữa khơi xa
***
Khách biểu diễn xong lại đến chủ nhà
Hồn nhiên vỗ tay theo khúc quân hành hùng tráng
Tiếng đàn bập bùng trong ánh chiều dần xuống
Rồi mọi người cùng sôi nổi đồng ca
***
Một lần ra thăm, nghe hát giữa Trường Sa
Tôi hiểu thêm thế nào là Tổ quốc
Nghe rưng rưng nỗi niềm non nước
Việt Nam ơi, vững chãi mãi đất này…
HOÀNG CHƯƠNG
Đất Mũi
Nắng hào phóng kênh rạch phù sa
Sình lầy ghém mưa dông màu mỡ
Mắm trước đước sau lần hồi lấn biển
Những mao mạch Đất Mũi xòe tay
***
Cuối phương trời tụ hội dị thường
Cây số 0 rừng biển quyện nhau
Nước ròng reo đuổi bắt mặt trời
Thức dậy biển Đông chìm giấc biển Tây
***
Cá thòi lòi leo đâu cũng sống
Trái bần chát vội chua vàng nước nổi
Tim bình bát hút đất phèn chín đỏ
Dừa nước chen ngang dựng tóc bốn mùa
***
Cua, ngát, vọp, mốp cạn dăm xị đế
Mắm ba khía nhường nhau lúc mưa già
Khô cá sặc bướm qua mùa nước đuổi
Dưa bồn bồn xào tép nỗi mênh mang
***
Thuyền vỏ lãi lướt tung tóe mặn
Cầu khỉ nhênh nhang thoặt nắng thoặt mưa
Đờn ca mùi mẫn nắm tay em mắc cỡ
Đành ví dầu theo giọng miền Tây
***
Cột cờ Thăng Long nối lời mở đất
Sóng bạc vàng lấp loáng giáo gươm
Tột cùng Nam mũi thuyền vô ngã
Đất nở rừng đi biển sinh sôi...
TRẦN THẮNG