Chìa khóa biến đổi ngôn ngữ
Các nhà ngôn ngữ đi sâu nghiên cứu tiếng A Rem khẳng định, ngôn ngữ A Rem thuộc nhóm ngôn ngữ tiền Việt - Mường (proto Việt - Mường).
Nhà ngôn ngữ Trần Trí Dõi từng viết: “Nhiều từ tiếng Việt và tiếng Mường hiện nay là đơn tiết đều có liên quan về nguồn gốc với các từ song tiết của tiếng A Rem”. Ông ví dụ, dân ca Bình Trị Thiên xưa có câu: “Ru tam tam ngủ cho muồi”. “Tam” trong câu ca này hiện không còn trong tiếng Việt để chỉ từ “em” nữa, nhưng với tiếng A Rem nghĩa của từ này vẫn còn giữ nguyên vẹn trong các vỏ ngữ âm xa xưa của nó.
Giáo sư Trần Trí Dõi khẳng định: “Điều này cho phép chúng ta hiểu rằng có nhiều từ ở tiếng Việt đã mất đi, nhưng thi thoảng vẫn còn được giữ lại ở một vùng nào đó, một phương ngữ nào đó và còn giữ lại khá tốt trong tiếng A Rem”.
Người miền Trung nhiều nơi gọi “cây” là “săng”, gọi “rạ” là “toóc” thì người A Rem gọi “săng” là “chi săng”, “toóc” tương ứng “so/sok”. Đấy là dấu ấn xưa của tiếng Việt trong tiếng của tộc người anh em này. Những năm 50 của thế kỷ XX, các nhà ngôn ngữ băn khoăn và chưa giải thích được về quá trình chuyển đổi tiếng Việt từ một ngôn ngữ xưa kia song tiết (hai tiếng) sang một ngôn ngữ đơn tiết. Khi tìm hiểu tiếng A Rem, một ngôn ngữ nhóm Việt - Mường thì các lý giải khó nhất được khắc phục.
Tiếng Việt nói một âm tiết nhưng tiếng A Rem nói hai âm tiết. Như tiếng Việt nói “Gió” là một âm tiết nhưng tiếng A Rem gọi gió là “kaja”. Người Việt nói “Sấm”, người A Rem gọi “Karam”. Tiếng Việt gọi “Đất”, anh em A Rem nói “atắk”. Người Việt gọi “Lúa” thì người A Rem gọi “ala”.
Các nhà ngôn ngữ giải mã rằng; nhờ dạng thức hai tiếng còn lưu giữ trong tiếng A Rem mà người ta có thể tin rằng, xưa kia, thời kỳ đầu Công nguyên, tiếng Việt cũng có hai tiếng như người A Rem. Họ cũng chỉ ra, tiếng Việt xưa kia là một ngôn ngữ chưa có thanh điệu và tiếng A Rem cũng như vậy.
Vì thế mà ngôn ngữ A Rem rất lôi cuốn các nhà khoa học; ở Việt Nam có Trần Trí Dõi, Võ Xuân Trang, Đoàn Văn Phúc, Hoàng Dũng... Còn với người nước ngoài, có thể kể các tên tuổi nghiên cứu ngôn ngữ lừng danh như GS Nguyễn Phú Phong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, giảng dạy tại Đại học Paris VIII, đến với người A Rem hồi tháng 5-1985); GS Michel Ferlus, người Pháp, đến lần 1 vào tháng 5-1991, lần 2 vào tháng 12-1993.
Những năm 90 của thế kỷ trước, nghiên cứu sinh Kasaga Atushi người Nhật Bản đã đến nghiên cứu nhiều tháng với anh em A Rem. Ông trở thành tiến sĩ nhờ luận án ngôn ngữ về tộc người này.
Đấy là sự độc đáo về ngôn ngữ của 400 con người nơi đây.
Ý thức bảo mật riêng
Họ có ý thức bảo mật mọi thứ, cho nên muốn đến với họ phải tạo ra thân mật thực sự, nếu không sẽ bất thành. Trong cộng đồng của họ cũng có những điều thầm kín mà nếu họ chỉ cho một người biết thì không lo có thêm ai biết. Những bí mật của họ kỳ lạ và trong sáng, khám phá thật lâu mới hiểu sâu bên trong là điều gì.
Đầu tiên là tiếng nói của họ. Những anh em sống xung quanh người A Rem quả thực hiếm người có thể nói được tiếng A Rem. Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, cách Tân Trạch vài cây số không tài nào có thể học được tiếng nói của người A Rem. Nó như một thứ mật ngữ được giữ kín và khó hiểu.
Trong khi đó, cũng trong rừng mưa Kẻ Bàng, anh em Rục ở mạn Thượng Hóa, huyện Minh Hóa khẳng định, tiếng nói người A Rem hoàn toàn người Rục không thể hiểu được. Người Vân Kiều có khi vãng lai ngay trong khu vực này cũng hoàn toàn khó giải mật được tiếng nói A Rem. Ngày nay, có 21 người Vân Kiều ở bản Đoòng, thuộc hành chính quản lý của xã Tân Trạch cũng không nói được tiếng A Rem.
Người A Rem có ý thức bảo mật ngôn ngữ và văn hóa bản địa của họ, cả tâm linh của họ, cũng như tất cả cái gì thuộc về gia tài tinh thần. Xa ánh điện, xa các đô thị, họ còn được tiếng nói trong thế giới mênh mông chỉ với vài trăm người, quả là một sự giữ gìn kỳ công. Ngày nay tiếng nói ấy cũng chỉ truyền đạt trong anh em A Rem.
Thế nhưng cộng đồng tộc người này, có người có thể nói được tiếng Ma Coong, có người có thể nói được tiếng Vân Kiều, có người nói được tiếng Rục, có người nói được tiếng Sách, nhiều người nói được tiếng Kinh...
Họ cố công học tiếng những tộc người khác để giao tiếp. Và cách học là qua những lần trao đổi sản vật từ xa xưa. Nhưng họ lại hoàn toàn không nói tiếng A Rem với người Ma Coong hay những tộc người khác, dẫn đến người bên ngoài rất khó để nói tiếng A Rem.
Mọi thứ họ cất giữ riêng trong đầu, không có bất cứ loại máy móc nào có thể lưu trữ, không có bất cứ sách vở nào ghi chép. Tiếng nói của người A Rem xếp lớp trong vỏ não từng cá nhân. Người trước già đi, qua đời thì đã có trẻ nhỏ sinh ra và được truyền lại bằng nhiều cách của sinh hoạt, đi rừng.
Tiếng dạy đầu tiên của người A Rem là phải biết về gốc tích của tộc người mình. Thực ra, chúng ta vẫn nói A Rem để chỉ về họ. Đó là tiếng nói rút ngắn, còn thì, nó có một cái tiếng đầy đủ, dài hơn nữa để chỉ tộc người này: Tơ Hung A Rem. Đây là tên mà một số cộng đồng anh em như Ma Coong gọi về họ. Điều này, có tiếp xúc nhiều năm thì mới được cho biết.
Bí mật tiếp theo mà đàn ông vẫn giữ riêng, đó là mỗi lần đi rừng, phát hiện hang động mới nào họ cất giữ trong trí nhớ. Chỉ đến lúc ưng bụng cho ai xem hang động đó, họ mới mở lời mời đi xem hang. Có khi mời anh em trong bản, một nhóm vài ba người đi. Có khi mời người khác bản, khác dòng máu đi xem. Tuy nhiên, nhất thiết phải là người họ ưng bụng, tin tưởng, tín cẩn.
Tôi may mắn được Đinh Cu dẫn vào xem hang động mà Đinh Cu biết trong chuyến luồn vào vòm rừng mưa. Đinh Cu biết tôi nhờ các chuyến lên cứu trợ, và tiếp xúc nhiều lần nên quý mà dẫn đi xem hang.
Bên trong hang động này có 5 tầng. Bên trong là hệ thống măng đá, nhủ đá đẹp lộng lẫy. 5 tầng hang vươn vai lên đến đỉnh núi có một lối ra, đứng ở đó nhìn xuống là cả một thung lũng đầy cỏ và các trảng rừng rậm xanh tốt. Với họ, việc cất giữ những cái gì thuộc dòng tộc, gia đình, bản quán cẩn mật là trách nhiệm từ xa xưa truyền lại để tránh bị xâm chiếm đất đai. Chính vì thế mà nó vẫn di truyền lại cho đến ngày nay.
Tộc người không tham lam
Người A Rem xa ánh đèn, xa các trung tâm đô thị nhưng đoàn kết và chan hòa. Họ không bao giờ tham lam bất cứ của ai cái gì, dù là nhỏ nhất. Của ai, để ở đâu, như thế nào ngoài rừng đều nguyên vẹn. Họ không lấy của người khác và không lấy khi chưa xin dù khó khăn.
Chúng tôi có trải nghiệm gặp gỡ nhiều năm nay cùng anh em A Rem, và đi sâu trong rừng với những con người nhỏ bé này mới biết, họ tuyệt vời trong tấm lòng đối đãi nhau. Bản quán của họ chưa bao giờ mất cắp, chưa bao giờ to tiếng cãi cọ. Họ cố kết với nhau hòa mục. Đi rừng, người nào kiếm sản vật nhiều đều chia cho người không có để cùng ăn. Khái niệm tư hữu chưa quán triệt được họ. Có lẽ đây cũng là một trong những yếu tố giúp họ sống sót giữa khắc nghiệt của núi rừng. Và tồn tại đến tận ngày nay một cách bền vững.
Mùa vụ lúa rẫy thu hoạch vào, họ dựng lán trên nương. Nhà nào ăn hết mà lán người khác còn, họ đến xin và được gia chủ cho ra lán lấy về dùng. Chủ lán không cần theo giám sát, chỉ gật đầu đồng ý, người xin cũng không ham hố lấy nhiều. Họ lấy đủ dùng cho cơn hoạn nạn.
Họ không tham lam nên đoàn kết trong veo. Những sản vật rừng như tổ ong, ai để lại dấu hiệu của mình thì người đi sau không bao giờ leo lên lấy. Đó là một sự đàng hoàng mà người phía xuôi khó có thể sánh được.
Mấy ngày chúng tôi đi rừng với Đinh Rầu, tình cờ ông thấy một tổ ong ở Cợp Pộng. Đinh Rầu lên xem xét, nơi đó có dấu hiệu riêng của ông Đinh Nê khắc từ tháng trước. Đinh Rầu thấy thế liền tránh ra, không xem xét nữa. Ông nói, của ông Nê đánh dấu rồi. Có dấu khắc vào gốc cây rồi. Không lấy được đâu. Mình lấy, dân bản họ xem mình xấu lắm.
Mỗi người A Rem có một dấu hiệu riêng lúc trưởng thành để khắc dấu vào sản vật họ phát hiện trước. Người đến sau nhìn vào đó đã thấy chủ quyền rồi, thì không bao giờ tơ tưởng đến. Họ tôn trọng nhau như thế để đoàn kết với nhau giữa khắc nghiệt của xứ sở. Đến mùa ong năm sau, khi dấu hiệu khắc ở gốc cây được liền thịt, họ lặp lại chu trình tìm kiếm. Cứ thế, ai đặt chân đến trước đều có quyền khắc dấu hiệu riêng. Và quyền lấy mật thuộc về cái dấu mới. Người chủ của mùa trước có đến sau cũng vui vẻ với người chủ mới của mùa khác.
Chúng tôi có chuyến cùng nhau vào rừng, nửa đêm nằm ngủ nghe cả bọn thanh niên lục tục dậy, tưởng sáng, té ra Đinh Khinh, Đinh Cu, Đinh Tân... dậy thổi lửa bắc cơm để ăn. Đầu hôm ăn no rồi, nhưng giờ ưng ăn thì dậy nấu thôi. Thế là gạo lường ra đầy vung, cả mấy thanh niên A Rem cứ thế xơi cơm giữa khuya tối bịt bùng.
Bữa sáng dậy còn chút gạo, hết thức ăn, nhưng họ rất ý thức là vào sâu trong hang thả lưới kiếm cá to, bẻ lá rừng về nấu chua một nồi để đãi đằng. Đinh Khinh nói: “Bọn em ăn hết thức ăn rồi. Chừ nấu các bác ăn tạm món của A Rem. Đừng chê nghe”. Nói thế thôi, chứ đó là nồi canh ngon vô cùng. Điều đó cũng thể hiện tính trách nhiệm của người anh em này giữa rừng sâu với người xung quanh khi không tham lam, lỡ dùng hết thì tìm cách bù vào lúc có dịp. Họ còn khó khăn vô biên mà hành xử như thế cũng đủ biết vì sao họ vượt qua hàng thế kỷ giữa rừng rậm hoang sơ. Đấy là một đặc tính độc đáo vô cùng.
Quê hương của người A Rem có hang Sơn Đòng lớn nhất thế giới, có hang Én lớn thứ 3 thế giới cùng hàng trăm hang động lớn nhỏ khác. Đất đai tổ tiên họ đã chọn có vẻ đẹp mê hoặc như thế đã trở thành không gian sống của tộc người anh em này. Chính vì thế, họ giữ gìn được văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng, bản sắc riêng, cách sinh tồn riêng.
Những câu chuyện trên đây chỉ là lát cắt nhỏ độc đáo và tinh túy nhất của họ, để cho thấy, chỉ với 400 người họ vẫn bền dai với mảnh đất hào phóng. Ngày nay có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, A Rem chắc chắn bảo lưu tất cả những gì họ có, để cho những ai lui tới có thể thấy con người xa xưa phản chiếu trong tâm hồn họ như thế nào dưới ngọn Mây Đỏ kỳ vĩ.