Khác với những năm học trước, ngày học đầu tiên của năm học 2018-2019 không bắt đầu bằng những hoạt động quen thuộc như tổ chức cho học sinh nghe phổ biến nội quy, bầu ban cán sự ở từng lớp, sinh hoạt nề nếp, kỷ luật nhà trường mà thay vào đó, học sinh có cơ hội được chia sẻ, trải nghiệm các bài học kỹ năng sống với chủ đề "Yêu thương".
Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hoạt động giáo dục kỹ năng sống nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về các giá trị sống, qua đó giúp các em hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của các giá trị này đối với sự phát triển nhân cách cá nhân và phát triển chung của xã hội. Từ đó, các em sẽ được tạo động lực, truyền cảm hứng để có những hành động đẹp, thái độ sống tích cực, thực sự hào hứng và chủ động tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường. "59 lớp học là 59 bài giảng khác nhau về tình yêu thương nhưng cùng có điểm chung là chạm đến cảm xúc thật sự của người học, khơi dậy ở các em ý thức về sự cho đi và nhận lại trong cuộc sống", cô hiệu trưởng cho biết.
Có mặt tại lớp 9A1, tiết học đầu tiên của năm học mới đã được cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp khởi động bằng trò chơi "Đi tìm định nghĩa đôi tay đẹp nhất". Sau khi cho học sinh lần lượt nói lên định nghĩa về một bàn tay đẹp, cô Nhung cho cả lớp xem một đoạn video clip với chủ đề "Đôi bàn tay mẹ". Ở đó, có sự xuất hiện của những bàn tay chai sần vì mưu sinh, chăm con vất vả, những giọt nước mắt của các vị khách mời tham gia phỏng vấn khi nói về những nhọc nhằn cha mẹ đã đánh đổi vì tương lai và hạnh phúc của những đứa con. Và ở những hàng ghế bên dưới, cũng có những giọt nước mắt của học sinh rơi.
Chăm chú lắng nghe giáo viên chia sẻ các bài học về giá trị sống
Nối liền mạch cảm xúc, các em được xem tiếp đoạn video clip thứ hai nói về những hy sinh thầm lặng của một người cha câm dành cho đứa con gái bé nhỏ của mình. Đoạn phim tuy không lời, giao tiếp giữa các nhân vật chỉ là những hành động, cử chỉ nhưng sự cao cả, ý nghĩa thiêng liêng của tình cảm cha con đã khiến nhiều học sinh bật khóc. Nguyễn Huỳnh Phương Anh, học sinh lớp 9A1 cho biết, em đã không kềm được nước mắt khi liên tưởng đến người cha làm nghề xây dựng đang ngày đêm vất vả kiếm tiền cho em ăn học. Tương tự, Nguyễn Thị Mỹ Huyền, học sinh lớp 9A1 bày tỏ: "Em rất bất ngờ vì bài học đầu tiên tụi em nhận được trong năm học mới là bài học về giá trị của yêu thương. Sau 2 tiết học, em thấy thương cha mẹ của mình nhiều hơn và hiểu được ý nghĩa to lớn của tình cảm gia đình".
Ở một lớp học khác, cô Nguyễn Hồng Thanh Thương, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A7 đã cho học sinh viết thư chia sẻ về những tâm sự thầm kín, tình cảm tốt đẹp các em dành cho hai đấng sinh thành. Sau đó, cả lớp được chia thành 6 nhóm, cùng thiết kế biểu tượng về tình yêu thương. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, lần lượt đại diện các nhóm lên trình bày quan điểm của nhóm mình về tình yêu thương, sau đó cả lớp tiến hành bầu chọn ra biểu tượng có ý nghĩa nhất. Nhóm có biểu tượng được các bạn yêu thích nhất sẽ được nhận quà từ giáo viên chủ nhiêm, đồng thời có cơ hội truyền đi thông điệp ý nghĩa của nhóm mình. Hoạt động vừa giúp các bạn tăng kỹ năng làm việc nhóm, qua đó hiểu được tâm tư, tình cảm của từng thành viên trong lớp mình. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng hiểu được tính cách, trở ngại về mặt tâm lý của từng học sinh để qua đó tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với tất cả học sinh.
Học sinh lớp 10A7 viết thư gửi những tình cảm tốt đẹp đến hai đấng sinh thành.
Ngày học đầu tiên khép lại không bằng điểm số, không có một kết luận hay định nghĩa cứng nhắc về tình yêu thương nhưng qua đó đã giúp học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của tình yêu thương và sự cho đi trong cuộc sống. Ở đó, mỗi học sinh sẽ có một định nghĩa về yêu thương cho riêng mình nhưng trên hết là việc các em được trải nghiệm, nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, qua đó có cơ hội hình thành thói quen tốt, biết vận dụng những điều đã học vào cuộc sống.
Bài học không có trong sách giáo khoa nhưng đã giúp học sinh lan tỏa được thông điệp về tình yêu thương.