Dự án lần này nằm trong khuôn khổ các hoạt động ngoại giao công chúng nhằm mục đích nâng cao quyền hưởng thụ về văn hóa của cộng đồng người Điếc Việt Nam, đồng thời truyền tải thông điệp “Bài hát không chỉ có thể được cất lên từ giọng ca mà còn có thể được thể hiện bằng đôi tay, âm nhạc không chỉ được nghe bằng đôi tai mà còn có thể được cảm nhận và nhìn thấy thông qua đôi mắt”.
* Cùng ngày, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải “Cuộc thi nói tiếng Hàn và sáng tạo Video THINK KOREA-THANG LONG. OKTA”. Chương trình nằm trong khuôn khổ chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong năm 2022 tới đây và chào mừng tiếng Hàn được chọn là ngoại ngữ thứ nhất trong Chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam. Trường Đại học Thăng Long đã kết hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại nước ngoài - Văn phòng Hà Nội (World OKTA Hanoi) cùng đồng hành tổ chức sự kiện này.
Hạng mục thi nói của cuộc thi được mở rộng với các đối tượng dự thi là sinh viên, học viên và học sinh phổ thông. Trong hạng mục sáng tạo video, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều video dự thi với nhiều chủ đề đa dạng như văn hoá Hàn Quốc, quan hệ Việt - Hàn, Hàn Quốc trong suy nghĩ của người Việt. Sự kiện cũng được tổ chức đồng thời cả online và offline với số người tham dự hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Ông Kim Kyong Rok - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại nước ngoài - Văn phòng Hà Nội cho biết, Hiệp hội OKTA là hiệp hội kinh tế được thành lập với mục tiêu phát triển kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc nên dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với các trường đại học của Việt Nam như sự kiện lần này sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai.