Bấm còi vô tội vạ
Tuyến đường Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa được xem là tuyến chính đối với du khách có hướng đi tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, khoảng 15-22 giờ mỗi ngày, xe cộ lưu thông tần suất cao với những âm thanh inh ỏi phát ra từ những hung thần xe ben, container luôn thường trực.
Chị Phùng Thanh Giang (ngụ trên đường Trần Đại Nghĩa, TP Đà Nẵng) ngao ngán, đã lắp kính cách âm trước nhà, nhưng chỉ hạn chế một phần còi xe, bởi không thể lúc nào cũng đóng cửa kín mít. Ngày nào chở con đi học, chị Giang với con gái cũng lãnh đủ thứ âm thanh còi xe từ mô tô cho đến ô tô.
“Có 2 lần tôi suýt té ngã vì giật mình bởi tiếng còi xe. Khó chịu nhất là nhiều xe tải, xe buýt cứ đợi đến sát rạt người đi đường mới bấm còi, bảo sao họ không hoảng”, chị Giang bức xúc.
Tương tự, bà Nguyễn Cẩm Vân (trú phường Mỹ An, TP Đà Nẵng) cho biết, nhiều tuyến đường lâu nay khá bình yên với mật độ xe cộ còn thưa thớt, nhất là về đêm như Châu Thị Vĩnh Tế, Phan Tứ, Đỗ Bá, Ngũ Hành Sơn..., tuy nhiên sau 22 giờ, gia đình chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì luôn giật mình bởi những thứ còi xe quái dị, rú liên hồi.
Tại Quảng Nam, vấn nạn “ô nhiễm” tiếng ồn từ còi xe đã gây bức xúc cho người dân sống dọc theo tuyến quốc lộ 1A trong hàng chục năm qua. Bà Nguyễn Lệ Minh (trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) bức xúc: “Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn xe cộ càng ngày càng nghiêm trọng. Tiếng còi xe to hơn, liên tục hơn. Có nhiều gia đình quanh đây chịu không nổi đã bán nhà đi chỗ khác”.
Trong khi đó, Lâm Đồng là thành phố du lịch nằm khu vực Tây Nguyên cũng đang “chịu trận” với nạn ô nhiễm còi xe. Ông Nguyễn Hùng (chủ cơ sở lưu trú trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Lạt) cho biết, do vị trí cơ sở gần tuyến đường có nhiều ô tô lớn thường xuyên chạy qua nên khách phàn nàn vì bị giật mình mỗi khi có tiếng còi xe.
“Tiếng còi đinh tai, nhức óc có thể khiến bất cứ ai trong khoảng cách 100m cũng phải giật mình”, ông Hùng nói thêm.
TP Đà Lạt là nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhưng vào những khung giờ đêm khuya yên tĩnh, mọi người nghỉ ngơi thường vẫn nghe tiếng còi xe vang xa từ nhiều tuyến phố. Hoặc ngay tại những khu vực gắn bảng cấm sử dụng còi như trường học, cơ quan nhà nước…, các tài xế vẫn vô tư bấm còi. Theo một cán bộ CSGT tỉnh Lâm Đồng, việc phát hiện các vi phạm liên quan đến “chế”, “độ” còi, đèn chủ yếu dựa trên kiểm tra ngoài thực tế khi phương tiện lưu thông trên đường. Còn khi đi đăng kiểm, những chủ phương tiện thường tháo ra, sau khi có giấy chứng nhận đăng kiểm mới lắp thêm để sử dụng.
Cần chế tài mạnh tay
Để hạn chế còi ô tô, Sở KH-ĐT phối hợp với Sở GT-VT tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động cuộc vận động “Huế không tiếng còi xe” trong 4 năm qua. Thành công ban đầu từ cuộc vận động này đã giúp người dân TP Huế có cuộc sống yên bình, có giấc ngủ ngon mỗi khi đêm xuống. Không những thế, ngành du lịch Huế có thêm đặc trưng khi các tuyến đường vắng bóng tiếng còi xe, tạo được ấn tượng đẹp đối với du khách trong và ngoài nước.
Ông Phan Hòa (phường An Tây, TP Huế) chia sẻ: “Khi điều tiết được hành vi bấm còi, người lái xe sẽ đi cẩn thận hơn, quan sát kỹ hơn, nhường nhịn hơn, không phóng nhanh vượt ẩu, tai nạn giao thông theo đó mà sẽ ít hơn. Và thực tế trong hơn 2 năm qua, các tuyến đường trong khu vực phường An Tây không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào”.
Ông Đoàn Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã triển khai đến tất cả các hãng taxi hoạt động trên địa bàn, thực hiện tuyên truyền tới tất cả lái xe sử dụng còi xe văn minh. Ngoài ra, tiếp tục triển khai cuộc vận động đến các dòng xe tải lớn, xe khách tuyến cố định.
Riêng trong đợt ra quân từ đầu tháng 3 đến nay, lực lượng CSGT tỉnh Lâm Đồng đã xử lý hơn 100 phương tiện sử dụng còi sai thiết kế ban đầu. Cũng trong đợt này, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến các đơn vị, doanh nghiệp, chủ phương tiện ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn, đèn chiếu sáng, âm lượng còi… Riêng hai hãng xe Phương Trang và Thành Bưởi có nhiều đầu xe nhất đang hoạt động tại Lâm Đồng với trên 1.000 phương tiện cũng đã ký cam kết thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh tuyên truyền, vận động, các chuyên gia giao thông cho rằng, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mặt khác, cơ quan thẩm quyền xem xét để sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật hiện hành nhằm có những chế tài mạnh tay hơn đối với các hành vi bấm còi, sử dụng còi xe ô tô sai quy định.