Tình trạng cố tình gây tiếng ồn trong khu dân cư diễn ra ngày càng phổ biến và thường xuyên hơn, gây khó chịu cho nhiều người, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, an ninh trật tự, văn minh đô thị.
Vi phạm tăng gấp 2,3 lần
Cứ khoảng 18 giờ hàng ngày, tuyến đường Trường Sa qua các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 3 luôn ầm ĩ bởi âm thanh phát ra từ các nhà hàng, quán nhậu. Những chiếc loa thùng với những bản nhạc rap, nhạc remix được phát to hết cỡ để gây sự chú ý, thu hút khách, dội thẳng vào tai người đi đường. Âm thanh chát chúa không chỉ làm xao nhãng sự tập trung của dòng người đang lưu thông, mà còn khiến người dân sống xung quanh các hàng quán không thể nghỉ ngơi, nhất là vào đêm khuya, có những hôm kéo dài tới 1-2 giờ sáng.
Tình trạng mở nhạc công suất lớn ở các nhà hàng, quán nhậu cũng đã và đang diễn ra phổ biến ở các tuyến đường Hoàng Sa, Phạm Văn Đồng, Ung Văn Khiêm…
Dàn âm thanh “khủng” ở một nhà hàng trên đường Trường Sa, phường 14, quận 3 , TPHCM |
Trong khi đó, tiếng ồn từ việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo trong các khu dân cư cũng khiến không ít người dân bức xúc. Gọi điện phản ánh với PV Báo SGGP, chị Nguyễn Quỳnh Như (ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 21, quận Bình Thạnh) cho biết, gia đình chị và nhiều người dân trong khu phố vừa bị “khủng bố” tinh thần từ việc hát karaoke ở bữa tiệc thôi nôi cháu nội của hàng xóm. “Họ hát đủ thể loại bài, kéo dài đến tận gần 12 giờ đêm.
Vẫn biết đây là nhu cầu giải trí nhưng chỉ mong chính quyền địa phương có giải pháp tuyên truyền, chế tài để nhà ai có tiệc tùng, muốn hát hò gì thì hạn chế bớt lại, vặn nhỏ âm lượng, hát đúng giờ quy định”, chị Như chia sẻ.
Theo Sở TN-MT TPHCM, tổng hợp thông tin từ các quận, huyện trên địa bàn TPHCM cho thấy, trong năm 2022, thành phố đã kiểm tra và phát hiện 8.679 trường hợp có vi phạm về tiếng ồn, trong đó nhắc nhở 8.544 trường hợp và xử phạt 135 trường hợp, tổng số tiền xử phạt khoảng 430 triệu đồng. So với năm 2021, số trường hợp vi phạm tăng 2,3 lần, tổng số tiền phạt cũng tăng tương ứng 2,5 lần.
Chế tài mạnh tay hơn
Theo các cơ quan chức năng, mặc dù đã có những quy định xử phạt hành vi vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư như Nghị định 45/2022/NĐ-CP, Nghị định 144/2021/NĐ-CP… thế nhưng công tác xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư không phải là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết triệt để và nhanh chóng. Một trong những khó khăn mà nhiều đơn vị gặp phải là không có đủ thiết bị đo lường tiếng ồn nên thiếu căn cứ xử lý, hoặc khi cơ quan chức năng đủ thẩm quyền vừa có mặt tại hiện trường thì đối tượng đã tắt âm thanh.
Đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết, trong 9 tháng năm 2023, quận đã tiếp nhận 333 tin liên quan đến tiếng ồn trong khu dân cư. Qua thực tế xử lý ô nhiễm tiếng ồn tại địa phương, quận Gò Vấp thấy rằng, biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức vẫn là quan trọng và hiệu quả nhất. Trước hết, ở góc độ người dân nhắc nhở nhau dựa trên tình làng nghĩa xóm, nếu diễn ra nhiều lần thì cơ quan chức năng mới xử lý.
“Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cho các cơ sở kinh doanh thấy được những tác hại của tiếng ồn đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu dân cư, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Song song đó, các lực lượng chức năng của quận cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán có phát sinh tiếng ồn trên địa bàn”, một lãnh đạo quận Gò Vấp cho biết.
Ông THÁI HOÀNG VŨ, Phó Chánh Thanh tra, Sở TN-MT TPHCM: Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm
Để kịp thời ghi nhận, giải quyết phản ánh của người dân về tình trạng gây ồn, thành phố đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh như Tổng đài 1022; đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Sở TN-MT (số điện thoại 028.38290568); đường dây nóng, cổng thông tin điện tử, các ứng dụng mạng xã hội của quận, huyện, phường, xã, thị trấn; hệ thống mặt trận các cấp.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tuyên truyền, vận động và tăng cường kiểm tra xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, thành phố sẽ áp dụng mạnh mẽ các nghị định để xử lý phù hợp với từng đối tượng. Đơn cử, tại Điều 22, Nghị định 45/2022/NĐ-CP, có mức phạt cảnh cáo từ 160 triệu đồng đối với cá nhân và 320 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm về tiếng ồn. Mức tiền phạt sẽ tỷ lệ thuận với mức vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn.
Ngoài hình thức phạt tiền, tùy theo mức độ vi phạm còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây tiếng ồn từ 3-6 tháng đối với cá nhân và từ 6-12 tháng đối với các tổ chức.
Bà TRẦN THỊ THANH LÝ, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT TPHCM: Đưa vào tiêu chí xét tặng các danh hiệu văn hóa
Thời gian qua, Thanh tra Sở VH-TT, đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội thành phố đã có nhiều cuộc kiểm tra, phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm “gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn” theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP và đã tham mưu UBND thành phố ra quyết định xử phạt.
Để xử lý tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, Sở VH-TT sẽ tiếp tục đề nghị Ban chỉ đạo phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vận động các khu phố quan tâm thực hiện, phân công từng thành viên tổ chức nắm tình hình, theo dõi và giám sát các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tiếng ồn và báo cáo cho chính quyền, công an địa phương xử lý theo quy định.
Đồng thời, sở cũng sẽ tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trên các màn hình quảng cáo điện tử, các phương tiện quảng cáo nơi công cộng; tuyên truyền, vận động các tổ chức và người dân tại địa phương chấp hành các quy định tiếng ồn. Đặc biệt, xem xét, đánh giá việc chấp hành các hành vi vi phạm tiếng ồn của tổ chức, cá nhân trong xét tặng các danh hiệu văn hóa tại địa phương.
Trước đó, tại chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố với chủ đề “Xử lý tiếng ồn trong khu dân cư” do Ban Đô thị, HĐND TPHCM phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân thành phố tổ chức, ông Lê Xuân Viên, Phó trưởng ban Ban Đô thị, HĐND TPHCM, cho rằng, để xử lý tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, cần xác định cơ quan làm đầu mối trong việc tham mưu chính quyền địa phương có các biện pháp quyết liệt, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Đặc biệt, các địa phương cần yêu cầu các cơ sở kinh doanh viết cam kết việc tuân thủ quy định về tiếng ồn. Không những thế, cấp thiết phải lập danh sách các điểm thường xuyên có sử dụng thiết bị âm thanh vi phạm về an ninh trật tự, gây ồn ào, huyên náo, lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn đường bộ để tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Theo TS Đinh Thị Thanh Nga, Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn, ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư ở TPHCM đã trở thành một vấn nạn xã hội. Người dân liên tục bị tra tấn bởi những âm thanh vô bổ, rất mệt mỏi, khó chịu, nhất là sau một ngày làm việc cần nghỉ ngơi. Những tác động dễ thấy nhất do ô nhiễm tiếng ồn gây ra là tăng mức độ căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, tâm lý bất ổn, sức khỏe suy giảm.
“Hát karaoke là niềm vui của người này nhưng lại là nỗi ám ảnh với nhiều người, nhiều gia đình khác. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn để xử lý tình trạng này. Nếu tuyên truyền nâng cao nhận thức mãi mà không có chuyển biến gì thì cần chế tài mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm”, TS Đinh Thị Thanh Nga phát biểu.