
Theo Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đào Thị Hương Lan thì trong 6 tháng đầu năm 2009, Ban Chỉ đạo 09 (về xử lý, sắp xếp nhà thuộc sở hữu nhà nước) đã thu hồi được 36 địa chỉ nhà đất với tổng diện tích 30.0371m². Tính chung cả quá trình từ khi triển khai thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ (từ năm 2002) đến nay thì TP đã thu hồi được 165 địa chỉ nhà đất (diện tích gần 606.000m²). Tuy nhiên, so với số đất đang bỏ trống, chậm đầu tư thì con số thu được chẳng đáng là bao.
Siết chặt bằng giá đất
Ông Hà Duy Cường, Phó Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp của TPHCM cho biết: UBNDTP đang kiến nghị Chính phủ xem xét việc tính lại giá trị quyền sử dụng đất theo 2 cách, hoặc là tính lại giá trị lợi thế đất trên khung giá nhà nước nhưng nâng tỷ lệ cho thuê lên để hạn chế việc cho thuê lại; hoặc là điều chỉnh lại giá cho thuê đất theo giá địa phương nâng lên và áp dụng cho mọi thành phần kinh tế. Như vậy, những doanh nghiệp đã và đang cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân đều thuê với mức giá như nhau. Cách này sẽ tạo công bằng cho mọi thành phần kinh tế đối với giá thuê đất. Thế nhưng, kiến nghị của TP đã gởi đi nhiều tháng nay vẫn chưa được trả lời.
Còn ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TP thì kiến nghị UBND TP cho lập danh sách và ký hợp đồng cho thuê đất đại trà (theo hình thức ký hợp đồng thuê đất ngắn hạn hàng năm) đối với các trường hợp chưa được Nhà nước giao đất, thuê đất hoặc đã được giao đất, thuê đất nhưng đã hết hạn. Cần quy định khung của đơn giá cho thuê đất rộng để TP cụ thể hóa khi áp dụng, nhằm khắc phục đơn giá cho thuê đất ở nhiều khu vực còn thấp, có ngành nghề phải thuê sát với giá thị trường. Trong đơn giá cho thuê đất sản xuất, kinh doanh cần phân biệt giữa đất trực tiếp sản xuất (thấp) với đất kinh doanh thương mại (cao). Đây là biện pháp quan trọng và là công cụ tốt để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn quỹ đất này.
Từ kinh nghiệm rút ra được từ nhiều năm là thành viên của Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP, biết quá rõ các doanh nghiệp kiên quyết “ôm” đất, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng: Không để cơ chế 2 giá tồn tại, như vậy các đơn vị sẽ không dám “ôm” đất cho thuê lại để hưởng chênh lệch, đặc biệt tại các khu đất có vị trí đắc địa ở trung tâm TP có giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Để được vậy, TP phải kiến nghị Chính phủ nâng giá cho thuê đất lên tiệm cận giá thị trường.
Ngoài ra, vấn đề các đơn vị thành viên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa nhưng lại nắm trong tay phần diện tích đất khá lớn cần phải được quan tâm đúng mức, rà soát kỹ lưỡng vì trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp khi chuyển đổi công năng thì thất thoát đất đai của nhà nước rất dễ xảy ra. Trong khi đó, TPHCM hiện còn đến 17 tổng công ty và 53 doanh nghiệp công ích (thuộc sở ngành quận huyện) đang chuyển cổ phần hóa và công ty TNHH 1 thành viên.
“Cơ chế chính sách khi thực hiện việc chuyển đổi nhà, đất khi cổ phần hóa đang tạo điều kiện cho những đơn vị được Nhà nước giao quản lý trước đây được hưởng những đặc quyền đặc lợi. Nhìn trên thực tế, hễ mặt bằng nào được doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì nguy cơ nhà nước bị mất đất là rất cao” - ông Trần Du Lịch khẳng định.

Kho bãi số 289 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) do Tổng Công ty lương thực miền Nam quản lý với diện tích 60.134m² đã bỏ hoang phế mấy năm qua. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bổ sung chế tài
Ông Đào Anh Kiệt cho rằng, Luật Đất đai cần có quy phạm cụ thể hơn để điều chỉnh đối với đất có nguồn gốc công sản.
Cụ thể, UBND TP có thẩm quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về đất đai một cách đầy đủ, được áp dụng cho cả đất gắn với tài sản công (nhà đất do bộ ngành Trung ương quản lý). Cần có sự chỉnh sửa Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg để thống nhất và đồng bộ với Luật Đất đai. Tiến tới xóa bao cấp đối với trường hợp giao đất không thu tiền để bảo đảm sử dụng đất được tiết kiệm, hiệu quả hơn. Khi thu hồi đất của các tổ chức có dấu hiệu vi phạm thì kiến nghị không cần phải chờ có kết luận thanh tra như quy định mà Sở TN-MT có thể phối hợp với UBND quận huyện kiểm tra, đề xuất UBND TP ban hành quyết định thu hồi ngay.
Đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích mà không xin phép thì xử phạt hành chính nặng hơn, buộc tổ chức sử dụng đất phải xin phép, nếu không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường thì thu hồi đất. Riêng với các hành vi cho thuê, mượn đất trái phép thì truy thu tiền cho thuê nộp ngân sách, chấm dứt việc cho thuê trong thời gian 6 tháng…
Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường trong một đợt giám sát mới đây về tình trạng sử dụng đất công của các tập đoàn, tổng công ty trên địa bàn TPHCM, khẳng định: “Trên cơ sở rà soát của từng địa phương, Bộ Tài chính sẽ ra các quyết định thu hồi số lượng cơ sở nhà đất sử dụng chưa hiệu quả với diện tích sẽ rất lớn”.
Thu hồi, đầu tư cho các dự án công trình công cộng
Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng: Luật đã có quy định khá rõ, trước hết cứ căn cứ vào những gì luật quy định và phải quyết liệt thực hiện, chỉ là các đơn vị có làm nghiêm hay không mà thôi. Đối với đất bỏ hoang thì nhất quyết phải thu hồi. Những đơn vị cho thuê không đúng chức năng thì tiền đó phải nộp vào ngân sách hết.
“Người buôn gánh bán bưng bây giờ cũng phải nghĩ đến thuế thì không có lý do gì khối tài sản khổng lồ của TPHCM lại để đắp chiếu lãng phí như vậy được. Trong khi đó, TP đang rất cần mặt bằng và kinh phí để thực hiện các dự án công trình công cộng”, ông Hải khẳng định.
Cụ thể hơn, ông kiến nghị có văn bản khuyến nghị các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đưa đất vào đầu tư sử dụng theo dự án đã được duyệt. Nếu không sử dụng trong 12 tháng liền hoặc sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, thì phải thu hồi.
Trong khi chờ đợi Trung ương bổ sung các cơ chế để thu hồi các địa chỉ nhà đất công sử dụng không hiệu quả, theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì UBND TP và các sở ngành cần chủ động phát huy vai trò của mình. Về nguyên tắc, nhà đất công khi sử dụng sai mục đích, lãng phí phải thu hồi. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, đơn vị quản lý trực tiếp địa bàn. Hướng xử lý vi phạm cần có sự phối hợp của UBND địa phương với các bộ ngành dựa trên cơ sở Luật Đất đai và các quyết định của Chính phủ.
HỒNG HIỆP – LÊ MINH
Thông tin liên quan |
Nhức nhối lãng phí nhà đất công >> Bài 1: Những đại gia “ngồi mát ăn bát vàng” >> Bài 2: “Bó tay” vì… thiếu cơ sở pháp lý? |