Hoạt động của các đối tượng khai thác trái phép ngày một tinh vi, ma mãnh hơn với nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới, trong khi các giải pháp phòng chống, ngăn chặn của chính quyền địa phương, ngành chức năng vẫn chưa tạo được sự răn đe, phần lớn chỉ mang tính “cắt ngọn”.
Ngày càng manh động, tinh vi
Một ngày cuối tháng 11-2018, chúng tôi được một số người dân địa phương dùng tàu cá đưa đến khu vực biển Cồn Ngựa (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) để ghi nhận về hoạt động khai thác cát trái phép. Tại đây, giữa trưa nắng gắt, 3 sà lan cũ kỹ (không ghi biển số) đậu cập vào nhau, liên tục bơm và rửa cát.
Ở khoảng cách hơn 200m, chúng tôi vẫn nghe tiếng nổ chát chúa từ các cỗ máy công suất lớn trên 3 sà lan phát ra. Trên mỗi sà lan có chừng 3 - 4 người liên tục thao tác kéo ống, chỉnh máy để việc hút cát diễn ra nhanh chóng. Sau gần một giờ “cày xới đáy biển”, 3 sà lan chứa đầy cát di chuyển về hướng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Một lúc sau, các sà lan quay trở lại khu vực cũ và tiếp tục hút cát. “Mỗi lượt bơm cát và di chuyển về bãi tập kết của tụi nó (đối tượng khai thác cát trái phép - PV) mất 2 - 3 giờ, có ngày tụi nó hút đến 4 lượt, có lúc có đến 5 - 6 sà lan cùng bơm hút. Lúc trước chỉ làm ban đêm, giờ thì công khai bơm hút cả ban ngày”, ông Hòa (sống ở Long Hòa - người hỗ trợ chúng tôi tác nghiệp) chia sẻ.
Theo ông Hòa, khi có sà lan hút cát, ở khu vực xung quanh luôn có “vệ tinh” của các đối tượng hút cát theo dõi. “Chúng quan sát trong bán kính khoảng 500m, khi thấy lực lượng chức năng hoặc tàu thuyền lạ vào khu vực sẽ điện báo để người trên sà lan tháo van xả cát, tẩu tán chứng cứ”, ông Hòa nói.
Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Giờ cho biết thêm, ngoài việc cho “vệ tinh” theo dõi, quan sát xung quanh, hiện nay các đối tượng khai thác cát trái phép còn có nhiều chiêu thức mới để đối phó lực lượng chức năng. “Thường thì chúng đồng thời bơm hút cát 2 vị trí gần nhau. Sà lan mới, công suất lớn (có biển số, không hút cát) nổ máy thật lớn, thu hút sự theo dõi của lực lượng chức năng và người dân nhằm ngụy trang để sà lan cũ (đậu cách đó vài trăm mét) bơm cát. Trường hợp, sà lan cũ bị phát hiện, chúng sẵn sàng bỏ của chạy lấy người vì sà lan cũ có giá trị thấp”.
Đại diện Đồn biên phòng Long Hòa (Bộ đội Biên phòng TPHCM) cho biết, các đối tượng bơm hút cát trên biển Cần Giờ ngày càng manh động, bất chấp. Trường hợp Bùi Văn Hợp (38 tuổi, quê Nam Định) điều khiển sà lan HP-4477 là một điển hình. Chiều 17-11, phát hiện sà lan do Hợp điều khiển cùng 4 sà lan khác tổ chức khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ, lập tức tổ công tác của Đồn biên phòng Long Hòa yêu cầu giữ nguyên hiện trường để xử lý.
Chỉ “cắt ngọn”, không triệt được “cát tặc”
Nạn khai thác cát trên biển Cần Giờ đã và đang diễn biến phức tạp, thế nhưng công tác phòng chống, ngăn chặn của chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa phát huy được hiệu quả. Giải thích tình trạng “cát tặc” hoạt động dai dẳng trên địa bàn, một lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho rằng công tác đấu tranh, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép của địa phương thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Luật gia Trần Công Tạo cho rằng, nếu chính quyền, ngành chức năng vào cuộc mạnh, không lơ là trong các giải pháp, chắc chắn nạn khai thác cát trái phép sẽ giảm. TPHCM nên quán triệt, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, bộ phận cấp dưới. Theo đó, nếu để vi phạm tồn tại, địa bàn bị phát hiện vi phạm quá 3 lần, người đứng đầu đơn vị sẽ bị cách chức, chuyển công tác khác. Làm được như vậy, tiêu cực trong quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, khoáng sản sẽ giảm, nạn khai thác cát trái phép sẽ được hạn chế. |
Theo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TPHCM (PC05), các giải pháp ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn TPHCM nói chung và khu vực biển Cần Giờ nói riêng thời gian qua chỉ mang tính “cắt ngọn”, phần lớn các vụ việc, trường hợp vi phạm chỉ bị xử lý hành chính. Mức phạt quy định hiện nay từ vài chục đến vài trăm triệu đồng không đáng là gì so với lợi nhuận kếch xù từ việc khai thác cát trái phép.
Theo vị này, một khi biện pháp chế tài không đủ mạnh, đối tượng vi phạm không “ngán”, nạn khai thác cát trái phép sẽ còn hoành hành hơn. Theo các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa ở TPHCM đang tăng mạnh, công trình xây dựng mọc lên nhiều, giá vật liệu xây dựng (cát) ngày càng cao do khan hiếm, nếu chính quyền, ngành chức năng không có biện pháp mạnh, nạn khai thác cát trái phép sẽ càng diễn biến phức tạp hơn.