Hai trung tá này có trách nhiệm tiếp tục giải trình về việc thường xuyên gọi điện can thiệp với tổ tuần tra trên quốc lộ 20 để thả các đoàn xe quá tải. Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương làm rõ vụ tiêu cực này. Các biện pháp ứng phó nghiêm túc như vậy là cần thiết để đấu tranh chống nạn bảo kê.
Bảo kê là hành vi bảo đảm có tính bất hợp pháp của một thế lực cho những hoạt động phạm pháp hay ít nhiều mang tính không hợp pháp nhằm trục lợi. Hầu hết các hoạt động kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” như vũ trường, bar, massage, karaoke, cà phê đèn mờ... có dấu hiệu thiếu lành mạnh, hay các hoạt động xe dù, vận chuyển quá tải, vận chuyển hàng lậu... đều được bảo kê mới có thể tồn tại. Chuyện cán bộ cơ quan công quyền có hành vi bảo kê là một vấn nạn nguy hiểm.
Đặc biệt khi cán bộ lãnh đạo cơ quan bảo vệ pháp luật có hành vi bảo kê thì pháp luật bị xem thường, trật tự kỷ cương bị lỏng lẻo, quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân bị xâm hại, thậm chí chủ quyền và an ninh quốc gia bị bán rẻ. Những năm gần đây, trong các vụ án băng đảng hoạt động phi pháp lộng hành, đã phát hiện có những cán bộ công an chuyên bảo kê cho tội phạm. Trong việc quản lý địa bàn, đấu tranh phòng chống tội phạm, đã có không ít cán bộ, chiến sĩ công an lại bảo kê cho bọn xã hội đen, buông lỏng, dung túng để tệ nạn mại dâm, cờ bạc, ma túy, tín dụng đen... ngang nhiên hoạt động.
Khi trong một cơ quan công quyền xuất hiện hiện tượng lãnh đạo bảo kê, thì quyền lực bị thao túng, việc thực thi nhiệm vụ bị biến thành cơ hội cho kẻ xấu kiếm chác, những người cương trực bị trù dập, loại ra khỏi hàng ngũ. Trong vụ 2 trung tá CSGT Đồng Nai bị tố cáo, các clip thể hiện mỗi ca trực có rất nhiều xe quá tải bị chặn lại, nhưng chỉ vài phút sau là “sếp” gọi điện đến lệnh cho CSGT đang tuần tra phải cho xe chạy đi mà không bị xử lý. CSGT nào có ý kiến không đồng tình việc bảo kê xe quá tải thì lập tức bị điều chuyển công tác khỏi đội. Đó thực sự là sự lộng hành của cái xấu, cái ác, làm lũng đoạn bộ máy, làm xói mòn lòng tin của người dân.
Có quan điểm cho rằng xảy ra nạn cán bộ bảo kê là do bọn tội phạm đang không từ bất cứ thủ đoạn nào để tấn công, mua chuộc, gây sức ép, vô hiệu hóa cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo vệ pháp luật, nên có những cán bộ không chịu được, dẫn đến mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm, bảo kê và hợp tác với tội phạm. Thực tế những nhóm làm giàu bất chính và những băng nhóm tội phạm rất cần sự cấu kết, thông đồng của những người có quyền lực trong hệ thống chính trị để lộng hành, bòn rút tài sản nhà nước, của nhân dân. Họ cùng chung mục tiêu thao túng được thật nhiều quyền lực và thật nhiều tiền. Do vậy, hành vi cán bộ cấu kết với tội phạm làm băng hoại xã hội để nhận những đồng tiền nhơ nhuốc không phải chỉ là do cán bộ bị tấn công, mua chuộc. Thực chất đó là do lòng tham, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, và là sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, công chức, đó không chỉ là hành vi phạm pháp, mà còn là tội ác, là sự phản bội, là sự tha hóa về nhân cách, đạo đức, gây ra nhiều hệ lụy chính trị, kinh tế, xã hội. Thế nên, với cán bộ có hành vi bảo kê, phải xử lý thật nghiêm minh, chứ không dừng ở chuyện cách chức, sa thải. Để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, lộng quyền của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, rất cần tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra; chú trọng việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.