Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay 13-5. Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTVQH đã thảo luận về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng tích cực hơn so với đã báo cáo
Báo cáo một lần nữa khẳng định thống nhất với những nội dung Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Theo đó, tình hình KT-XH có xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; nước ta tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; hoàn thành 10/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Nước ta đã từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời chủ động, tích cực kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn.
Trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo và nỗ lực phấn đấu để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu KT-XH năm 2023. Một số chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã thay đổi tích cực hơn so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%); thu ngân sách nhà nước đạt 1.754.100 tỷ đồng, tăng 133.400 tỷ đồng (vượt 8,2%) so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội; xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 15 tỷ USD); thu hút vốn FDI đạt gần 39,4 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 27-30 tỷ USD); FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 20-22 tỷ USD)…
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với những đánh giá trên. Tuy nhiên, tình hình KT-XH năm 2023 cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Điều hành tăng trưởng tín dụng còn bất cập
Theo ông Vũ Hồng Thanh, tăng trưởng kinh tế theo giai đoạn có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện. Minh chứng là tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ chỉ đạt hơn 5,2%, đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025 (6,5-7%); năng suất lao động chỉ tăng 3,65%, là năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Báo cáo về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cho thấy Việt Nam đã bị tụt sau Ấn Độ và Thái Lan.
Tăng trưởng tín dụng đạt 13,78% song chủ yếu tập trung tăng trong tháng cuối năm, làm giảm hiệu quả thực sự của tín dụng cho tăng trưởng kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Một số hạn chế khác cũng đã được cơ quan thẩm tra phân tích. Đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh và đánh mất vai trò động lực chính của tăng trưởng, trong khi khu vực dịch vụ chưa chứng tỏ được vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng. Vốn đầu tư tư nhân tiếp tục tăng trưởng thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đầu tư tư nhân tăng 2,7%, chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) năm 2023 ghi nhận mức dưới 50 điểm (mức suy giảm các điều kiện sản xuất, kinh doanh) trong 9/12 tháng; bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tình trạng thiếu điện cũng khiến tình hình khó khăn của doanh nghiệp trầm trọng hơn; việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả chưa được cải thiện.
Công tác điều hành tăng trưởng tín dụng được coi là còn bất cập, nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường vốn còn nhiều vấn đề khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng đạt 13,78% song chủ yếu tập trung tăng trong tháng cuối năm, làm giảm hiệu quả thực sự của tín dụng cho tăng trưởng kinh tế.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng pháp luật, tư pháp còn một số vấn đề cần quan tâm như chất lượng nguồn cung lao động còn hạn chế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa thật sự bền vững. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm, năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo chưa đồng đều, tình trạng lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn diễn ra ở một số nơi. Ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn có những hạn chế, nhiều vấn đề tiềm ẩn phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng...